Tạo đột phá từ kinh tế số
Với vai trò then chốt trong việc định hình phương thức phát triển mới, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong thời đại số, việc đầu tư và phát triển kinh tế số là một chiến lược cần thiết để đảm bảo sự phát triển và thịnh vượng trong tương lai.
***
Trong gần bốn thập kỷ vừa qua, kinh tế Việt Nam trải qua thời kỳ liên tục tăng trưởng và từ một nước kém phát triển nay đã vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Các nhân tố chủ yếu dẫn dắt thành tựu tăng trưởng bao trùm của quá trình này là những nỗ lực thực thi chiến lược phát triển dựa vào thị trường, thu hút đầu tư FDI, mở cửa thương mại quốc tế và phát huy lợi thế của thị trường lao động giá rẻ cạnh tranh.
Giờ đây, khi đã vượt qua thu nhập trung bình thấp và đang đối diện “bẫy thu nhập trung bình”, sức ép cạnh tranh “kép” đối với Việt Nam gồm cả các quốc gia thu nhập thấp có thị trường lao động giá rẻ và các quốc gia thu nhập cao với công nghệ có năng suất cao hơn cùng các lĩnh vực công nghệ và kinh doanh mới xuất hiện thông qua đổi mới sáng tạo. Do vậy, chiến lược kinh tế đã mang đến thành công cho Việt Nam với mức tăng trưởng ấn tượng trong bốn thập kỷ vừa qua sẽ không còn tiếp tục đem lại mức tăng trưởng và phát triển tương tự trong tương lai. Để chuyển từ vị thế quốc gia thu nhập trung bình thấp sang thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần vượt qua được phương thức tăng trưởng dựa vào thị trường lao động giá rẻ, phụ thuộc vào nguồn vốn FDI, để chuyển sang phương thức tăng trưởng dựa trên thâm dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động rộng khắp trong toàn bộ nền kinh tế.
Đứng trước bước ngoặt trong hành trình vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cần nhanh chóng xác định kinh tế số sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong hành trình này, là động lực mở đường cho một quỹ đạo tăng trưởng mới, nhanh và bền vững.
Vai trò của kinh tế số
Kinh tế số đóng vai trò then chốt và là động lực quan trọng trong việc định hình phương thức tăng trưởng mới cho nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Kinh tế số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, chẳng hạn sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến và công nghệ tài chính (fintech), từ đó mở rộng thị trường, tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số không chỉ tạo ra việc làm và cơ hội phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông mà lan tỏa và thẩm thấu trong toàn bộ nền kinh tế, trước hết là các ngành liên quan chặt chẽ như thương mại điện tử, logistics, marketing số, dịch vụ khách hàng…
Kinh tế số với đầu vào quan trọng là công nghệ số và dữ liệu sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và giảm chi phí giao dịch trong nền kinh tế, giúp tối ưu hóa các quy trình sản xuất và kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả và năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khác nhau, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Kinh tế số có đóng góp quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực địa lý và xã hội, cho phép mọi người tiếp cận dịch vụ và thông tin một cách dễ dàng hơn, tính minh bạch và hiệu quả quản lý trong cả khu vực công và tư được cải thiện. Thông qua phát triển kinh tế số, hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế toàn cầu có dư địa mới, đồng thời các giải pháp công nghệ số giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Kinh tế số đã và đang trở thành một bộ phận đóng góp ngày càng quan trọng trong tổng sản phẩm của các quốc gia, đặc biệt trong quá trình phục hồi hậu Covid-19. Châu Á được đánh giá là khu vực rất năng động và đã có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức nhảy vọt trong thập niên vừa qua, sẽ là trung tâm phát triển công nghệ số và kinh tế số toàn cầu. Nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, Việt Nam được coi là một nước có tiềm năng tăng trưởng kinh tế số mạnh mẽ và dự báo sẽ nằm trong số các quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số thuộc tốp đầu khu vực.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên và hiếm có trong lịch sử, Việt Nam có cơ hội và thực tế đang đi cùng thế giới trong một cuộc cách mạng công nghiệp - Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, cách mạng chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đổi mới kinh tế, với mục tiêu chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang kinh tế số và hiện đại hóa kinh tế, kinh tế số có tiềm năng trở thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất, mang tính động lực trong nền kinh tế hiện nay, tạo cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng trong bứt tốc phát triển kinh tế đất nước, từ đó rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước khác.
Nhà kinh tế được giải Nobel, Paul Krugman đã nói: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn thì gần như là tất cả. Một đất nước có năng lực cải thiện mức sống qua thời gian hay không sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khả năng gia tăng sản lượng của người lao động”.
