Aa

Tạo dư địa giảm lãi vay dài hạn

Thứ Tư, 06/09/2023 - 06:30

Một trong những nguyên nhân chính khiến lãi suất cho vay trung - dài hạn vẫn còn cao do tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ tiếp tục giảm xuống 30% từ ngày 1/10 tới.

Theo nhiều chuyên gia, để lãi suất cho vay trung - dài hạn giảm nhanh hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên lui lại lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Lãi vay trung - dài hạn vẫn cao

Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm. Cả 4 NHTM có vốn nhà nước (Agribank, Vietinbank, Vietcombank và BIDV) đồng loạt hạ lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng thêm 30 điểm cơ bản, hạ lãi suất kỳ hạn 12 tháng thêm 50 điểm cơ bản. Như vậy, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng này hiện đang ở mức 5,8%/năm, chỉ cao hơn 20 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái. Các NHTM khác cũng tiếp tục hạ lãi suất huy động xuống sau động thái của các ngân hàng này.

Lãi suất cho vay cũng được các nhà băng điều chỉnh giảm. Song tốc độ giảm lãi suất cho vay vẫn chậm hơn nhiều so với lãi suất huy động, đến nay mới giảm khoảng 1,5% - 2% so với thời điểm đầu năm.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay có sự phân hóa khá rõ rệt giữa các nhóm khách hàng. Theo Công ty Chứng khoán SSI, với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đã giảm về khoảng 8 - 10%. Trong khi đó, các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém hơn vẫn phải đi vay với mức lãi suất từ 12 - 15%.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp phản ánh, hiện lãi suất cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng vẫn được neo ở mức khá cao.

Lãi suất cho vay giảm chậm do các ngân hàng vẫn còn "tồn" một lượng không nhỏ nguồn vốn huy động với lãi suất cao thời gian trước. Ảnh: N.Phượng

Theo giới chuyên gia, lãi suất cho vay trung dài hạn cao hơn lãi suất cho vay ngắn hạn cũng là điều bình thường do chi phí huy động vốn dài hạn cao hơn, mức độ rủi ro đối với các khoản vay dài hạn cũng lớn hơn. Thế nhưng việc lãi suất cho vay trung dài hạn chênh lệch khá lớn so với lãi suất cho vay ngắn hạn và cao hơn rất nhiều so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn cũng là điều cần xem xét.

Phát biểu tại Hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp" do NHNN tổ chức ngày 22/8, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho rằng, bình thường lãi suất cho vay và huy động chênh 3% là đủ cho ngân hàng cân chi phí, đảm bảo an toàn tài chính.

Lùi lộ trình theo Thông tư 08/2020/NHNN

Một chuyên gia cho rằng, sở dĩ lãi vay giảm chậm hơn lãi suất huy động do các ngân hàng vẫn còn "tồn" một lượng không nhỏ nguồn vốn huy động với lãi suất cao thời gian trước nên cần có thêm thời gian để trung hòa lượng vốn này.

Bên cạnh đó, hiện ngân hàng vẫn đang là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, trong khi nhu cầu vốn tín dụng rất lớn. Hiện tỷ lệ tín dụng/huy động vốn trên thị trường 1 của các ngân hàng lên tới hơn 100%, trong khi theo quy định các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa là 85% nên áp lực tăng lãi suất là rất lớn.

Còn với lãi vay trung - dài hạn vẫn cao, ngoài các nguyên nhân nói trên, còn do lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN, từ ngày 1/10 tới đây, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài dạn của các nhà băng sẽ tiếp tục được giảm về còn 30% từ mức 34% như hiện tại. Trong khi theo NHNN Việt Nam, có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng, song hơn 52% dư nợ tín dụng của hệ thống là trung và dài hạn.

Vì thế việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ càng tạo thêm sức ép tăng lãi suất cho vay trung dài hạn. "Cầu nhiều - cung ít, giá (lãi suất) cao là điều khó tránh", vị chuyên gia này kết luận.

Đó chính là lý do mà tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của các tổ chức hội viên do Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tổ chức mới đây, lãnh đạo nhiều ngân hàng đề nghị NHNN xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cho phù hợp với thực tế hiện nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top