Sáng ngày 19/11, Tập đoàn APEC đã tổ chức toạ đàm “Đại cách mạng nhà ở xã hội 5 sao”, hướng tới giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người Việt Nam, kết hợp ra mắt Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn APEC chia sẻ, hiện nay có một thực tế là nhà ở thương mại cho người giàu thì dư thừa, nhà ở cho người thu nhập thấp thì thiếu trầm trọng.
“Từ khi Tập đoàn APEC chuyển sang làm bất động sản đã đầu tư trên 20 tỉnh thành trên cả nước, chúng tôi nhận ra ở đâu cũng có những người có công với đất nước, cựu chiến binh, người dân lao động nghèo,… Họ luôn khao khát có một mái ấm gia đình, có nhà ở, có nơi để an cư lạc nghiệp. Đây là một động lực thúc đẩy chúng tôi tạo ra những sản phẩm để hiện thực hoá ước mơ của họ”, ông Huy nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, theo ông Huy, sau tác động của đại dịch Covid-19, vấn đề nhà ở xã hội trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Hàng triệu người lao động di cư ngược từ các hành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM quay trở về quê hương của họ là những vùng nông thôn, miền núi. Đây là 1 vấn đề mà toàn xã hội cần chung tay giải quyết.
“Do đó, qua trao đổi với các đối tác trong và ngoài nước, chúng tôi góp vốn tạo ra Tổng Công ty phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam. Tổng công ty có vốn điều lệ ban đầu là 10.000 tỷ đồng, các cổ đông xã hội là APEC Group, IDJ, API, APS... Công ty có trách nhiệm đầu tư 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao, cung cấp nhà ở cho 40 triệu dân trong giai đoạn 2021 - 2030, tiên phong cùng Đảng và Nhà nước làm cuộc Đại cách mạng Nhà ở xã hội cho người dân Việt Nam.
Chúng tôi gọi tên thương hiệu là Happy City - Đô thị hạnh phúc. Sản phẩm là các khu nhà ở xã hội đẳng cấp 5 sao đáp ứng 5 tiêu chí: Chất lượng, thẩm mỹ, tiện ích, sinh thái, thông minh. Giá bán tại Hà Nội và TP.HCM là 13 - 18 triệu/m2, các tỉnh thành khác 8 - 14 triệu/m2. Giá cả hợp lý nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và đẳng cấp. Với chính sách ưu đãi thanh toán linh hoạt, người dân chỉ cần 30% giá trị căn hộ để sở hữu căn hộ, 70% giá trị còn lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính với thời hạn 10 - 20 năm”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn APEC khẳng định.
“Đề án mạnh dạn và mang tính chất đột phá”
Bày tỏ quan điểm về Đề án Xây dựng nhà ở an sinh xã hội tiêu chuẩn 5 sao tại Việt Nam của Tập đoàn APEC, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, đây là một đề án mạnh dạn và mang tính chất đột phá.
“Cách đây 1 tháng chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với Bộ Xây dựng, đã phân tích, mổ xẻ và phát hiện ra những vấn đề chưa ổn trong các phân khúc nhà ở, nhất là phân khúc nhà ở xã hội.
APEC đã nhìn rõ đối tượng khách hàng tiềm năng của mình trong loại hình nhà ở xã hội. Đó là những người có thu nhập trung bình thấp, công nhân, người dân vùng nông thôn và vùng núi. Đây là 3 đối tượng quan trọng”, TS. Cấn Văn Lực nói.
TS. Cấn Văn Lực đánh giá, trong 10 năm qua, chúng ta đặt tham vọng xây dựng 22,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội nhưng thực tế chỉ xây được 17,6 triệu mét vuông tức là 78%. Tuy nhiên, số lượng căn Nhà xã hội đưa vào sử dụng còn lãng phí, nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp nhanh.
Phân tích nguyên nhân khiến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua bị đổ vỡ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trước hết là do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ. Quy hoạch nhà ở trong khu công nghiệp hay ngoài khu công nghiệp chưa rõ ràng khiến chủ đầu tư lúng túng khi triển khai dự án. Thứ hai là vấn đề thiếu vốn ưu đãi để phát triển nhà ở và vốn cho người dân vay mua nhà ở xã hội. Thứ ba là quỹ đất, nhiều địa phương chưa tạo điều kiện về quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thứ tư là do các cơ chế ưu đãi chưa hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với doanh nghiệp và người dân.