Lịch sử phát triển kinh tế của nhân loại cho thấy, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn có vai trò then chốt trong việc gia tăng năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Các quốc gia thu nhập trung bình và thấp thường trải qua giai đoạn “bắt kịp công nghệ” thông qua hệ thống “thực hành tốt nhất” công nghệ hiện có của các quốc gia thu nhập cao. Tuy nhiên, về dài hạn, sự “bắt chước” này sẽ không bền vững trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao với xuất phát điểm thấp, và hệ quả là tốc độ tăng trưởng sẽ có nguy cơ sụt giảm khi quốc gia đó bước lên những nấc thang phát triển cao hơn. Do đó, để đạt được mức thu nhập cao, cần phải chuyển từ ứng dụng công nghệ sang phát triển công nghệ. Phát triển kinh tế số và đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia là phương thức để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, là cách thức để Việt Nam vẽ nên một tương lai phát triển không chỉ đơn giản là tiếp nối xu hướng của quá khứ mà là đưa nền kinh tế bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính bứt phá.
Mục tiêu phát triển kinh tế số đã định hình…
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, “Chương trình chuyển đổi số quốc gia” theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 và Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã chỉ ra những trọng tâm chiến lược của nước ta trong giai đoạn chuyển đổi số và phát triển kinh tế số trong giai đoạn tới. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chỉ rõ bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số, đồng thời nhiệm vụ phát triển kinh tế số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.
Mục tiêu phát triển kinh tế số bao trùm được đặt ra đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP và năm 2030 là 30%. Đây là các mục tiêu khá thách thức vì hiện nay theo ước tính, kinh tế số mới chiếm khoảng gần 13% GDP. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hàng năm khoảng 20%, tức là gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Các chuyên gia kinh tế đã tính toán những mục tiêu có thể đạt được về tỷ trọng kinh tế trong GDP theo những kịch bản khác nhau: Bình thường, nhanh và đột phá. Theo đó, nếu tốc độ chuyển đổi số và ứng dụng kinh tế số chỉ diễn ra bình thường như trong thời gian qua, với tốc độ tăng trưởng thấp hơn 20% thì khó đạt được mục tiêu đề ra. Nếu theo các kịch bản nhanh và đặc biệt là đột phá với tốc độ tăng trưởng kinh tế số tổng thể hơn 20% thì mục tiêu đề ra hoàn toàn mang tính khả thi.
Trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng nhờ áp dụng các công nghệ số mới, cho thấy tiềm năng lớn của nền kinh tế số trong những năm tới. Một số ngành công nghiệp của Việt Nam đang số hóa rất nhanh, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và công nghệ tài chính, chính phủ điện tử và xã hội số cũng có những bước tiến lớn.
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Shopee, Lazada, Tiki... và người tiêu dùng sử dụng ngày càng nhiều các dịch vụ mua sắm trực tuyến. Thanh toán điện tử phát triển nhanh và đang trở thành xu hướng phổ biến với sự phát triển của các ví điện tử như Momo, ZaloPay, ViettelPay... Việt Nam đã triển khai các dịch vụ công trực tuyến ở nhiều cấp độ, các cơ quan nhà nước đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ công và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử đã liên tục được cải thiện. Hệ sinh thái khởi nghiệp đang được phát triển khá năng động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ với số lượng các startup công nghệ tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trường hợp trong ngành nông nghiệp và sản xuất chế tạo cho thấy mức độ sẵn sàng chuyển đổi công nghệ số còn thấp và kinh tế số “lõi” công nghệ thông tin và truyền thông còn phụ thuộc khá lớn vào FDI và nhu cầu thế giới. Thực tế này cho thấy, mặc dù hiện trạng phát triển kinh tế số của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mạng viễn thông đã triển khai mạng 4G rộng khắp và đang tiến tới triển khai mạng 5G tại các thành phố lớn, tuy nhiên vẫn còn những “vùng lõm” ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam hiện đã khá cao, với hơn 70% dân số có truy cập Internet, tuy nhiên tốc độ và chất lượng kết nối cần được cải thiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức về thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh tế số, các chương trình giáo dục và đào tạo liên quan đến công nghệ thông tin cũng như chất lượng đào tạo cần phải được nâng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Mặc dù đối mặt với các thách thức như thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng chưa đồng đều, vấn đề về an ninh mạng và bảo mật thông tin..., nhưng với dân số trẻ, năng động và sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành một trung tâm kinh tế số của khu vực.
Thuận lợi trước hết là quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ban hành chương trình/chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia và Phát triển kinh tế số với nhiều mục tiêu cụ thể cần đạt được. Về phía cầu, thu nhập của người dân trong thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là sự xuất hiện tầng lớp trung lưu, quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ kinh tế số, cũng như khả năng đầu tư vào các công nghệ kỹ thuật số. Với 100 triệu dân và tỷ lệ dân số trẻ lớn, Việt Nam được xem là một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm và dịch vụ kinh tế số.
