“Sửa Luật đất đai để gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất”
Phát biểu tại Hội thảo, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nay nhìn lại, các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này "còn rất mỏng". Trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay, chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. "Ở Mỹ, một hộ có 500.000ha chỉ 2 vợ chồng làm. Còn quê tôi Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000 - 3.000m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh cao trong giai đoạn mới thì không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần phát triển vai trò hạt nhân là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân", ông Cao Đức Phát nói.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, số lượng hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả cách đây 15 năm khoảng 20% thì đến nay đã trên 50%.
Theo ông, hiện việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nông lâm thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các hộ dân, cá thể. HTX là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa các nhà. Thực tế, nhiều mô hình HTX đã làm tốt vai trò này. Thông qua liên kết, hiệu quả đem lại rõ rệt, chi phí đầu vào giảm 10%, doanh thu tăng 20%, lợi nhuận bình quân tăng 15 - 20%.
Về nguyên nhân nhiều HTX chưa phát huy được vai trò trong liên kết sản xuất, ông Thịnh nêu 4 vấn đề, trong đó có việc quy mô hoạt động của các HTX đa số là vừa và nhỏ; khả năng thích ứng với cơ chế thị trường còn hạn chế; năng lực quản trị của cán bộ HTX còn yếu... Ngoài ra, cơ chế chính sách khu vực HTX còn yếu.
Ông Thịnh cho rằng, để làm tốt vai trò liên kết của HTX, việc đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền vì hiện người dân chưa nhận thức được vai trò của HTX kiểu mới, tâm lý HTX kiểu cũ để lại vẫn nặng nề. Cùng với đó, Nhà nước cần sớm sửa đổi Luật HTX vì sau 7 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp, cản trở phát triển; sửa Luật đất đai để tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất; sớm ban hành nghị định riêng về HTX nông nghiệp.
Muốn phát triển chuỗi liên kết cần nâng cao nguồn lực nông dân
Trong khuôn khổ của Hội thảo, đại diện về phía doanh nghiệp, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Tập đoàn TH đã có những chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng và phát triển trong đầu tư nông nghiệp.
Theo ông, chìa khoá vàng của thành công là ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa, từ đó, tạo thương hiệu có tầm ảnh hưởng, sản phẩm đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.
"Chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đưa ngành chăn nuôi lên quy mô rộng hơn, cấp nông hộ để phát triển mạnh trong tương lai. Tập đoàn đã tổ chức ở Lâm Đồng Công ty Đà Lạt milk với HTX bò sữa", ông Hải nói và cho biết, đây chính là mô hình liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Quá trình triển khai chuỗi liên kết nông hộ ở Đà Lạt, tập đoàn TH đã rút ra bài học chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các thành viên trong chuỗi; xây dựng quy chuẩn về sản phẩm, ký hợp đồng với nông hộ để người dân giao sản phẩm đảm bảo chất lượng. Tập đoàn đã thay đổi tư duy của người dân, xuất phát từ nông hộ quy mô nhỏ sang trang trại kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất - điều kiện tiên quyết thúc đẩy mô hình tăng trưởng vì nếu "sản xuất lấy công làm lãi thì không thể phát triển".
"Khi chúng tôi đưa con chip vào cổ con bò thì nhiều người hoài nghi bà con có đồng ý không. Tuy nhiên, người dân lại rất thích dù chưa biết hiệu quả như thế nào. Cũng như điện thoại thông minh, dùng nhiều sẽ nghiện, không thể bỏ được. Đây là thành công trong chuỗi liên kết", ông Hải nói.
Chủ tịch Tập đoàn TH cũng cho hay, muốn phát triển chuỗi liên kết cần phải tổ chức đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho người nông dân; kết nối nguồn hỗ trợ về tài chính.
"Chúng tôi có HTX cung cấp dịch vụ thú ý, phối giống, thức ăn cho người dân, nhưng bà con đang cần nguồn vốn hỗ trợ. Chúng tôi kết nối với ngân hàng để bà con vay được vốn phát triển", ông Hải cho hay.
Ông Hải cũng đề nghị cần có doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết. Đó có thể là doanh nghiệp nắm đầu ra, hoặc nắm sản phẩm trung gian, miễn là đảm bảo điều kiện về tiềm lực tài chính, đủ sức tạo ra ảnh hưởng mạnh, hoạt động chuyên nghiệp và có thương hiệu...
"Nhà nước cũng nên đặt ra những quy chuẩn đạo đức cho doanh nghiệp, quy chuẩn đạo đức doanh nhân, ví dụ như phải cống hiến, phụng sự đất nước", ông Hải kiến nghị.