“Một số công trình dự án chất lượng thấp được triển khai trong nhiều năm qua đã dẫn đến cái nhìn về hình ảnh nhà ở xã hội bị ảnh hưởng, rằng đó là nhà ở thấp cấp, xập xệ. Chủ đầu tư thấy bỏ ra nhiều tiền nhưng không thu được gì nên cũng “né”. Vì vậy thời gian tới, rất cần các cơ chế chính sách để tạo ra sự phát triển đột phá".
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng đồng tình, những quy định hiện nay liên quan đến nhà ở xã hội đang có rất nhiều vấn đề, nút thắt. Tập đoàn APEC đã có một cách tiếp cận rất mới, rất khác về nhà ở xã hội mà 10 năm qua, với những tư duy cũ, cách tiếp cận cũ, chúng ta đã thất bại.
“Đây là một cách tiếp cận mới với thị trường nhà ở. Trước tiên thể hiện ở vấn đề tiện ích, ít tiền hơn nhưng vẫn được hưởng các tiện ích như những khu cao cấp mà chỉ có người có nhiều tiền mới mua được. Vấn đề cốt lõi ở đây là chúng ta đang mong muốn giảm giá nhà cho người dân, làm sao để giá rẻ nhất những chất lượng vẫn đảm bảo tốt nhất. Bởi hiện tại, muốn có một nơi ở chất lượng, người dân Việt Nam đang phải trả từ 40 triệu đồng trở lên cho một mét vuông. Còn rẻ hơn thì không thể có chất lượng đó.
Chúng ta phải nhìn nhận lại khái niệm về nhà ở xã hội. Không đồng nghĩa nhà ở xã hội với chất lượng kém, “của rẻ là của ôi”. Cách tiếp cận của APEC rất toàn diện, từ thiết kế, thi công đến các module. Và đặc biệt, ở góc độ kinh tế, việc triển khai quy mô lớn, nhân rộng mô hình ắt sẽ giảm được chi phí và giá thành”, TS, Vũ Đình Ánh đánh giá.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng đặt ra vấn đề trong thời gian qua, những dự án nhà ở xã hội hiện hữu do nhiều doanh nghiệp triển khai đã không đến được đúng đối tượng, mà lại về tay người giàu, “những người đi ô tô” đến mua.
Chính vì thế, TS. Vũ Đình Ánh gợi mở, với mô hình tạm gọi là nhà ở xã hội tiện ích 5 sao và rẻ như APEC Group đề ra, cần phải đặt ra việc làm thế nào để hạn chế và ngăn chặn được câu chuyện này. Bởi vừa rẻ, vừa chất lượng như chung cư cao cấp thì ai cũng muốn mua. Những người có tiền lại càng muốn đầu cơ.
Về vấn đề quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, ông Ánh cho rằng,tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM quỹ đất phát triển nhà ở xã hội buộc phải ra xa hơn so với trung tâm để tạo thành những đại đô thị lớn do quỹ đất trong nội đô đã cạn kiệt. Còn các đô thị nhỏ, hiện tại vẫn là thời cơ tốt để sử dụng những quỹ đất còn nhiều trong khu vực trung tâm để dành cho phát triển nhà ở giá thấp này.
"Quy định quỹ đất 20% nhà ở xã hội thời gian qua cũng có vô vàn bất cập dẫn đến không sử dụng được quỹ đất này phát triển nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư thường chọn cách nộp tiền cho xong nhưng số tiền đó cũng chưa được dùng để xây nhà ở xã hội một cách thực chất. Do chênh lệch lợi ích lớn, đồng thời, việc xen kẽ khu cao cấp với khu bình dân dẫn đến chênh lệch về mức sống. Có những tiện ích được hưởng miễn phí nhưng có những tiện ích, dịch vụ cao cấp phải trả tiền, người thu nhập thấp không thể đáp ứng. Chính vì thế, chủ đầu tư không muốn làm. Do đó, tôi kiến nghị nên bỏ quy định này", TS. Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Chỉ cần 3 - 5 năm để xây nhà ở xã hội 5 sao nếu có quyết tâm, đồng thuận và sự tháo gỡ từ chính sách
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Người sáng lập Tập đoàn APEC chia sẻ, trong đợt dịch vừa rồi, có thể thấy, ở những khu vực nhà ở công nhân như những khu ổ chuột chật hẹp, ẩm thấp, mức độ lây lan lớn.
Do đó, mong muốn và cũng là trách nhiệm của Tập đoàn APEC với tư cách doanh nghiệp bất động sản là không chỉ kiến tạo nhà ở, không gian sống cho những người có thu nhập cao, mà còn cả những đối tượng khác trong toàn xã hội, hướng đến mọi người dân đều có nhà ở.
