Aa

Tăng trưởng toàn ngành Xây dựng đạt 9,2%

Thứ Bảy, 28/12/2019 - 05:21

Năm 2019, giá trị sản xuất toàn ngành Xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 9,2%. Công tác xây dựng thể chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước chuyên ngành có nhiều kết quả quan trọng.

Đây là những nội dung được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành Xây dựng, diễn ra ngày 27/12/2019 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2019, toàn ngành Xây dựng đã nỗ lực, cố gắng cao độ thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm, đạt được nhiều chuyển biến tích cực, kết quả quan trọng.

Cụ thể, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện gồm: Tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng; Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Đề án: Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng...

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; Theo dõi sát diễn biến tình hình, tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Xây dựng; tổ chức tổng kết đánh giá tình hình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch 05 năm 2016 - 2020 của ngành; Xây dựng các báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Văn kiện Đại hội XIII...

Ước thực hiện năm 2019, hoạt động xây dựng tăng trưởng đạt khoảng 9 - 9,2% so với cùng kỳ năm 2018; tỷ lệ đô thị hoá cả nước đạt 39,2% (tăng 0,8% so với năm 2018).

Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 88% (tăng 2% so với 2018).

Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 86 - 86,5% (tương đương 2018). Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 20% (giảm 1,5% so với 2018).

Tổng diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 50 triệu m2 sàn, trong đó nhà ở xã hội có 4.110 căn với tổng diện tích 205.000m2 sàn; tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 98 triệu tấn, đạt kế hoạch và tăng 3 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2018; gạch xây 26 tỷ viên (QTC) đạt kế hoạch và tương đương so với cùng kỳ năm 2018, trong đó gạch nung khoảng 20 tỷ viên (QTC), gạch không nung 6 tỷ viên (QTC)...

Triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của ngành, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; quản lý hoạt động đầu tư xây dựng; công tác quản lý quy hoạch kiến trúc; công tác phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; quản lý phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; quản lý, phát triển vật liệu xây dựng; thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, cổ phần hoá các doanh nghiệp và đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Trong đó, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2020: Giá trị sản xuất xây dựng toàn ngành (theo giá hiện hành) tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2019; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 86,5 - 87%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn 18%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24,0m2 sàn/người; tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt khoảng 95%, nhà thiếu kiên cố và đơn sơ khoảng 5%. Sản lượng sản phẩm xi măng khoảng 103 triệu tấn...

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định: Được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp trong toàn ngành, ngành Xây dựng đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ngành Xây dựng đã vượt 7/8 chỉ tiêu chủ yếu trong đó có nhiệm vụ quan trọng là duy trì tốc độ tăng trưởng, hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao; cơ bản hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở; sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng được cải thiện...

Ngành Xây dựng chủ động tập trung vào những nhiệm vụ dài hạn, tháo gỡ kịp thời và giải quyết các khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao.

Điểm sáng của ngành Xây dựng thời gian qua chính là hoàn thiện thể chế. Đây luôn được xem là nhiệm vụ then chốt, cấp bách và dài hạn. Điều này thể hiện qua khối lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo đúng thẩm quyền rất lớn, phục vụ sát nhu cầu của thực tiễn.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà dẫn chứng: Luật Kiến trúc được thông qua đã thể hiện nỗ lực lớn của Bộ Xây dựng trong quá trình tham gia bởi đây là luật chuyên ngành nhưng lại có mối quan hệ với rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, được cả người dân, nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm.

Cùng đó, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014 đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phân tích: Những thay đổi sẽ theo hướng cơ quan Nhà nước những gì thuộc thẩm quyền quản lý, trả lại doanh nghiệp những phần việc của doanh nghiệp. Cơ quan Nhà nước chỉ thực hiện thẩm quyền theo đúng chức năng, không lấn sân sang việc thẩm định kỹ thuật liên quan của chủ đầu tư hay đơn vị tư vấn.

