Aa

Tăng vốn điều lệ giúp ngân hàng tăng nguồn vốn trung, dài hạn

Thứ Hai, 10/01/2022 - 06:05

Không chỉ đáp ứng các yêu cầu an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel), xa hơn là Basel III, các ngân hàng dồn dập tăng vốn nhằm gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn.

“Việc tăng vốn điều lệ sẽ là động lực để các ngân hàng tiếp tục dành lại thị phần trong thời gian tới; đồng thời góp phần tăng cường năng lực tài chính, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn bị siết chặt theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước - NHNN. Dự báo, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022”, Chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản xác nhận hồ sơ phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% ABBank để tăng vốn giai đoạn 2. Theo đó, ABBank sẽ tăng vốn giai đoạn 2 là chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Nguồn sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng gồm 2.256 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận chưa phân phối và 183 tỷ đồng trích từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Số cổ phần thưởng phát hành là gần 244 triệu cổ phần phổ thông, tỷ lệ 35% trên số cổ phần sau tăng vốn giai đoạn 1.

Sau khi hoàn thành tăng vốn giai đoạn 2, vốn điều lệ ABBank dự kiến đạt gần 10.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đang tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để chuyển mã cổ phiếu ABB từ sàn UPCoM lên sàn niêm yết trong thời gian tới.

“Nguồn vốn tăng sẽ được ngân hàng dùng bổ sung quy mô vốn hoạt động, phục vụ cho nhu cầu mở rộng kinh doanh, trong đó đầu tư phát triển công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng”, ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ABBank cho biết.

NHNH vừa chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của SeABank trên Giấy phép hoạt động của SeABank từ 13.425 tỷ đồng lên gần 14.785 tỷ đồng sau đợt chào bán 136 triệu cổ phiếu với tỷ lệ phát hành 10,13% cho các cổ đông hiện hữu năm 2021. Trước đó, SeABank đã tăng thêm hơn 1.337 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên SeABank năm 2021.

“Việc tăng vốn điều lệ là một dấu mốc quan trọng trong kế hoạch và định hướng phát triển của ngân hàng nhằm nâng cao tiềm lực tài chính và củng cố an toàn vốn, tạo tiền đề để SeABank đầu tư toàn diện về cơ sở vật chất, hệ thống, công nghệ, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng trên toàn quốc”, đại diện SeABank cho biết.

Từ năm 2021 đến nay, trên cơ sở phê duyệt NHNN, hơn 20 ngân hàng đã liên tục tăng vốn điều lệ bằng nhiều hình thức. Tính đến thời điểm hiện tại, VietinBank nằm trong Top 2 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất ngành với 48.058 tỷ đồng, qua đó tiếp tục củng cố nền tảng tài chính, năng lực quản trị rủi ro và tạo cơ sở để VietinBank chinh phục những mục tiêu cao hơn.

Theo VietinBank, vốn điều lệ tăng đã tạo tiền đề để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn cấp tín dụng, giới hạn đầu tư…; từ đó tăng cường khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là những doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Với dòng vốn được khơi thông, VietinBank có thể chủ động phát huy tối đa vị thế, tiềm năng, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, mạng lưới, góp phần gia tăng lợi ích cho khách hàng và thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước.

“Song song với củng cố năng lực tài chính, phát triển hoạt động kinh doanh, tăng vốn điều lệ cũng là yếu tố nền tảng quan trọng để VietinBank tiếp tục bảo đảm tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và các tiêu chuẩn Basel II, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị rủi ro, thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững, hiệu quả, an toàn theo chuẩn mực quốc tế”, đại diện VietinBank cho biết.

Tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao tiềm lực tài chính và củng cố an toàn vốn cho ngân hàng. Ảnh: Trương Phiến 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, việc bổ sung vốn điều lệ là cần thiết để ngân hàng có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng từ 8 - 10%/năm.

“Hiện có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ còn cao hơn Agribank. Vì vậy đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét việc để lại lợi nhuận năm 2021 và dành ngân sách Nhà nước để tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Điều này sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa”, ông Phạm Đức Ấn kiến nghị.

Đồng tình quan điểm này, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Vì vậy, áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel II nâng cao, Basel III và đặc biệt tgiai đoạn tới 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

“Đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước mắt, thông qua việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)… Đặc biệt, cần luật hóa Nghị định 42 nhằm nâng cao tỷ lệ an toàn vốn và có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng”, ông Phan Đức Tú cho biết.

Từ góc độ cơ quan quản lý, theo ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc NHNN, việc tăng vốn cũng giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.

“Dư nợ tín dụng nền kinh tế hiện ở mức 10,1 triệu tỷ đồng, trong đó tổng lượng vốn tự có của tổ chức tín dụng là hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu tăng 1 đồng vốn cho TCTD thì có thể tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế”, ông Phạm Thanh Hà cho biết.

Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 2022 của Công ty chứng khoán MBS, ước tính có khoảng 75% hoạt động tăng vốn đến từ chia tách cổ phiếu, 22% thông qua hoạt động phát hành riêng lẻ và phát hành quyền chọn mua cổ phiếu và khoảng 3% đến từ phát hành ESOP.

Hoạt động tăng vốn của các ngân hàng không nằm ngoài mục tiêu cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn; đồng thời gia tăng vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính để mở rộng hoạt động tín dụng và có nguồn vốn đầu tư vào chuyển đổi số. Dự kiến năm 2022, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng vốn dưới áp lực của Basel II (thời hạn thực hiện dự kiến chậm nhất đến ngày 1/1/2023).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top