"Những người công nhân, người lao động thu nhập thấp cũng có nhu cầu về nhà ở. Nếu các doanh nghiệp không chung tay vào làm, thì các đô thị của Việt Nam sẽ sớm trở thành những đô thị luộm thuộm. Chúng ta phải làm những điều mà những người dân mong muốn chứ không phải chỉ phục vụ cho một bộ phận trong xã hội là những người giàu.
Thay vì chú trọng vào yếu tố lợi nhuận, chúng tôi mong muốn mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn. “Vì một Việt Nam không ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng tôi muốn là người mở đường, tiên phong cho đề án 10 triệu nhà ở xã hội này, và cố gắng hết sức để làm nhưng rất mong muốn các doanh nghiệp khác cũng cùng chung tay để mục tiêu này sớm thành hiện thực.
Chúng tôi muốn gọi nó là “nhà hợp túi tiền”, muốn tạo ra một định nghĩa mới, không có nghĩa nhà giá rẻ là chất lượng kém. Chúng tôi cũng đã và đang chứng minh được rằng, với một chi phí thấp cùng với quyết tâm của doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể làm những nhà ở chất lượng 5 sao”, ông Lăng bày tỏ.
Trả lời câu hỏi, đâu là nút thắt trong việc phát triển nhà ở xã hội trong nhiều năm qua, ông Lăng chia sẻ, chúng ta thiếu quyết tâm và sự đồng thuận của xã hội và tổng thể toàn bộ hệ thống chính trị, đồng thời thiếu quyết tâm của các doanh nghiệp phát triển bất động sản. Làm nhà cho người thu nhập khá và giàu thì dễ hơn nhiều còn làm nhà cho người thu nhập thấp phải thừa nhận rằng, khó hơn rất nhiều.
“Gần như các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chưa có quy hoạch đồng bộ cho nhà ở xã hội. Ở Singapore làm rất tốt điều này. Họ dành 91% quỹ nhà ở đại chúng cho người dân. Đó là niềm cảm hứng rất lớn cho chúng tôi.
Chúng ta không thiếu quỹ đất, chỉ có điều là chưa ưu tiên bố trí quỹ đất đủ lớn từ 200 - 300ha cho nhà ở xã hội. Với một quỹ đất lớn, chúng tôi hoàn toàn có thể xây dựng trường học, bệnh viện, trung tâm sáng tạo, khu sinh hoạt cộng đồng… trong cùng một không gian khu đô thị với suất đầu tư thấp bằng các giải pháp thông minh và sáng tạo.
Trong “tâm thư” gửi cho Thủ tướng mới đây, chúng tôi khẳng định, nếu như các doanh nghiệp khác không tham gia, chúng tôi chỉ cần Chính phủ, các chính quyền địa phương tạo điều kiện về quỹ đất, chúng tôi sẵn sàng làm nhanh, làm sớm để sớm hiện thực hoá giấc mơ an cư của người dân.
Nhiều tỷ đô la vốn nước ngoài sẵn sàng đổ vào Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể huy động nhiều nguồn vốn để phát triển nhà ở cho người dân. Khó khăn luôn luôn thường trực nhưng vấn đề là chúng ta có quyết tâm làm, có sự đồng thuận để vượt qua và hướng tới mục đích duy nhất là để mọi người dân đều có nhà ở hay không. Trong 3 - 5 năm tới, nếu quyết tâm chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt được như đề án đã đặt ra. Đó không phải là viễn cảnh không đạt được”, ông Lăng khẳng định.
Nói thêm về giải pháp giúp APEC thực hiện hoá mục tiêu thực hiện đề án nhà ở xã hội 5 sao, TS. Cấn Văn Lực cho hay, việc phát hành trái phiếu xanh, huy động các nguồn vốn từ trong cộng đồng, xã hội để phát triển nhà ở xã hội là một hướng đi đúng đắn mà các doanh nghiệp có thể triển khai để gia tăng nguồn vốn. Tuy nhiên, với việc phát triển nhà ở, vốn không phải là tất cả, mà còn phải làm tốt khâu quy hoạch, thứ hai là tạo quỹ đất sạch và phải có mô hình khả thi. Đồng thời cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và sự đồng thuận của xã hội. Nhà nước tháo gỡ về quỹ đất, cơ chế chính sách và các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp làm nhà ở thường vì lợi nhuận, còn như APEC Group làm vì cộng đồng thì cần phải có sự đồng thuận của Nhà nước./.