Việc tích hợp khâu cấp phép và thiết kế cũng sẽ giúp giảm thiểu thủ tục, thời gian, quy trình thực hiện. Thời gian giảm trung bình khoảng từ 20 đến 30 ngày. Đây là tín hiệu tốt để tiến tới nghiên cứu cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cấp phép hoặc chỉ làm thẩm định nhằm minh bạch hoạt động xây dựng. Như vậy, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện thông qua việc phân cấp, phân quyền.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Đặng Văn Long - nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, sự phối hợp và giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong nước, quốc tế và người dân… đối với Bộ Xây dựng, giúp Bộ hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ, vài trò, chức năng của Bộ năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ngành Xây dựng sẽ thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập và tiếp thu ý kiến đóng góp từ các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức hiệp hội nghề nghiệp... để hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ trong năm 2020.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trao tặng Bằng khen cho bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; bà Trương Thị Thu Thanh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng và bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2014 - 2018.

Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Đặng Văn Long - nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; bà Trương Thị Thu Thanh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng và bà Trần Thị Lan Anh - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho các cá nhân của Bộ Xây dựng.

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều tham luận đến từ đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp, hiệp hội, các sở, ban ngành địa phương liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành.

Tốc độ đô thị hoá nhanh nhưng chất lượng còn thấp, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập úng... vẫn là những bất cập còn tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết. Trong khi đó, các công cụ hữu hiệu quản lý phát triển đô thị lại mỏng và yếu. Điều này thể hiện quyết tâm của chính quyền nhưng vẫn có nơi, có lúc còn chạy theo phong trào, nặng về thành tích mà chưa thực sự thực chất, đảm bảo chất lượng.

Sau khi có Chiến lược phát triển đô thị, Cục Phát triển đô thị được giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện; triển khai lập quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn trong thời gian 18 tháng. Đây là phần việc khó bởi Luật Quy hoạch mới ban hành và triển khai lần đầu nên sẽ có nhiều lúng túng.

Dự kiến, năm 2020, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội rà soát chất lượng đô thị của các đô thị sát nhập để có lộ trình đánh giá, đầu tư cho phù hợp…

Ông Nguyễn Tường Văn - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị

Hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều hệ thống văn bản như: Đất đai, đấu thầu... Vì thế, dự án phải trải qua nhiều quy trình nên nếu "tắc" một bước thì sẽ bị chậm ngay. Khó khăn nhất hiện nay là vướng mắc về trình tự chấp thuận thủ tục đầu tư dự án. Điều này, các doanh nghiệp và hiệp hội đã phản ảnh nhiều trong suốt thời gian qua. Hiện Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đang xem xét sửa đổi, điều chỉnh hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp luật để tránh chồng chéo, trùng lặp, gỡ khó nhằm triển khai nhanh các dự án theo tiến độ.

Thời gian qua, một số vấn đề của ngành được người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý và dư luận đặc biệt quan tâm như quy hoạch phát triển đô thị; phát triển nhà ở mà điển hình là nhà cho người thu nhập thấp, cải tạo chung cư cũ; thị trường bất động sản với tính pháp lý của loại hình mới như condotel...

Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản

Công tác triển khai và lập quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế đô thị còn rất chậm, mỗi năm chỉ vài phần trăm. Năm 2019, chúng ta mới đạt tốc độ đô thị hóa 39,2%, dẫn tới rất khó khăn trong việc cấp phép các dự án đầu tư, hình thành cơ chế xin cho. Ngay cả Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay được triển khai rất chậm.

Quy hoạch Hà Nội nói riêng và các đô thị cả nước nói chung tập trung quá nhiều sức lực, tiền tài đầu tư vào các khu đô thị mới nhưng một lĩnh vực rất quan trọng là chỉnh trang đô thị lại chưa được quan tâm. Chúng ta có thể thấy các ngõ, ngách, phường, làng đang hình thành các nhà ổ chuột kiểu mới, số dân sống ở đây chiếm 1/3 dân số của các đô thị.

