Aa

Tạo thể chế ổn định để tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh

Thứ Tư, 04/10/2023 - 13:36

Bàn về Dự án Luật Các TCTD (sửa đổi), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho rằng đây là cơ hội góp ý để sửa luật, giúp các TCTD hoạt động một cách lành mạnh, hiệu quả...

“Dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) là một dự án luật khó, có tính kỹ thuật cao, tác động lớn đến nền kinh tế, cũng như các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế xác định, sẽ tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng để bảo đảm khi Luật được thông qua có sức sống lâu dài, tạo thể chế ổn định để các TCTD hoạt động lành mạnh, có điều kiện thuận lợi để phát triển”, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đình Việt nhấn mạnh trong Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) do Thường trực Ủy ban Kinh tế phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Viện KAS tại Việt Nam tổ chức.

Góp ý một số nội dung cụ thể đến người có liên quan tại Điều 4, Dự thảo luật, ông Lê Thành Long, Phó tổng giám đốc VPBank, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đề nghị bỏ nhóm cá nhân như: ông nội, bà nội, bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, bác ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột trong khái niệm người có liên quan. Lý do là việc yêu cầu TCTD có các chức danh quản lý, điều hành phải công khai công bố thông tin tại Điều 49 với các mục đích giới hạn cấp tín dụng là rất phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động của các TCTD trong việc thu thập các thông tin này, cũng như các khách hàng khi họ có nhu cầu tiếp cận vay vốn ngân hàng.

Sửa đổi Luật Các TCTD để phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của các TCTD

Cũng liên quan đến vấn đề công khai thông tin, Điều 49 còn quy định TCTD phải công khai các thông tin của những người có liên quan bao gồm chứng minh thư, ngày tháng, năm sinh và rất nhiều thông tin khác trên trang tin điện tử của TCTD… VNBA đề nghị cần có hướng dẫn chi tiết hơn để tránh việc công khai thông tin sẽ xâm phạm quyền bí mật riêng tư của những người đó.

Về xử lý, cung cấp thông tin (Điều 12), trong hoạt động cấp tín dụng, cấp tín dụng hợp vốn, phòng chống rửa tiền… các TCTD cần phải trao đổi thông tin khách hàng (thông tin lịch sử tín dụng, thông tin các khoản cấp tín dụng, danh sách cảnh báo…) để phòng ngừa rủi ro. Theo Điều 12 Luật Các TCTD hiện hành, việc trao đổi thông tin này không cần có sự chấp thuận của khách hàng (trao đổi thông tin về hoạt động giữa các TCTD). Tuy nhiên, với quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu và được người tiêu dùng đồng ý, do vậy nếu không làm rõ tại Luật này thì hoạt động trao đổi thông tin khách hàng của TCTD sẽ gặp vướng mắc và rủi ro pháp lý/kinh doanh rất lớn cho hoạt động của TCTD. Vì vậy, VNBA đề nghị bổ sung vào Khoản 3 quy định: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được trao đổi với nhau thông tin khách hàng bao gồm cả thông tin người có liên quan đến giao dịch của khách hàng, thông tin về hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà không cần sự đồng ý của khách hàng và người có liên quan.

Về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay (Điều 101). Khoản 1 Điều 101 Dự thảo quy định: “TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp trước khi quyết định cấp tín dụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.

Đại diện VNBA cho biết, hiện nay việc sử dụng các mô hình, công cụ dựa trên dữ liệu của ngân hàng đang lưu giữ, thu thập từ các hệ thống dữ liệu quốc gia hoặc nguồn hợp pháp khác để xem xét, đánh giá quyết định việc cấp tín dụng cho khách hàng. Do đó, việc quy định bắt buộc TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu trước khi cấp tín dụng như phương thức truyền thống không còn phù hợp. Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ “trước khi quyết định cấp tín dụng”, và bổ sung sửa đổi Dự thảo theo hướng: “TCTD phải đánh giá phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính, mục đích sử dụng vốn hợp pháp của khách hàng. Khách hàng có trách nhiệm cung cấp tài liệu, dữ liệu theo yêu cầu của ngân hàng để chứng minh đáp ứng điều kiện cấp tín dụng theo quy định của TCTD”.

Về Khoản 5, Điều 101 Dự thảo luật quy định: “TCTD có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;…”. VNBA cho biết, để tránh rủi ro pháp lý cho các TCTD, hình sự hóa giao dịch dân sự, đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng: TCTD có quyền kiểm tra, giám sát (không phải nghĩa vụ của TCTD) việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn.

Về quy định liên quan đến góp vốn, mua cổ phần của TCTD (Điều 110), VNBA đề nghị bổ sung thêm lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số liên quan đến lĩnh vực tài chính nhằm mở rộng lĩnh vực đầu tư, góp vốn cho hoạt động ngân hàng để chủ động tham gia vào các lĩnh vực mới. Bởi lẽ, ngoài các hoạt động về kinh doanh tiền tệ, về dịch vụ ngân hàng thì hoạt động ngân hàng liên quan đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng như áp dụng công nghệ mới ngày càng đóng vai trò quan trọng. Nếu các ngân hàng có cơ hội góp vốn vào các tổ chức trong lĩnh vực sẽ giúp các ngân hàng khả năng làm chủ những vấn đề về công nghệ, góp phần đổi mới nhanh trong các hoạt động ngân hàng…

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam đề nghị, về giới hạn cấp tín dụng của các TCTD phi ngân hàng, trong đó có công ty tài chính chuyên ngành và công ty cho thuê tài chính, việc đưa ra tỷ lệ nhất định đối với một khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan là rất cần thiết để kiểm soát rủi ro tập trung và kiểm soát các sở hữu chéo. Tuy nhiên, hiện vốn điều lệ của các công ty cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật là 150 tỷ đồng, nếu cộng cả vốn tự có có thể lên 200 tỷ đồng mà chỉ cho vay đến 15% thì chỉ được 30 tỷ đồng. Với đặc thù của công ty cho thuê tài chính là những pháp nhân không được phép huy động vốn từ công chúng không tác động nhiều lên thị trường tài chính. Vì vậy, ông đề nghị không nên áp dụng tỷ lệ này ở các NHTM sang các công ty tài chính phi ngân hàng. Dự thảo luật cần tạo ra không gian giúp cho ngành cho thuê tài chính ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Dự thảo lần này có rất nhiều tiến bộ, từ câu chữ, từ nội dung các điều khoản đã tương đối rõ hơn, tuy nhiên đối chiếu với thực tế vẫn có một số điều cần phải quan tâm. Hiệp hội đã tổng hợp được hơn 60 ý kiến, chắt lọc được 29 ý kiến tập trung vào ba nhóm vấn đề. Thứ nhất, nhóm vấn đề liên quan đến ngân hàng và xử lý nợ xấu; Thứ hai, liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và chuyển giao bắt buộc; Thứ ba, liên quan đến công ty tài chính tiêu dùng. Ngoài ba nhóm vấn đề này, Hiệp hội cũng góp ý một số nội dung liên quan đến việc xử lý, cung cấp thông tin, liên quan đến Nghị định 13.

Ông Hùng cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng, nếu chúng ta không thận trọng, sau này rất khó cho các TCTD trong hoạt động thực tiễn… Đây là cơ hội góp ý để sửa luật, giúp các TCTD hoạt động một cách lành mạnh, hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, nhất là chuyển đổi số rất mạnh mẽ hiện nay, chúng ta cần có những bộ luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển và có thời gian lâu dài để các TCTD thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, hạn chế được sở hữu chéo; hạn chế được những rủi ro, không an toàn trong hệ thống tài chính và TCTD./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top