Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 11, sáng 29/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho ý kiến về việc chuyển đổi số trong bộ máy nhà nước, là cơ sở để chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, tạo đột phá về thể chế trong quản lý.
Từ đó, Việt Nam không chỉ là “cái bếp của thế giới” mà có thể trở thành công xưởng ngành công nghệ điện tử, tin học của cả thế giới.
Khát vọng trở thành công xưởng ngành công nghệ điện tử của thế giới
Đồng tình và đánh giá cao báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành công trên tất cả các phương diện như tăng trưởng GDP thuộc nhóm 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân không ngừng được nâng cao.
Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế vượt qua Singapore, Malaysia để vươn lên đứng thứ tư trong khu vực, nằm trong top 40 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hệ số tín nhiệm quốc gia được giữ vững mức BB (triển vọng ổn định) với giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng thêm 29% và có mức tăng giá trị thương hiệu quốc gia cao nhất thế giới. Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn và hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.
“Thành công trên là kết quả tổng hợp của con đường đoàn kết, liêm chính do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cầm trịch; là kết quả của sự chuẩn mực cầm cương của Quốc hội; sự hành động quyết liệt, thành tâm của Chính phủ; qua đó khơi dậy niềm tin của người dân và doanh nghiệp, cùng chung sức đồng lòng, đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thiên tai, dịch bệnh; thích ứng nhanh với những biến động toàn cầu,” đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
Nêu ra ba vấn đề Chính phủ cần quan tâm trong điều hành của nhiệm kỳ tới, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, thành công của Chính phủ tiền nhiệm trong việc kiểm soát nợ xấu ngân hàng từ mức báo động cao (gấp 6 lần giới hạn) đã giảm xuống mức dưới an toàn 3% trong bối cảnh lãi suất điều hành giảm, đưa nợ công giảm sâu gần 10 điểm, từ sát kịch trần xuống 55,3% GDP.
Đây là điều kiện thuận lợi rất tốt cho nhiệm kỳ tới có dư địa để tăng nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn vay, sử dụng kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trên quan điểm tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cán cân thương mại nhập siêu chuyển sang xuất siêu gần 20 tỷ USD và nâng mức dự trữ ngoại hối lên 100 tỷ USD đã minh chứng cho thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế là cơ sở quan trọng để bình ổn tỷ giá, điều hành tiền tệ và đảm bảo các quan hệ thanh toán quốc tế.
Tuy nhiên, tình trạng nhập siêu vẫn tiếp tục gia tăng đối với các nước trong khu vực. Trong khi đó, xuất siêu lại nghiêng về các nước có thị trường phát triển, đặc biệt xuất siêu sang Mỹ tăng cao.
Điều này đặt ra nhiệm vụ Chính phủ phải chú trọng điều hành các quan hệ xuất nhập khẩu giữa các thị trường; kiểm soát chặt chẽ việc nhập hàng hóa, nguyên liệu từ thị trường khu vực để sản xuất, xuất khẩu sang thị trường phát triển như Mỹ, EU; có giải pháp hữu hiệu khi Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP được thực thi.
Cùng với đó, Chính phủ thành công trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc quyết liệt chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể cho các bộ, ngành để cắt giảm 63% điều kiện kinh doanh và 68% các danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, để môi trường kinh doanh tăng bậc, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 10 bậc.
“Tuy nhiên, thành công của Chính phủ tiền nhiệm nay đặt ra thách thức vô cùng lớn cho nhiệm kỳ tới bởi vì chúng ta không còn nhiều dư địa để tiếp tục cắt giảm các ràng buộc và thủ tục hành chính,” đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.
Do vậy, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, thay vì tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục, phải thực hiện đột phá thể chế bằng việc thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, chuyển cơ chế.
Cụ thể, đối tượng quản lý từ xin phép khai báo trước với cơ quan quản lý sang cơ chế, đối tượng quản lý tự lựa chọn quyết định công khai thông tin. Cơ quan quản lý từ nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và tiền kiểm sang nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập thông tin và thực hiện hậu kiểm.
“Phương thức quản lý này chỉ được thực hiện trên cơ sở chuyển đổi số toàn bộ thông tin và quy trình quản lý. Đây là khâu đột phá tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu chuyển đổi số và ứng dụng AI trong quản lý thành công, tất cả những yêu cầu về đột phá trong cải cách, thể chế sẽ biến những điều không thể thành có thể, mang lại nguồn lực vô cùng to lớn cho đất nước,” đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
Nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ biến những vấn đề phức tạp của các nhà quản lý thành nguồn lực cho đất nước, đại biểu Hoàng Văn Cường lấy ví dụ trong việc chuyển đổi số thông tin về quản lý đất đai. Theo đó, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đất đai thủ công bằng giấy còn nhiều phức tạp, khó khăn như hiện nay nên chuyển sang hình thức đăng ký tự động, do chính người dân tự thực hiện sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách từ các giao dịch.
