Aa

Tập trung giảm chi phí cho doanh nghiệp

Thứ Ba, 15/03/2022 - 06:30

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,4% trong hai tháng đầu năm, là tín hiệu vui cho thấy nền kinh tế đang phục hồi.

Tuy nhiên, những tín hiệu này khó duy trì thành xu hướng lâu dài, trong bối cảnh chi phí sản xuất của doanh nghiệp đang tăng cao do tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất vẫn chưa phục hồi, trong khi căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến khó lường.

Sức ép chi phí tăng

Theo Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng địa chính trị Nga - Ukraine tới hoạt động xuất khẩu và đầu tư giữa Việt Nam với hai nước này là không nhiều. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nga, Việt Nam và Ukraine năm 2021 lần lượt là 7,14 và 0,72 tỷ USD; đầu tư hai chiều tính tới cuối năm 2021 lần lượt là 4 và 0,03 tỷ USD. So với quy mô xuất nhập khẩu và đầu tư của Việt Nam thì hai thị trường này chiếm tỷ trọng không lớn. Tuy nhiên, xét riêng trong một số ngành nghề, lĩnh vực, thì lại có những ảnh hưởng trực tiếp không nhỏ.

Điển hình là kim ngạch nhập khẩu than đá, sắt thép, và phân bón các loại từ Nga về Việt Nam chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng giá trị nhập khẩu để phục vụ sản xuất trong nước. Cụ thể, giá trị nhập khẩu than đá từ Nga là 527 triệu USD (chiếm 14,2% trong tổng giá trị nhập khẩu), sắt thép là 488 triệu USD (chiếm 6,1%), phân bón là 144 triệu USD (chiếm 15,2%).

Giá nguyên vật liệu, chi phí kho bãi, vận chuyển đều tăng cao đang gây nhiều áp lực lên doanh nghiệp

Tác động gián tiếp chiến sự trên thế giới là vấn đề đáng lo ngại hơn trong bối cảnh hiện nay. Căng thẳng leo thang kéo theo các biện pháp trừng phạt đã làm giá năng lượng và nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất tăng mạnh và bất thường, khó dự đoán trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, giá xăng dầu đã tăng tới 4 lần tính riêng trong hai tháng đầu năm 2022, với mức tăng khoảng 10,2 - 11% tùy loại.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, nhận định, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm khoảng 37% trong tổng chi phí nguyên vật liệu sản xuất toàn nền kinh tế. Khi giá dầu tăng làm tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất. Năm 2021, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và có sự ảnh hưởng đối với giá thành sản phẩm, dịch vụ. Một số ngành chịu ảnh hưởng lớn hơn do có chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn như vận tải, hóa chất, phân bón, sản xuất nhựa…

Giá xăng dầu tăng khiến các mặt hàng tiêu dùng tăng giá theo dẫn tới việc người dân tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” chứ chưa thể chi tiêu xông xênh trở lại như dự báo.

Cũng theo Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nga là quốc gia sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng có tính chiến lược, có thị phần lớn trên thế giới như dầu mỏ, than đá, khí đốt, lúa mỳ, phân bón, nhôm và nhiều kim loại quý cho sản xuất thiết bị công nghệ cao. Khi giá dầu tăng và các biện pháp trả đũa được thực hiện, sẽ khiến giá cả nhiều loại hàng hóa khác trên thế giới cũng tăng mạnh do gián đoạn chuỗi cung ứng. Từ đó, sẽ làm giảm tốc độ phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong khi giá cả cao sẽ khiến lạm phát tăng. Lúc này tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam là sự sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chống chịu giữa hai sức ép. Một mặt, chi phí sản xuất tăng cao; mặt khác, sức mua trong nước chưa thực sự hồi phục, trong khi đơn hàng xuất khẩu có nguy cơ sụt giảm.

Cần nhiều chính sách thiết thực, mạnh mẽ hơn

Trên thực tế, tình trạng cầm cự để tránh việc tăng giá cũng đang diễn ra đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu. Theo phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng dệt may, da giày, thuỷ sản, đồ gỗ… giá nguyên vật liệu, chi phí kho bãi, vận chuyển đều tăng cao so với giữa năm 2021 đang gây nhiều áp lực lên doanh nghiệp.

Đầu tháng 3, bảy Hiệp hội Doanh nghiệp đã gửi thư kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và HĐND, UBND TP. HCM để kiến nghị về việc chưa triển khai thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP. HCM theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND. Các doanh nghiệp cho rằng mức phí dịch vụ theo Nghị quyết nêu trên khá cao, thời gian thu phí được áp dụng từ ngày 1/4/2022 là chưa hợp lý khi doanh nghiệp vừa mới bắt đầu phục hồi sản xuất.

Theo các chuyên gia, những diễn biến tiếp theo của giá xăng sẽ còn tiếp tục khó lường. Trong năm 2022, nếu giá xăng dầu tăng bình quân 30% - 40%, GDP cả năm sẽ giảm khoảng 1,2 - 1,5 điểm %, kéo theo đó làm giảm hiệu quả của các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đang triển khai, đặc biệt là chính sách cắt giảm 2% thuế GTGT nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát. Vì vậy, đây là lúc cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đã và đang tiến hành áp dụng nhiều chính sách thiết thực như giảm thuế GTGT, chuẩn bị giảm thuế môi trường cho mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên các chính sách này cũng cần được thực hiện mạnh tay hơn.

Điển hình là đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và mỡ nhờn từ 1/4 tới hết năm 2022. Theo VCCI, đây là phương án tích cực, nhưng các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng việc giảm thuế cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn. Lý do, giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

VCCI khuyến nghị cần cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.

“Giải pháp này cũng khả thi khi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách hai tháng đầu năm 2022 rất khả quan”, đại diện của VCCI nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top