Tạo bước đột phá để thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại

Tạo bước đột phá để thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại

Trần Hồ
Trần Hồ tranvanhobaoin@gmail.com
Thứ Sáu, 04/06/2021 - 06:00

Thái Nguyên là tỉnh thuộc trung tâm vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nên có điều kiện thuận lợi về địa lý, kinh tế, chính trị để phát triển hạ tầng các KCN, thu hút đầu tư tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hạ tầng và môi trường đầu tư Thái Nguyên có sự cải thiện tích cực trong những năm qua. Nhờ đó, bộ mặt Thái Nguyên dần thay đổi theo hướng hiện đại, trong đó nổi bật nhất là ngành công nghiệp với hàng loạt các khu công nghiệp (KCN) được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Thời điểm này, đa số các dự án đầu tư KCN đã đi vào hoạt động và đạt hiệu quả cao. Trong đó phải kể đến nhiều KCN lớn như: KCN Sông Công I (195ha), KCN Sông Công II (250ha), KCN Nam Phổ Yên (120ha), KCN Yên Bình (400ha), KCN Điềm Thụy (350ha), KCN Quyết Thắng (105ha)... 

Các KCN đi vào hoạt động đã và đang thu hút hàng loạt doanh nghiệp trong nước, các tập đoàn lớn nước ngoài như: Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Bujeon (Hàn Quốc), TAL (Hong Kong, Trung Quốc)… đầu tư hàng tỷ USD. Đối với một số dự án KCN đang đầu tư xây dựng, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may và các lĩnh vực đầu tư khác…

Các chỉ số phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây cho thấy, việc phát triển hạ tầng các KCN thu hút đầu tư nhằm tạo động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương đúng đắn, động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của địa phương.​

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đã duy trì được tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân là 16,3%/năm, giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tăng 13,1%/năm và thu trong cân đối ngân sách Nhà nước tăng 16,3%/năm…

Xác định tầm quan trọng của ngành công nghiệp đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Những năm qua, hạ tầng các KCN Thái Nguyên được đầu tư xây dựng đồng bộ, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Những năm qua, hạ tầng các KCN Thái Nguyên được đầu tư xây dựng đồng bộ, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Những năm qua, hạ tầng các KCN Thái Nguyên được đầu tư xây dựng đồng bộ, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trên cơ sở đó, để các KCN tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tác động lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng ban Ban quản lý các KCN Thái Nguyên cho biết: “Các KCN Thái Nguyên đóng góp ngân sách hàng năm gần 8.000 tỷ đồng, bằng gần một nửa ngân sách của tỉnh Thái Nguyên. Công nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, trong Nghị quyết Đảng bộ của tỉnh mới đây xác định, công nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu, xây dựng tỉnh Thái Nguyên thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, xứng với vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô vào năm 2030”.

Theo định hướng chung, Thái Nguyên tập trung phát triển khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh gồm TP. Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình, được xác định đây là vùng đô thị hóa, công nghiệp và dịch vụ.

Để cụ thể hóa chủ trương lớn này, việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở rộng và bổ sung các KCN mới trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu. Đồng thời, tiếp tục phát huy tiềm năng, tạo thêm động lực, dư địa tăng trưởng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trong tương lai. Theo đó, đầu năm 2021, đề xuất mở rộng KCN Sông Công II và KCN Phú Bình đã được Chính phủ phê duyệt, bổ sung các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng KCN Sông Công II thêm 300ha, KCN Phú Bình 900ha nữa. Hiện, tỷ lệ các doanh nghiệp lấp đầy các KCN khoảng 74%, trong đó KCN Yên Bình khoảng 80%, KCN Điềm Thụy A 90%, Sông Công I là 65%, KCN Lệ Trạch khoảng 50%...”, ông Trần Quốc Trung nhấn mạnh.

Ông Trung cũng cho rằng, nếu muốn thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư, thì phải có cơ sở hạ tầng đồng bộ, mặt bằng sạch, nguồn nhân lực dồi dào, công tác cải cách hành chính tốt… Xác định những vấn đề quan trọng đó, những năm qua tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng KCN cùng với việc cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Để thu hút nguồn lực đầu tư vào các KCN, ông Trung cho biết, Ban Quản lý đã thu hút đầu tư qua nhiều kênh như: Qua hội nghị xúc tiến đầu tư, các tổ chức hợp tác kinh tế với các nước, các doanh nghiệp...

“Đến nay, 80% các dự án đầu tư vào các KCN là của Hàn Quốc. Hiện làn sóng đầu tư mạnh là Trung Quốc. Các doanh nghiệp đóng góp vào an sinh xã hội rất lớn cho địa phương. Vì vậy, chúng tôi đang lựa chọn các tập đoàn lớn, xúc tiến có chọn lọc để đầu tư vào các KCN có hiệu quả hơn”, ông Trung chia sẻ.

Được xác định là một trong những cực tăng trưởng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên đã từng bước tạo liên kết với các tỉnh trong khu vực về kinh tế - xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật…

Trong đó, việc kết nối giao thông đã tạo sự đột phá và đóng vai trò rất quan trọng. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên chính thức thông xe từ năm 2014. Cùng với đó, nhiều tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh được cải tạo, nâng cấp như Quốc lộ 3, 3C, 1B, 37. Đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội kết nối giữa tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, từ đó giúp cho việc giao thương hàng hóa giữa các địa phương thuận lợi hơn. Việc này cũng đã tạo tác động lan tỏa về thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội mang tính liên kết vùng.

Cùng với chủ trương phát triển công nghiệp tạo đà tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đang thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp tập trung phát triển các KCN với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại có khả năng kết nối - phát triển liên tỉnh, liên vùng để ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, sản xuất thân thiện môi trường… đầu tư vào KCN.

Đi liền với đó là việc quan tâm đặc biệt đến giải pháp quy hoạch phát triển các KCN chuyên ngành, có khả năng liên kết phát triển kinh tế bền vững với các tỉnh trong vùng. Qua đó, tạo đà để tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả vùng nói chung phát triển bứt phá ở các giai đoạn tiếp theo.

Với định hướng trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, chắc chắn chính quyền tỉnh Thái Nguyên và các sở, ban, ngành, địa phương sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đó. Đây cũng sẽ là những bước đệm vững chắc thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Thái Nguyên nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng.

04/06/2021 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top