Aa

Tập đoàn TH hiện thực hóa nỗi trăn trở “Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”

Thứ Năm, 09/05/2019 - 10:20

Dự án Chăn nuôi bò sữa có quy mô 20.000 con bò sữa, nhà máy chế biến sữa công suất 300 tấn sữa/ngày, do Tập đoàn TH đầu tư với tổng vốn trên 3.800 tỷ đồng.

Ngày 8/5/2019, tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, Tập đoàn TH tổ chức Lễ Khởi công dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô công nghiệp theo quyết định số 5359/QĐ- UBND ngày 28/12/2018 với tổng đàn bò 20.000 con; và giới thiệu mô hình phát triển bền vững đồng hành cùng người nông dân theo mô hình hợp tác xã công nghệ cao.

Khởi công cụm trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao 20.000 con

Lễ Khởi công vinh dự có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương.

Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao Thanh Hóa được triển khai theo Quyết định số 5359/QĐ- UBND ngày 28/12/2018, có tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng, quy mô đàn bò 20.000 con, xây dựng 2 cụm trang trại tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình (huyện Nông Cống).

Dự án này kế thừa những thành tựu chăn nuôi bò sữa trang trại chăn nuôi tập trung công nghệ cao mà tập đoàn TH đã thực hiện 10 năm qua tại Nghệ An với sự chăm chút hoàn mỹ để tạo ra ly sữa đạt chuẩn quốc tế.

Tập đoàn TH khởi dựng Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Nghệ An năm 2009. Trước đó, năm 2008, ngành sữa khu vực chấn động vì khủng hoảng sữa nhiễm melamine của Trung Quốc làm cho hàng triệu trẻ em mắc bệnh sạn thận. Đó cũng là thời điểm thị trường sữa Việt Nam nhập khẩu tới 92% sữa bột về pha lại, chủ yếu từ Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự lễ khởi công Dự án.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự lễ khởi công Dự án.

Với Dự án sữa có tổng vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD, tập đoàn TH đã đặt nền móng cho ngành sản xuất sữa tươi, khởi xướng mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng khoa học công nghệ và khoa học quản trị 4.0 tại Việt Nam, xây dựng cụm trang trại bò sữa chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất Châu Á, tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu sữa tươi sạch và chế biến sữa theo chuỗi khép kín.

Sự vào cuộc của tập đoàn TH đã ghi danh Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới, xây dựng thương hiệu sữa tươi sạch Việt Nam ở tầm quốc tế, góp phần chuyển dịch tỷ lệ sữa nước chế biến từ sữa bột pha lại 92% (năm 2008) giảm còn hơn 60% hiện nay.

Các sản phẩm sữa tươi của tập đoàn TH mang thương hiệu TH true MILK đã đoạt nhiều giải thưởng Vàng quốc tế như World Food Moscow (4 năm liên tiếp từ 2015 đến nay), ASEAN Best Food Product 2015, Gulfood Dubai 2016, Stevie Awards 2018…

Quan trọng hơn, thành công của tập đoàn TH đã là đòn bẩy để các doanh nghiệp cùng ngành nghề đầu tư nghiêm túc vào chăn nuôi bò sữa và người tiêu dùng hiểu được giá trị thực sự của sữa tươi sạch, tiếp cận được sản phẩm sữa tươi sản xuất tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tính hoàn mỹ trong từng giọt sữa tươi mang thương hiệu TH true MILK được thể hiện qua việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng trong toàn bộ quy trình sản xuất. Ứng dụng khoa học công nghệ và khoa học quản trị 4.0, tập đoàn TH sở hữu hệ thống chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa chuyên nghiệp trong tất cả các khâu: quản lý đàn bò của Afimilk (Israel); quản trị thú y của Totally Vets (New Zealand), quản trị tài chính SAP của Cộng hòa Liên bang Đức. Tại trang trại bò sữa TH, nhờ công nghệ (chip điện tử), bò được kiểm soát thức ăn, kiểm soát thú y, động dục. Nhờ con chip này, bệnh viêm vú ở đàn bò được phát hiện từ sớm (trước 4 – 7 ngày) để cách ly.

Tập đoàn TH đã đưa cách mạng 4.0, với những dàn máy móc tự động hoá lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, cùng với app thông minh đo độ ẩm trên những cánh đồng; cánh tay tưới vươn xa 450m, hoàn toàn tự động nhịp độ cung cấp nước điều phối toàn bộ hệ thống trang trại rộng lớn, đã chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt của vùng nhiệt đới và thậm chí còn phát huy lợi thế, tiềm năng thiên nhiên.

