Aa

Tăng trưởng tín dụng: Thời gian thẩm thấu còn dài

Thứ Sáu, 14/07/2023 - 06:10

Việt Nam luôn ủng hộ tăng trưởng tín dụng và giữ môi trường lãi suất thấp; Nhưng trong quá trình thực tế để chính sách đi vào từng ngân hàng, từng khoản vay sẽ cần độ thẩm thấu khá dài.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Trước đó vào tháng 2 đầu năm nay, NHNN đã phân bổ hạn mức lần 1 cho các ngân hàng với tổng mức tăng trưởng là 11%, với hầu hết các nhà băng nhận chỉ tiêu thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2022.

Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay thấp hơn kỳ vọng, khi đạt 3,72% và chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020. Trong giai đoạn 2021 - 2023, các hoạt động sản xuất, môi trường kinh doanh bị suy yếu, sức cầu tiêu dùng vẫn còn nhiều hạn chế, trong khi chính sách tài khóa mở rộng chưa phát huy hết hiệu quả, dường như nhà điều hành đang trở nên “sốt ruột” và phải tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính sách tiền tệ.

Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng.

Đặc biệt, Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN hạ lãi suất điều hành, tăng “room” tín dụng, giảm lãi suất cho vay và giảm mặt bằng lãi suất từ 1,5 - 2%. Điều đó cho thấy sự kết hợp giữa Chính phủ và NHNN rất chặt chẽ trong công tác điều hành, thể hiện mong muốn dòng tiền chảy vào doanh nghiệp, chảy vào người dân để kích thích sự tăng trưởng kinh tế.

Có hai biến số vô cùng quan trọng trong công tác điều hành của ngành ngân hàng đó là: Thứ nhất, trung bình tăng trưởng tín dụng ở các năm trước đều trên 10%. Riêng những năm trước khủng hoảng như 2015, 2016, 2017, con số tăng trưởng tín dụng lần lượt là 17,26%; 18,25% và 18,28%. Sau đó có khủng hoảng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến con số có sự sụt giảm nhưng thời gian gần đây, chúng ta lại có sự tăng trưởng trở lại. Đặc biệt năm 2022, Việt Nam đã phải hết sức thận trọng mới kiểm soát được tăng trưởng tín dụng.

Thứ hai, phải có tiền gửi thì mới có tiền để cho vay. Tuy nhiên tăng trưởng tiền gửi đang thấp hơn tăng trưởng huy động, ví dụ năm 2022, tiền gửi của người dân cũng như doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng đều thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, khiến các ngân hàng cạnh tranh nhau về lãi suất. Ngoài ra, chi phí vốn để huy động cũng hoàn toàn khác nhau do vị thế của từng ngân hàng.

Cần chú ý kiểm soát chất lượng tín dụng 

Ở Việt Nam, khi nói đến tăng trưởng tín dụng là thường nói đến quy mô của tín dụng so với quy mô nền kinh tế, nghĩa là tăng trưởng tín dụng so với GDP của Việt Nam.

Hệ thống ngân hàng đang gặp các vấn đề như lãi suất cao và việc tìm kiếm doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt không đơn giản.

Trước năm 2016, quy mô tín dụng chỉ chiếm khoảng 75% nền kinh tế, nhưng từ năm 2018 trở lại đây, quy mô này rất cao, khoảng 125% GDP. Như vậy ở góc độ kiểm soát rủi ro thì chúng ta đang có vấn đề, vì nền kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào tín dụng. Nếu tăng trưởng tín dụng một cách nhanh chóng, mà lượng tiền gửi ngắn hạn sụt giảm, sẽ dẫn tới áp lực thanh khoản.

Có thể thấy, năm 2023 là năm khó khăn hơn nhiều khi những người làm chính sách, nhất là NHNN đang phải đa mục tiêu, vừa đảm bảo an toàn hệ thống, nhưng vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Thêm một điểm đáng chú ý là, dư nợ tín dụng còn gắn liền với số nợ xấu khi tình hình kinh tế khó khăn. Trong đó, tỷ lệ dự phòng nợ xấu đang có xu hướng giảm chỉ còn 106%, nhưng số nợ xấu từng quý một lại đang tăng lên, vì vậy các ngân hàng cũng đang có vấn đề trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng.

Mặc dù NHNN đưa ra “room” tín dụng là 14%, nhưng các ngân hàng đang có nhiều vấn đề trong việc xử lý nợ xấu hiện tại, cùng với đó còn có các vấn đề khác và không phải ngân hàng nào cũng tăng trưởng theo con số này.

Số liệu từ các ngân hàng thương mại và VNDirect Research cho thấy, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ACB quý I/2022 rất cao, nhưng quý I năm nay lại thấp. Nguyên nhân có thể do chi phí vốn vay cao nên khách hàng hạn chế vay, hoặc sự thận trọng của ngân hàng này với việc cho vay.

Ngược lại, có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng vẫn cao như ngân hàng MSB có mức tăng trưởng tín dụng gần 15% trong quý I/2023, hay các ngân hàng như HDBank, VPBank, Techcombank đều có mức tăng trưởng tín dụng cao xấp xỉ 15%.

Điều đó cho thấy, mỗi ngân hàng sẽ có hạn mức khác nhau và nếu các ngân hàng đã gần chạm đến hạn mức tăng trưởng tín dụng, thì sẽ liên tục phải xin NHNN “nới room”.

Về tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong quý I và quý II năm nay đều thấp hơn năm ngoái, thể hiện hệ thống ngân hàng đang gặp các vấn đề như lãi suất cao và việc tìm kiếm doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt không đơn giản.

Ngoài ra, chúng ta còn cần xem xét kỹ các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao vì trái phiếu doanh nghiệp cũng đang được tính vào tốc độ tăng trưởng tín dụng, trong khi quý II và quý III là thời điểm đáo hạn trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu bất động sản.

Theo góc nhìn của tôi hiện nay, chính sách tiền tệ đang có dư địa rất thấp với những người làm ngân hàng, dù có nới hạn mức tín dụng thì các ngân hàng cũng không thể cho vay được. Thực tế, hạn mức tín dụng chỉ là “tấm vé” vào cửa, còn để cho vay được hay không sẽ phụ thuộc vào rất nhiều chỉ số kỹ thuật của mỗi ngân hàng mà NHNN đang kiểm soát. Đơn cử như từ ngày 01/10/2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ bị giảm từ mức 34% về 30%.

Đứng ở vị trí của NHNN, chính sách điều hành hay chính sách hạn mức tăng trưởng tín dụng đều là chính sách thể hiện rằng, Việt Nam luôn ủng hộ tăng trưởng tín dụng và giữ môi trường lãi suất thấp. Nhưng trong quá trình thực tế để chính sách đi vào từng ngân hàng, từng khoản vay sẽ cần độ thẩm thấu khá dài./.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top