Aa

Tạo đà bứt phá xây dựng hạ tầng khu vực phía Nam

Thứ Năm, 04/01/2024 - 14:13

Trong năm 2023, đồng loạt nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại phía Nam được khởi công. Bước sang năm 2024, các dự án này sẽ tăng tốc thi công, tạo đà bứt phá để kịp về đích.

Sôi động các dự án hạ tầng

Trong những tháng cuối năm 2023, ông Chu Huy Hưng, Giám đốc Công ty cơ khí Đức Huy thường xuyên phải di chuyển từ TP.HCM đến Cần Thơ để kiểm tra 2 dự án mà công ty đang thi công.

Tạo đà bứt phá xây dựng hạ tầng khu vực phía Nam- Ảnh 1.

Nhà ga sân bay Long Thành đang thành hình. Ảnh: Lê Toàn

Trước khi cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe, mỗi lần di chuyển từ TP.HCM đến Cần Thơ, ông phải mất 3,5 giờ, thậm chí là 4,5 giờ (nếu xảy ra kẹt xe). Mọi thứ đã thay đổi vào những ngày cuối năm 2023, khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 thông xe, giúp giảm thời gian đi từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ còn 2 giờ.

“Từ khi thông xe cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 từ TP.HCM đi Cần Thơ, xe chạy băng băng trên đường cao tốc không còn lo kẹt nên giải quyết được rất nhiều vấn đề”, ông Hưng hồ hởi cho biết sau chuyến thị sát công trình ở Cần Thơ.

Có thể nói, năm 2023 là năm đầy sôi động trên các công trường hạ tầng giao thông tại phía Nam, khi hàng loạt dự án đường cao tốc đưa vào khai thác. Rồi hàng loạt tuyến cao tốc mới, đường vành đai liên vùng phía Nam được khởi công như đường Vành đai 3, TP.HCM (tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (17.837 tỷ đồng); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (44.691 tỷ đồng); cùng với một loạt tuyến quốc lộ kết nối liên vùng được khởi công mở rộng.

Sau khi đồng loạt khởi công các tuyến đường vành đai liên vùng, các tuyến cao tốc, năm 2024, các địa phương phía Nam xác định sẽ dồn lực hoàn thành dự án.

Một dự án quan trọng bậc nhất tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và được coi là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư không thể không nhắc tới là dự án sân bay quốc tế Long Thành. Vào cuối tháng 8/2023, hạng mục có tổng mức đầu tư lớn nhất là nhà ga của sân bay đã chính thức khởi công. Sau 4 tháng tích cực huy động nhân lực, máy móc, đến nay hình dáng nhà ga đang dần hình thành.

Song song với việc khởi công các dự án mới, năm 2023 cũng đánh dấu hàng loạt cột mốc quan trọng khi nhiều đoạn cao tốc ở khu vực phía Nam hoàn thành đưa vào khai thác. Trong đó, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km) kết nối tỉnh Đồng Nai với Bình Thuận khánh thành cuối tháng 4/2023 đã rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm kinh tế, tài chính TP.HCM đến điểm du lịch tại tỉnh Bình Thuận chỉ còn 2 giờ, thay vì phải đi hết 4-5 giờ khi chưa có cao tốc. Sau đó, một loạt đoạn cao tốc khác như Phan Thiết - Vĩnh Hảo (dài hơn 100 km), Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km đưa vào khai thác đã rút ngắn rất nhiều thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Nha Trang. Kể từ khi các tuyến cao tốc đưa vào khai thác đã mở ra cơ hội phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại… tạo động lực tăng trưởng mới cho đầu tàu kinh tế phía Nam.

Trong khi đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự án cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa đưa vào khai thác rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM đến Cần Thơ chỉ còn 2 giờ. Sau khi nối thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ, các mặt hàng nông sản, thủy sản từ vùng ĐBSCL được vận chuyển nhanh hơn tới các cảng ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu đi các nước.

Không chỉ chú trọng đầu tư các tuyến cao tốc, năm 2023, hàng loạt tuyến quốc lộ kết nối giữa các tỉnh phía Nam như Quốc lộ 50 nối Long An với Bình Dương; Quốc lộ 13 nối Bình Dương với Bình Phước cũng được khởi công mở rộng để hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo đột phá năm 2024

Phát triển kết cấu hạ tầng cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước cụ thể hóa trong các nghị quyết. Trong đó, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP.HCM…”.

