Aa

Techcombank không thể im lặng!

Thứ Năm, 25/10/2018 - 18:00

Câu chuyện một gia đình nông dân ở tổ dân phố 4 thuộc làng La Khê ở quận Hà Đông (TP. Hà Nội) vay ngân hàng Techcombank 300 triệu đồng, sau đó 4 năm đã phải ôm cục nợ một cách oan ức đến 4,4 tỷ đồng (như Reatimes đã đăng trong tuyến bài "Bẫy giải ngân" khiến người dân kiệt quệ) cho thấy đây là một hiện tượng bất thường với một thương hiệu khá nổi danh trong hệ thống ngân hàng nước nhà.

Tôi có dịp may mắn từng làm chủ biên cuốn Kỷ yếu Techcombank sau 15 năm thành lập, và từ đó đã từng khâm phục một đội ngũ doanh nhân trẻ dũng cảm dựng nên một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Tôi cũng là người bạn quen biết của Tổng giám đốc Techcombank lúc bấy giờ là anh Nguyễn Đức Vinh và đã có những cuộc phỏng vấn, trao đổi và chia sẻ bổ ích.

Chính vì thế, tôi vẫn thường theo dõi những bước đi của Techcombank và những ngân hàng tư nhân cùng trang lứa sinh ra trong thời buổi vô cùng khó khăn đầu những năm 90 của thế kỷ trước để gửi vào đó một niềm tự hào về đội ngũ doanh nhân Việt và hy vọng về tương lai của họ.

Tôi cũng biết năm nay là kỷ niệm 25 năm thành lập của Techcombank và kết quả kinh doanh của họ vẫn khá ấn tượng. Chẳng hạn, theo con số mới đây của 9 tháng đầu năm 2018, thu nhập hoạt động lũy kế 13.294 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.  Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng giảm từ 53% xuống 48%. Trong 3 quý của năm, lợi nhuận trước thuế là 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Techcombank đang trên đà đạt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34,17%, đi trước so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Việc Techcombank chủ động giảm tỷ lệ này xuống dưới 40% trước 1/1/2019 là để ngân hàng đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng một cách liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn của cơ quan quản lý...

Đấy, ở một thương hiệu như thế, lãi nghìn tỷ như thế mà lại tham gia vào một vụ “chèn ép” người nông dân già khốn khổ có tên là Nguyễn Thị Tố kia, sao lại không phải là hiện tượng bất thường?

Câu chuyện dài dòng nhưng có thể tóm tắt như sau: Tháng 4/2014, gia đình bà Tố có mảnh đất mặt đường ngót 900m2 được ngân hàng định giá gần 20 tỷ đồng. Do có nhu cầu vay vốn 300 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa nhưng không biết cách tiếp cận với ngân hàng nên đã qua khâu trung gian là nhờ Công ty TNHH Đầu tư XNK Phúc Khang vay hộ từ ngân hàng Techcombank, có cam kết thế chấp sổ đỏ của gia đình. Công ty TNHH Đầu tư XNK Phúc Khang đã lợi dụng sự ủy quyền này để “vay ké” lên thành 2,6 tỷ đồng. Chỉ sau 2 tuần, vẫn trong tháng 4/2014, khi gia đình bà Tố biết chuyện này và khiếu nại lên các bên có liên quan, trong đó có cả đại diện của Techcombank.

Lập tức biên bản được thành lập, có chữ ký của cả 3 bên liên quan, có cam kết... Tuy nhiên, đến nay, mọi việc vẫn y như cũ, lãi mẹ đẻ lãi con, và số nợ của gia đình bà Tố đã lên tới 4,4 tỷ đồng.

Reatimes đã đăng 2 kỳ về vấn đề này theo thư phản ánh của bạn đọc. Tôi cho rằng, với một thương hiệu lớn như Techcombank, nếu im lặng trước sự việc này quả là việc làm đáng xấu hổ.

Bởi lẽ thứ nhất, ngay sau 2 tuần, giới lãnh đạo của Techcombank đã biết hợp đồng vay vốn này là có rủi ro về pháp lý nhưng đã không có biện pháp ngăn chặn và nhanh chóng kết thúc. Techcombank cũng biết đối tượng bị hại là những người nông dân thiếu hiểu biết, đang bị kẻ khác lợi dụng để trục lợi nhưng vẫn thờ ơ, lạnh lẽo. Tôi tin rằng đây không thể là những giá trị văn hóa và đạo đức cốt lõi trong kinh doanh của ngân hàng này. Bởi lẽ, nếu như vậy, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: những đồng tiền lãi khổng lồ hằng năm kia của Techcombank chẳng lẽ lại kết tinh từ những nỗi đau khổ của người khác?

Theo luật thừa kế, mảnh đất ấy là của chung cả 5 người con chứ không riêng gì bà Tố. Mà trong bản thế chấp tài sản kia lại không thể hiện ý chí của bất cứ người con nào. Thử hỏi, liệu Techcombank có đủ sức mạnh để kê biên một tài sản chung của 6 người trong khi chỉ có một người gây lỗi?

Lẽ thứ hai, tôi cho rằng bản hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba kia không hợp pháp, nó có thể bị vô hiệu hóa trước pháp luật bởi người chủ mảnh đất này không hoàn toàn thuộc về bà Tố. Theo trình bày của gia đình, chồng bà Tố đã mất cách đây 30 năm, không để lại di chúc. Theo luật thừa kế, mảnh đất ấy là của chung cả 5 người con chứ không riêng gì bà Tố. Mà trong bản thế chấp tài sản kia lại không thể hiện ý chí của bất cứ người con nào. Thử hỏi, liệu Techcombank có đủ sức mạnh để kê biên một tài sản chung của 6 người trong khi chỉ có một người gây lỗi?

Tiếp nữa, khách vay trực tiếp của Techcombank là Công ty TNHH Đầu tư XNK Phúc Khang. Theo gia đình cho hay, công ty này hiện nay đã “biến mất”. Nếu quả như vậy, vụ này có được đưa ra Tòa thì Techcombank cũng khó lòng đòi được số tiền của mình nếu cứ chăm chăm nhìn vào một tài sản không hoàn hảo của bên thứ ba.

Chính vì thế, tôi hy vọng với bề dày kinh nghiệm xử lý nợ xấu, Techcombank hoàn toàn có thể đưa ra phương án” ít xấu nhất” để giải quyết vụ việc này có lý, có tình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top