Trong đó, chế ngự cái nắng nóng gió lào là cả một hệ thống chuồng trại thiết kế khoa học, đồng bộ từ quy trình chống sốc nhiệt mùa hè, giữ ấm mùa đông, nền chuồng đúng tiêu chuẩn êm, sạch chống bệnh viêm móng và tạo sự thoải mái cho các cô bò sữa. Bò được làm mát bằng hệ thống chuồng trại chuyên biệt, hệ thống quạt phun sương công nghệ cao… để khắc chế ảnh hưởng của thời tiết; được ăn 15-16 loại thức ăn ủ chua đa dạng như ngô, cao lương, hoa hướng dương; được uống nước tinh khiết; được tắm mát, nghe nhạc cổ điển để tiết ra dòng sữa tinh túy. …  Bò sữa vốn dĩ rất nhạy cảm, chỉ cần một tác động nặng lời, hoảng sợ, lo âu là ảnh hưởng tới chất lượng, số lượng sữa. Ở trang trại TH, bò luôn được chăm bẵm được tắm mát, được nghe nhạc cổ điển.

Chính vì sự hoàn mỹ đó, hương vị của dòng sữa tươi sạch TH luôn đặc biệt, không thể lẫn với bất cứ loại sữa nào mà không được chăm chút như thế. Cùng với đó, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, bất cứ sai sót nhỏ trong quá trình vận hành cũng sẽ được phát hiện; các yếu tố chi phí, giá thành, chất lượng, sản lượng sữa luôn luôn được kiểm soát một cách chặt chẽ.

Sau Nghệ An, Phú Yên, Hà Giang, thì dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô công nghiệp tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình (Nông Cống, Thanh Hóa) chính là bước tiếp theo của lộ trình tạo dựng bản đồ sữa TH trải dài theo đất nước, để tới năm 2025, tổng đàn bò trang trại tập trung của tập đoàn TH ở Việt Nam sẽ đạt 200.000 con.

“Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”

Nhưng con đường của một doanh nghiệp bao giờ cũng phải là đồng hành cùng đất nước, cùng Chính phủ. Và trong quá trình phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa, tập đoàn TH sẽ không đi một mình.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương “hành động quyết liệt vì nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, hướng về tiêu dùng, xuất khẩu để nông dân nước ta, doanh nghiệp nước ta về nông nghiệp khá hơn, giàu hơn”.

Những năm qua, Chính phủ đã có chủ trương đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới theo đường chính ngạch, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cuối tháng 4/2019, hai nước đã ký Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, đây là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sữa tươi sang thị trường sữa lớn nhất thế giới này.

Tập đoàn TH là doanh nghiệp sữa đi đầu trong việc xúc tiến và triển khai các hoạt động xuất khẩu sữa tươi chính ngạch vào Trung Quốc từ rất sớm. Ngày 25/4, tập đoàn TH đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược phát triển thị trường với đối tác Wuxi Jinqiao International Food City (đơn vị sở hữu trung tâm đầu mối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc) về phân phối các sản phẩm sữa tươi sạch mang thương hiệu TH true MILK tại Trung Quốc.

Theo thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, năm 2008, sau vụ bê bối sữa nhiễm Melamine, Chính phủ Trung Quốc siết chặt những quy định, quy chuẩn về sản xuất, sản phẩm sữa, cũng như các bài kiểm tra an toàn, hệ thống pháp luật quản lý chất lượng sản phẩm sữa. Đến nay, các quy định, quy chuẩn này của Trung Quốc được coi là chặt chẽ nhất thế giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc một cách hiệu quả bảo đảm rằng các sản phẩm sữa có thể được truy xuất tới nhà sản xuất sữa và các trang trại bò sữa. Bộ khuyến cáo, doanh nghiệp và ngành sữa Việt Nam cần phải tổ chức lại sản xuất chăn nuôi bò sữa theo chuỗi khép kín, kiểm soát được an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Với mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín công nghệ cao tại trang trại TH và hợp tác với nông dân thông qua mô hình Hợp tác xã công nghệ cao, có thể thấy tập đoàn TH đang là doanh nghiệp đi đầu triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị định thư đã ký tại Trung Quốc.

Sữa tươi trang trại của TH từ ngày đầu tiên đã đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng được tiêu chuẩn để xuất khẩu ra các thị trường khắt khe. Nhưng làm thế nào để ly sữa tươi của người nông dân Việt Nam cũng đạt được tiêu chuẩn đồng nhất?

Bà Thái Hương

Bà Thái Hương

Nỗi trăn trở ấy đã có lời giải đáp. Tập đoàn TH sẽ đưa người nông dân đồng hành, giúp họ tạo ra một ly sữa chuẩn hóa bằng cách áp dựng công nghệ cao (công nghệ điện toán đám mây, internet vạn vật) vào không chỉ mô hình nuôi tập trung, mà còn phát triển đến từng hộ nông dân, bằng cách thông qua hợp tác xã. Đây là bước đi tập đoàn TH đã thực hiện tại Đà Lạt, thông qua thương hiệu Dalatmilk, giờ đây là Thanh Hóa và tiếp theo là Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Củ Chi (TPHCM), Ba Vì (Hà Nội)... Cách làm này sẽ khởi xướng ra một một mô hình chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân để cùng nhau chiến thắng.