Với vị trí đặc biệt, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xem là động lực tăng trưởng kinh tế, với GRDP chiếm hơn 35%, xuất khẩu chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của vùng đã chậm lại bởi nhiều nguyên nhân, trong đó hạ tầng giao thông được xem là điểm nghẽn lớn nhất cản trở sự tăng trưởng của vùng. Nếu như hạ tầng giao thông được ví như “mạch máu” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thì một số “mạch máu” của vùng bắt đầu được khơi thông từ năm 2023.

Sau khi đồng loạt khởi công các tuyến đường vành đai liên vùng, các tuyến cao tốc, năm 2024, các địa phương phía Nam xác định sẽ dồn lực hoàn thành dự án. Để tăng tốc thi công thì vấn đề đầu tiên là vốn phải được bố trí đủ để đảm bảo dự án không bị chậm tiến độ. Đến thời điểm này, các địa phương đã lên kế hoạch bố trí vốn cho các dự án trong năm 2024.

Tại đầu tàu kinh tế TP.HCM, vốn đầu tư công của Thành phố được giao năm 2024 là 79.263 tỷ đồng. Phần lớn số vốn này được Thành phố bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm như Dự án nút giao An Phú; đường Vành đai 3, mở rộng Quốc lộ 50.

Tỉnh Bình Dương được giao 22.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 (cao nhất từ trước đến nay); trong đó, một nửa số vốn được Bình Dương dồn cho các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3, TP.HCM (đoạn qua Bình Dương), các trục đường huyết mạch kết nối với Đồng Nai, Bình Phước, TP.HCM.

Một địa phương cũng có nhiều dự án giao thông trọng điểm đi qua là Đồng Nai, năm 2024 được giao 15.023 tỷ đồng vốn đầu tư công. Phần lớn số vốn này được tỉnh phân bổ cho 16 dự án hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 3, TP.HCM (đoạn qua Đồng Nai), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường ven sông Đồng Nai…

Việc các địa phương dồn vốn để thi công dự án là điều dễ hiểu, vì năm 2024 là năm bản lề để tăng tốc khi điều kiện về cơ chế, vốn, mặt bằng đều được bố trí đủ.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, xây dựng hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Thành phố. Năm 2023 là năm đầu tiên Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội, cũng là năm khởi đầu cho một loạt công trình trọng điểm thực hiện theo nghị quyết mới. Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các dự án giao thông của TP.HCM, từ cao tốc đến các dự án BOT, BT… Khi danh mục dự án được thông qua, chủ trương đầu tư được phê duyệt và mời gọi đầu tư, năm 2024 hứa hẹn là một năm đột phá trong việc đầu tư hạ tầng giao thông của TP.HCM.

“Các chuyên gia nhận định, kinh tế TP.HCM nghẽn vì hệ thống hạ tầng giao thông. Vậy nên, khi giao thông đã được tháo gỡ, thì chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là môi trường đầu tư”, ông Lâm khẳng định.

Ngoài các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, TP.HCM tăng tốc thi công để kịp hoàn thành vào năm 2025 và 2026, thì một loạt dự án mới sẽ được khởi công trong năm 2024. Thông tin mới nhất từ Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, năm 2024, khu vực phía Nam sẽ có nhiều dự án khởi công do Bộ làm chủ đầu tư như cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn I); cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (giai đoạn I); dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ (Quốc lộ 53, Quốc lộ 62, Quốc lộ Nam Sông Hậu) tại Đồng bằng sông Cửu Long…

Như vậy, từ năm 2024 đến năm 2026, hạ tầng giao thông khu vực phía Nam sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ khi những dự án trọng điểm, huyết mạch lần lượt khởi công. Với những dự án cao tốc đã đưa vào khai thác, diện mạo các tỉnh, thành phố phía Nam đang dần thay đổi từng ngày. Đến năm 2025, khi các dự án hạ tầng trọng điểm hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo động lực mới, đưa đầu tàu kinh tế phía Nam bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top