“Việc chuyển đổi số sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen và vị trí của người quản lý trong bộ máy nhà nước. Người quản lý không còn ngồi chờ doanh nghiệp đến yêu cầu giải quyết mà phải dựa vào thông tin được số hóa của doanh nghiệp để phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh hoặc phải giải quyết để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đó chính là cơ sở để chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, tạo đột phá về thể chế trong quản lý,” đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu chuyển đổi số thành công với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam không chỉ là "cái bếp của thế giới" như lời khuyên của Giáo sư Philip Kotler - Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến trong buổi giảng Nghị quyết sáng 28/3 - mà có thể trở thành công xưởng ngành công nghệ điện tử, tin học của cả thế giới.
“Các nhân viên văn phòng ở nhiều nước trên thế giới có thể chuyển đến Việt Nam vừa tắm biển, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản của Việt Nam, vừa thực hiện các công việc văn phòng trong môi trường kinh tế số,” đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cắt giảm ngay những thủ tục hành chính mang tính hình thức, gây phiền hà
Đồng quan điểm với đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) về những thành công quan trọng trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, nhiệm kỳ này vẫn còn một số hạn chế, một số vụ việc nổi cộm xảy ra chưa được quan tâm giải quyết triệt để, gây bức xúc dư luận.
Tình trạng khiếu nại, tố cáo còn nhiều, nhất là vấn đề đất đai; việc giải quyết kiến nghị cử tri còn rất chậm trễ, còn hàng trăm kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, một số dự án luật trình Quốc hội chưa đảm bảo chất lượng, chưa phù hợp với những nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.
Về phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2026, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, thẩm định dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật; duy trì mạnh mẽ kỷ cương nghiên cứu xây dựng và thực thi pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật ngay từ khi bắt đầu triển khai để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những lệch lạc, sai phạm, không để vi phạm kéo dài.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm ngay những thủ tục hành chính mang tính hình thức, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, tạo cơ hội tham nhũng. Đây là vấn đề bức xúc, kìm hãm việc huy động nguồn lực và sự phát triển của đất nước.
Đồng thời, Chính phủ nên dành sự quan tâm hơn nữa trong công tác tiếp dân, giải quyết kiến nghị của cử tri, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, thi hành án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ hiện nay.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, khẩn trương xây dựng đề án trồng 1 tỷ cây xanh; cẩn trọng, tỉnh táo trong xây dựng đô thị bên bờ sông Hồng và khu vực thoát lũ, có thể gây hệ lụy lớn và lâu dài về môi trường và đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh vùng hạ lưu, “không vì cái lợi trước mắt mà bỏ cái lợi lâu dài.”
“Sông Hồng là một động mạch của quốc gia, vì vậy cần phải trồng cây xanh để tạo lá phổi xanh cho quốc gia để bảo vệ Thủ đô và bảo vệ đất nước,” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ.
Bên cạnh việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vào các chương trình mục tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nông nghiệp vừa là "bà đỡ," vừa là "chị nuôi," vừa là người bác sỹ, đặc biệt trong lúc đất nước ta bị tổn thương.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu xây dựng một cường quốc nông nghiệp; tận dụng mọi tiềm năng, nguồn lực sẵn có và thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ để tổ chức một nền nông nghiệp tiên tiến, hữu cơ, nông nghiệp sạch, có đẳng cấp cao, phục vụ nhu cầu ngày càng cao, an toàn trong nước và thế giới.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc khởi xướng, rà soát, điều chỉnh và quyết định chính sách cũng như kiểm soát hệ thống hành pháp.
“Sự phát hiện, gợi ý và kiến nghị, tâm huyết của đại biểu Quốc hội đối với Chính phủ, Thủ tướng là rất cần thiết, giúp Thủ tướng Chính phủ có cách đánh giá khách quan từ phía cơ quan lập pháp để hoàn thiện chính sách và phương pháp làm việc,” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cần hết sức cẩn trọng, cân nhắc việc đề xuất chính sách, dự án luật của các bộ, ngành; cần chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tâm huyết, có trình độ, các nhà khoa học để nghiên cứu khách quan, toàn diện nội dung và sự tác động của các chính sách đó, tránh tình trạng trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không thuyết phục, tạo bất ổn cho xã hội và ẩn chứa đằng sau những điều kiện để tham nhũng, trục lợi hoặc hệ lụy về chính trị, kinh tế xã hội.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu xây dựng một cơ chế hữu hiệu, điều kiện cần thiết để đối phó kịp thời các tình huống bất ngờ, đặc biệt cần xây dựng một hệ thống tham mưu thật tâm huyết, khoa học, nhạy bén để thực hiện sự chỉ đạo của mình./.