Aa

Thanh Hóa thành lập mới 1.130 doanh nghiệp, vốn điều lệ đăng ký hơn 10 nghìn tỷ đồng

Thứ Tư, 12/06/2019 - 20:01

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.230 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tổng số vốn điều lệ mà các doanh nghiệp thành lập mới đăng ký đạt 10.102 tỷ đồng.

Theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 1,2% so với cùng kỳ, đạt 37,7% so với kế hoạch. Tuy số lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa cao nhưng Thanh Hóa vẫn là địa phương đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới.

Tổng số vốn điều lệ mà các doanh nghiệp thành lập mới đăng ký đạt 10.102 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 14.235 doanh nghiệp, trong đó có 13.682 doanh nghiệp đang hoạt động và 553 doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn, đạt 37,8 doanh nghiệp đang hoạt động/1 vạn dân.     

Nếu tính theo khu vực thì khu vực đồng bằng có 780 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14% so với cùng kỳ, đạt 39,7% so với kế hoạch; vùng ven biển có 240 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 18% so với cùng kỳ, đạt 36,9% so với kế hoạch; vùng miền núi có 110 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 22% so với cùng kỳ, đạt 28,6% so với kế hoạch.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 553, tăng 23,2% so với cùng kỳ (tăng 104 doanh nghiệp). Trong tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, có 146 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dịch vụ; 102 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến; 73 doanh nghiệp nhóm ngành nghề bán buôn bán lẻ; 25 doanh nghiệp thuộc nhóm xây dựng; 38 doanh nghiệp thuộc nhóm dịch vụ vận tải; 47 doanh nghiệp thuộc nhóm khai thác, chế biến và 122 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành khác.

Nguyên nhân chủ yếu các doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là do chưa huy động được nguồn vốn kinh doanh, phương án kinh doanh chưa phù hợp...

Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 68, tăng 19,3% so với cùng kỳ (tăng 11 doanh nghiệp). Trong số doanh nghiệp giải thể, có 19 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dịch vụ; 16 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề bán buôn bán lẻ; 12 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến; 7 doanh nghiệp thuộc nhóm dịch vụ vận tải và 14 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành khác.

Trong số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, có 427 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 70,1% so với cùng kỳ (tăng 169 doanh nghiệp).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém: Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tuy tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng còn thấp so với kế hoạch, trong đó nhiều đơn vị đạt rất thấp so với chỉ tiêu giao như: huyện Quan Sơn, huyện Thiệu Hóa, huyện Lang Chánh, huyện Ngọc Lặc, huyện Như Xuân, đặc biệt huyện Mường Lát trong 6 tháng đầu năm chưa có doanh nghiệp thành lập mới.

Công tác tiếp doanh nghiệp của Chủ tịch UBND tỉnh được thực hiện theo định kỳ, song một số vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp chưa giải quyết dứt điểm, nhất là những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; một số sở, ngành, địa phương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp còn chậm, chưa kịp thời.

Công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến, song ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình xử lý công việc vẫn còn xảy ra. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp, hộ kinh doanh lớn chưa chặt chẽ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top