… nhưng quan trọng hơn là con đường phát triển
Báo cáo “Tương lai kinh tế số Việt Nam” của CSRIO và một số tổ chức đã phác họa các kịch bản tác động của chuyển đổi số đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2019 - 2045 của Việt Nam: Truyền thống, Xuất khẩu Số, Tiêu dùng số và Chuyển đổi số mạnh mẽ. Các kịch bản này đưa ra những tương lai có thể diễn ra trong vòng 25 năm tới, trong đó có các tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến nền kinh tế số của Việt Nam, theo đó đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GDP hằng năm là từ 0,38 đến 1,1 điểm % tùy theo từng kịch bản. Mặc dù các tác nhân bên ngoài có thể đóng vai trò rất quan trọng đến các kịch bản, nhưng kịch bản nào xảy ra sẽ phụ thuộc vào việc chủ động ứng phó với các tác nhân bên ngoài và hành động của chính Việt Nam trong việc thay đổi xác suất xảy ra của mỗi kịch bản trong hành trình tạo nên một viễn cảnh tương lai hoàn toàn khác biệt.
Trong lộ trình phát triển, việc tìm ra con đường phù hợp nhất để tiếp tục đầu tư cho phát triển của nền kinh tế số chính là việc đặt các thứ tự ưu tiên để đảm bảo phân bổ tài nguyên tối ưu, nguồn lực nhà nước và xã hội để đầu tư một cách phù hợp nhất. Khi các quốc gia công nghiệp hiện đại hóa với một loạt công cụ số đắc lực mới như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, blockchain, nền tảng dịch vụ đám mây và Internet vạn vật, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi chuyển từ phụ thuộc vào đầu vào lao động sang sử dụng công nghệ, vào kỹ năng hiệu quả hơn và tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng trong tất cả các ngành công nghiệp. Chính sách và công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng và sử dụng như thế nào sẽ quyết định kịch bản phát triển của Việt Nam đến năm 2030 hoặc xa hơn nữa là 2045. Đây là cuộc đua đường trường, vừa đòi hỏi sự dẻo dai, vừa cần có sự bứt phá. Trong tổng thể quá trình quản lý phát triển nền kinh tế số, Việt Nam có thể tham khảo cách tiếp cận thị trường “cởi mở” hơn về quan điểm giải quyết mối quan hệ giữa thị trường và nhà nước để đạt được điểm cân bằng giữa yêu cầu “tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo liên quan tới việc phát triển và ứng dụng kinh tế số” với yêu cầu “bảo đảm trật tự của thị trường”.
Thách thức cơ bản mang tính dài hạn đối với Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số này chính là duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát nợ nước ngoài và lạm phát, trên cơ sở đó đầu tư hiệu quả vào cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng số và kỹ năng để thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Cần phải có chiến lược đầu tư công hiệu quả, tập trung vào cơ sở hạ tầng CNTT&TT tốc độ cao rộng khắp, an ninh mạng để đảm bảo an ninh và kỹ năng số mở rộng trong việc nâng cao năng suất của quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế số. Ngoài ra, cần thực thi những cải cách và quy định pháp lý nhằm hiện đại hóa dịch vụ nhà nước và phân bổ nguồn lực hiệu quả, tăng cường mạng lưới đổi mới sáng tạo. Với lực lượng dân số trẻ, đầy sức sống, các khoản đầu tư lớn và nằm ở vị trí trung tâm của các nền kinh tế tăng trưởng mạnh ở Châu Á, nếu thực thi một quá trình chuyển đổi một cách hiệu quả thì Việt Nam chắc chắn có cơ hội thuận lợi phát triển mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghệ số.
Trong khi Chính phủ đã có chủ trương và định hướng, chiến lược quốc gia đã ban hành đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, hầu hết các tỉnh, thành đều đã có Nghị quyết, đề án chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Những Nghị quyết/Đề án này đều thể hiện quyết tâm cao và trách nhiệm lớn của các địa phương trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều mục tiêu định lượng trong các đề án chuyển đối số, phát triển kinh tế số của các địa phương hiện nay đều “na ná” như nhau và tương tự như các mục tiêu đề ra cấp quốc gia, “bản sắc địa phương” của các Nghị quyết/Đề án còn khá mờ. Tiềm năng và tương lai phát triển kinh tế số của các địa phương là rất khác nhau, không thể “dàn hàng ngang cùng tiến” trong phát triển kinh tế số. Tiếp đến, tính “cụ thể hóa” trong việc triển khai các mục tiêu về tỷ trọng kinh tế số trong GDP, các ngành, chỉ tiêu tăng năng suất lao động chưa cao. Hầu hết các Đề án đều chưa chỉ rõ về định lượng cơ cấu phát triển kinh tế số (kinh tế số lõi, kinh tế internet và kinh tế ngành), tác động của kinh tế số trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung của tỉnh, các kịch bản phát triển kinh tế số khác nhau,… Chính phủ cần sớm có cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế số tại các vùng kinh tế trọng điểm để liên kết các đề án chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của các địa phương thuộc vùng trọng điểm, phát huy lợi thế vùng không chỉ là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mà còn có các điều kiện và tiềm năng thuận lợi để phát triển kinh tế số.
Những giải pháp trên cần được thực hiện một cách đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Chỉ khi đó, kinh tế số mới có thể phát huy hết tiềm năng, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam./.