Aa

Tạo điều kiện phát triển không gian sáng tạo

Thứ Sáu, 09/11/2018 - 23:30

Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng những không gian sáng tạo, với khoảng 60 mô hình. Những không gian này tạo nên bản sắc riêng cho đô thị, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, nhất là giới trẻ, đồng thời thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, thành phố cần hoàn thiện hơn những chính sách khuyến khích các không gian sáng tạo phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Phố sách Hà Nội với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn ngày càng thu hút đông bạn đọc.

Phố sách Hà Nội với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn ngày càng thu hút đông bạn đọc.

Khái niệm "không gian sáng tạo" xuất hiện khá muộn ở Việt Nam. Phải chờ đến sự xuất hiện của Zone 9, một không gian sáng tạo mới hình thành một cách rõ nét. Từ cơ sở hạ tầng của một doanh nghiệp, những nghệ sĩ đã chỉnh trang thành một trung tâm văn hóa dành cho các bạn trẻ. Trong khuôn viên này, người ta có thể trải nghiệm các hoạt động khác nhau. Ðây là nơi thu hút rất nhiều nghệ sĩ, nhà thiết kế... đến hoạt động, sáng tạo. Ðiều quan trọng hơn, không gian cung cấp những điều kiện để kết nối, phát triển, kinh doanh các ý tưởng, các sản phẩm văn hóa. Nhiều người đã tiếc nuối khi Zone 9 bị đình chỉ hoạt động sau một vụ hỏa hoạn. Từ đó đến nay, Hà Nội có thêm rất nhiều không gian sáng tạo khác.

Theo khảo sát của Hội đồng Anh, thành phố hiện có hơn 60 không gian sáng tạo. Không gian lớn nhất thuộc về Hanoi Creative City. Ðây là không gian tổng hợp nhiều ngành sáng tạo, văn hóa, thiết kế, từ thời trang, kiến trúc đến nội dung số, quảng cáo, sản xuất vi-đê-ô... Ngoài ra, có thể kể đến Heritage Space - nơi tập hợp và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời tổ chức các chương trình văn hóa, sáng tạo như giới thiệu sách, biểu diễn âm nhạc, tọa đàm nghệ thuật; Cà-phê thứ bảy (phố Ngô Quyền) - nơi diễn ra nhiều cuộc tọa đàm, giao lưu về nghệ thuật, kiến trúc, điện ảnh... hay các không gian như: Tổ chim xanh (phố Ðặng Dung); The Vươn (phố Giảng Võ)...

Ngoài các hoạt động của tư nhân, gần đây, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Phố sách... được dư luận đánh giá cao khi mọi người đều coi là một không gian sáng tạo văn hóa được chính quyền tổ chức. Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá, các mô hình không gian sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành bản sắc đô thị, chẳng hạn như phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố bích họa Phùng Hưng... đang góp phần đưa nghệ thuật vào cuộc sống, làm gia tăng sức hấp dẫn cũng như truyền cảm hứng sáng tạo, chia sẻ. Nhà báo Trương Uyên Ly, một người gắn bó với không gian sáng tạo từ rất sớm nhận định: Không chỉ đem lại sự sáng tạo, kết nối, chia sẻ tri thức..., các không gian sáng tạo còn tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động.

Mặc dù phát triển đa dạng và đem lại giá trị kinh tế thông qua hoạt động văn hóa, song, phần lớn các mô hình này đang gặp khó khăn. Hà Nội dẫn đầu về số lượng không gian sáng tạo của cả nước, nhưng so với quy mô hơn 7,5 triệu người dân của thành phố, số lượng không gian sáng tạo còn quá nhỏ, chưa tương xứng. Nhà báo Trương Uyên Ly cho biết: "Do các không gian sáng tạo vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam, không có tư cách pháp nhân cụ thể, việc xin giấy phép hoạt động của các không gian còn khó khăn. Theo luật pháp, tất cả các không gian đều phải đăng ký giấy phép kinh doanh, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong khi đó, do đăng ký với tư cách là một doanh nghiệp, cho nên nhiều trường hợp bị nhà quản lý từ chối đề nghị tổ chức sự kiện văn hóa...".

Mặt khác, hầu hết những người thành lập không gian sáng tạo có kiến thức, kỹ năng về nghệ thuật, nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý, kinh doanh. Các không gian sáng tạo còn hoạt động nhỏ lẻ, độc lập. Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh, trên thế giới có rất nhiều không gian sáng tạo hợp tác với nhau để cung cấp một chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh cũng như đủ sức thực hiện những dự án lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, việc liên kết còn đang bị bỏ ngỏ, dẫn đến sức mạnh hoạt động của không gian sáng tạo bị hạn chế.

Nói về nguồn gốc của vấn đề, Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn cho rằng, nhiều người vẫn quan niệm không gian sáng tạo là nơi vui chơi, giải trí. Trên thực tế, đây còn là nơi tạo ra động lực cho sự phát triển của thành phố. Khi nhìn nhận là nơi tạo ra động lực cho phát triển, mang lại giá trị gia tăng thì chính quyền cần bố trí thêm ngân sách để hỗ trợ việc nghiên cứu, tọa đàm, thử nghiệm các mô hình, xây dựng quỹ hỗ trợ, đầu tư mạo hiểm để các nhà đầu tư có thể chung sức cùng chính quyền Thủ đô phát triển các không gian sáng tạo.

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Phát huy tiềm năng, thế mạnh của các không gian sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội thời kỳ hội nhập và phát triển". Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, cùng với việc phát triển thêm nhiều không gian văn hóa mới, tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ hoàn thiện 25 công viên mới, trong đó dành ra nhiều không gian để văn nghệ sĩ Hà Nội tự do sáng tạo. Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình khởi nghiệp, kết nối với doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ xứng đáng các tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo phù hợp; có chủ trương hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều cá nhân, tổ chức tích cực tham gia lĩnh vực còn mới mẻ này, góp phần tái tạo, làm mới, thêm sức sống, bản sắc mới cho Hà Nội. Ðây là nét mới quan trọng trong chính sách của thành phố để từng bước tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của không gian sáng tạo, góp phần vào chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top