Việc quản lý quy hoạch đang tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt quan tâm đến bất cập trong phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, tình trang không phép, sai phép, không đúng quy hoạch được duyệt thậm chí cơ quan quản lý Nhà nước còn phải chạy theo quy hoạch của chủ đầu tư.

Để giải quyết vấn đề trên, đề nghị Bộ Xây dựng cần có giải pháp bảo đảm kinh phí, nhân lực, lập kế hoạch chi tiết thời hạn hoàn thành liên quan đến quy hoạch chi tiết; công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch, cấp phép dự án, kể cả trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các chủ đầu tư.

Liên quan đến pháp luật hoạt động đầu tư xây dựng, cần chú ý Luật Đất đai, sửa điều 62, khoản 3 về thu hồi đất. Đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ, Nhà nước cần thay đổi cơ chế chính sách, dành hẳn quỹ đất dành cho dân đến ở trước, không phải tạm cư, đặc biệt dành quỹ đất cơ quan, nhà máy, xí nghiệp… đã có chủ trương di dời ra ngoại thành để xây dựng tập trung nhà ở tái định cư.

Bên cạnh đó, về vấn đề môi trường, hoạt động xây dựng… cũng là những vấn đề có nhiều thách thức, đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm đến các hoạt động xây dựng liên quan đến môi trường, liên quan đến xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải làng nghề…

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

Năm 2019, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã cùng các cấp, ngành tập trung phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được định hướng từ đầu năm. TP. Đà Nẵng đã giao cho Sở Xây dựng, cơ quan thường trực đầu mối để triển khai cùng với các tư vấn và cơ quan triển khai điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Triển khai thông báo 331 liên quan đến vấn đề rà soát quy hoạch các dự án trọng điểm, quan trọng liên quan đến lợi ích của cộng đồng. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn…

Riêng đối với phát triển quy hoạch, quản lý condotel, Đà Nẵng và các địa phương gặp một số vướng mắc đó là quy chuẩn thiết kế, vấn đề cấp sổ đỏ, quyền sử dụng cho nhà đầu tư thứ cấp, công tác quản lý vận hành, giao dịch bất động sản…

Một vướng mắc nữa là sau khi Nghị quyết 43 định hướng phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm vóc quốc tế và có bản sắc riêng. Vậy thì, tiêu chí đô thị sinh thái là như thế nào? Điều này cũng cần hướng dẫn của Bộ Xây dựng

Về quản lý nhà chung cư, xét duyệt mua nhà chung cư, các dự án phát triển nhà ở xã hội không phải vốn ngân sách thì trách nhiệm xét duyệt thuộc chủ đầu tư, xảy ra một số sai phạm sẽ tiếp tục được xử lý…

Ông Lê Tùng Lâm - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng

Tốc độ đô thị hóa đạt 39,2% (tăng trưởng 0,8%) nhưng so với yêu cầu chiến lược phát triển thì lại rất thấp (phải đạt 40 - 45% trong giai đoạn đến năm 2020). Việc tăng trưởng về đô thị hóa rất quan trọng.

Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định hướng dẫn làm rõ Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch về việc xây dựng quy hoạch tỉnh.

Ví dụ, riêng lĩnh vực phát triển điện mặt trời, có khoảng 105 dự án, khoảng 10.250MW nhưng vướng Luật Quy hoạch, không có trong quy hoạch tỉnh, không triển khai được. Nếu Luật Quy hoạch không có hướng dẫn cụ thể thì rất ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Hiện, chúng ta chưa có đồ án, mẫu nào về quy hoạch tỉnh, mà quy hoạch xây dựng vùng tỉnh là một trong những chiến lược rất lớn của đơn vị, địa phương để triển khai quy hoạch chung, triển khai tất cả các loại quy hoạch trong hệ thống đô thị.

Do đó, Bộ Xây dựng cần làm việc với Chính phủ để làm rõ hơn về những nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch. Hội sẽ tiếp tục có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề triển khai Luật Quy hoạch…

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top