Với mô hình này, Dalatmilk sẽ triển khai lắp đặt chíp điện tử cho đàn bò của nông hộ. Thông qua hệ thống ăng ten thu phát, Dalatmilk có thể giúp nông dân theo dõi sức khỏe đàn bò thông qua máy tính hoặc smartphone, từ đó đưa ra những cảnh báo sớm về sức khỏe đàn bò, cảnh báo bệnh viêm vú trước 7 ngày, tình trạng đồng dục, tình trạng dinh dưỡng. Người nông dân cũng sẽ được Dalatmilk cung cấp giống, thú y, thức ăn và bao tiêu thu mua sữa tươi nguyên liệu để chế biến.

Mô hình HTX công nghệ cao đồng hành với người nông dân chính là bước đi của tập đoàn TH để hiện thực hóa chủ trương phát triển nền kinh tế nhưng “Không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Theo bà Thái Hương, dự kiến đến năm 2025, tổng số đàn bò sữa mà tập đoàn TH đồng hành cùng nông dân thông qua mô hình Hợp tác xã công nghệ cao sẽ đạt khoảng 200.000 con. Cùng với đó, tập đoàn TH cũng đặt mục tiêu mở rộng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung theo chuỗi khép kín lên 200.000 con; nâng tổng số đàn bò sữa mà tập đoàn TH quản lý và sở hữu lên 400.000 con, giúp Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thành mục tiêu phát triển đàn bò sữa 500.000 con theo Quyết định 124/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây là một hoạt động kinh tế quan trọng, góp phần trả lời câu hỏi về tái cơ cấu nông nghiệp với 3 nguyên tắc: Lựa chọn ngành hàng Việt Nam có thế mạnh, coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt để tổ chức ngành hàng hiệu quả và giải quyết nút thắt về sản xuất nông hộ nhỏ lẻ. Theo Bộ trưởng, sữa là một ngành hàng có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Hiện nay, ở khu vực châu Á, chúng ta đứng thứ 6 về sản lượng, đứng thứ 4 về năng suất.

Bộ trưởng tin tưởng Tập đoàn TH sẽ tiên phong trong chuỗi liên kết nông nghiệp, có bước phát triển đột phá, đồng hành cùng bà con nông dân, chính quyền địa phương trong sản xuất sữa chất lượng tốt phục vụ người dân trong nước và chinh phục thị trường thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho rằng, đây là một sự kiện thiết thực kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, một tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Đây được xác định là một trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn đồng hành, phối hợp với nhà đầu tư với trách nhiệm cao nhất, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính…Trước mắt, giải quyết tốt vấn đề cấp điện, nước, bảo đảm an ninh trật tự… để nhà đầu tư thực hiện dự án.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị nhà đầu tư đề cao trách nhiệm, tập trung huy động nguồn lực, thực hiện các giải pháp kỹ thuật, bảo đảm an toàn, tiến độ nhanh nhất, chất lượng cao nhất cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường để dự án phát triển bền vững.

Năm 2018, thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK chiếm khoảng 40% thị phần sữa tươi tại Việt Nam với hơn 70 loại sản phẩm, tăng trưởng sản lượng sữa tươi đạt hơn 22%, doanh thu tăng trưởng 30% với tổng doanh thu đạt hơn 7.000 tỷ đồng, mở rộng thị trường ra Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tập đoàn TH cũng đã hoàn thành mục tiêu “đưa ly sữa Việt Nam ra thế giới” với Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khi tham dự Lễ Khởi công Nhà máy chế biến sữa TH tại Kaluga, tháng 9/2018, từng phát biểu: “Dự án của Tập đoàn TH không chỉ góp phần tăng trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước, mà còn thể hiện sự sẻ chia, đồng hành cùng nước Nga phục hồi và phát triển nền sản xuất nông nghiệp đã từng đứng hàng đầu thế giới”.

Trước đó, tháng 5/2016, chứng kiến Lễ khởi công Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến giai đoạn 1 của Tập đoàn TH tại tỉnh Moscow, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việc triển khai Dự án tại tỉnh Moscow đã tạo dựng hình ảnh mới về hiệu quả và sự đa dạng của các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Nga”.

Ngoài chăn nuôi và chế biến sữa, TH cũng đầu tư các dự án sản xuất nông sản sạch, hữu cơ với thương hiệu rau và trái cây FVF, dự án bảo tồn và phát triển dược liệu sạch; các dự án sản xuất đồ uống thực phẩm khác. Tập đoàn TH đã xây dựng thương hiệu đồng bộ cho các sản phẩm như: sữa hạt cao cấp TH true NUT, thức uống thảo dược TH true HERBAL; thức uống lên men từ mầm lúa mạch TH true MALT; nước uống tinh khiết TH true WATER

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top