Aa

Tết quê cổ tích

Thứ Năm, 07/02/2019 - 06:01

Những cái Tết quê đọng lại thật đầy trong ký ức. Làng xóm vào tiết đông cuối năm hanh hao nhưng đã phảng phất mùi Tết. Gọi mùi Tết vì lúc ấy quả thật trong tâm tưởng của những đứa trẻ đã xuất hiện không gian Tết dần hiện ra.

Cổ tích là nói đến những Tết quê xửa xưa đã một đi không trở lại nhưng vẫn vẹn nguyên nằm mãi trong tâm khảm mỗi người. Trong đó thời gian chỉ là một nhẽ, cái chính là sự thay đổi về cả hình thức lẫn tinh thần Tết. Bây giờ, Tết của thời hiện đại đã khác xa không như những gì của Tết ngày xa xưa nữa và làng quê cũng thay đổi rất nhiều.

Lớp người sinh ở thập niên năm mươi như chúng tôi có một tuổi thơ vô cùng đặc biệt. Đó là những đứa trẻ thành phố phải về quê sơ tán khi chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Nói tuổi thơ đặc biệt bởi khác hẳn với những đứa trẻ quê nguyên gốc, chúng tôi phải chấp nhận một cuộc sống biệt lập xa bố mẹ và phải dấn vào những trải nghiệm lạ lẫm trên mọi phương diện ở một vùng quê dù là cốt tử của mình nhưng lại bội phần bỡ ngỡ.

Làng quê tôi sơ tán năm 1964 ở vùng chiêm trũng Hà Nam chỉ cách thị xã Phủ Lý có vài cây số đường chim bay. Đây là quê ngoại của tôi. Về sơ tán, mấy anh em chúng tôi ở với bà ngoại lúc đó đã khá già. Thời đó nông thôn đa phần lạc hậu và đặc biệt là rất nghèo. Làng Quỳnh nguyên mẫu sau này trong các sáng tác cả văn học lẫn truyền hình tôi đều gọi chệch là làng Kình cũng hệt như các làng quê khác trong vùng. Nghèo đến mức đến cái chợ làng cũng không có. Mọi vật dụng thiết yếu dân làng đều phải đi các chợ lớn trong vùng như chợ Đầm hoặc chợ thị xã sơ tán dạt ra ngoại vi.

Bấy giờ, tôi lên 8 tuổi nhưng đã trong vai trưởng, chỉ huy 2 thằng em ngỗ ngược. Trẻ Hà Nội nổi tiếng nghịch ngợm và cũng thông minh đến mức láu cá trong mọi sự thích nghi với đời sống nông thôn. Rất nhanh, anh em chúng tôi hòa nhập vào môi trường mới. Cái khổ nhất của những đứa trẻ sơ tán ngoài miếng ăn, cái mặc là nỗi nhớ nhà. Nhớ Hà Nội, trường học, đường phố, bạn bè, gia đình nhớ bố mẹ kinh khủng. Bận làm việc phải lâu lâu anh em tôi mới được bố mẹ về thăm. Mỗi lần như vậy là một lần hạnh phúc tràn ngập. Thỏa được nỗi nhớ và hơn thế được tiếp tế đủ thứ. Mỗi lần Tết là mấy anh em mong ngóng chờ bố mẹ về. Khi phát hiện ra bố mẹ ở đầu làng là cả lũ chạy túa đón. Thật vui. Chỉ ngày Tết mới có được trọn vẹn niềm vui đủ đầy gia đình như vậy.

Những cái Tết quê đọng lại thật đầy trong ký ức. Làng xóm vào tiết đông cuối năm hanh hao nhưng đã phảng phất mùi Tết. Gọi mùi Tết vì lúc ấy quả thật trong tâm tưởng của những đứa trẻ đã xuất hiện không gian Tết dần hiện ra. Cái mùi không định được ở khứu giác nhưng rõ ràng là có. Con trẻ ngửi rất nhanh ra những thay đổi. Đầu tiên là cái cửa hàng mua bán hợp tác xã nằm ở chếch mé ngoài đình. Nơi đây tập trung toàn bộ mọi nhu cầu cho xã viên những đồ thiết dụng theo chế độ phân phối, cung cấp. Từ dầu lửa, vật dụng sinh hoạt như bấc đèn, đá lửa, pin, xoong nồi, săm lốp xe đạp… đến nhu yếu phẩm như thuốc lá, bánh kẹo. Bắt đầu từ cuối năm dương cửa hàng đã chuẩn bị nhập hàng Tết về. Tôi cùng cánh trẻ phồng cánh mũi hà hít từ xa khi nhìn những chồng bánh nướng bọc giấy nâu nhoáng mỡ. Đó là bánh nướng đặc trưng loại 5 hào nhân thịt và 2 hào nhân thường. Đây chỉ là tiêu chuẩn thêm dành cho Tết chứ loại bánh này có bán quanh năm ở những dịp lễ như Quốc khánh hay Tết thiếu nhi Trung thu.

Khoảng giữa tháng chạp âm là hàng phân phối cho Tết dồn dập về. Những phong bánh khảo bọc giấy bóng kính trắng mờ ảo gợi trí tưởng tượng khiến cho mọi đứa trẻ nước miếng đều tứa bủm chân răng. Kẹo, trà, thuốc lá đặc biệt là những hộp mứt tết bìa hộp vẽ màu nguệch ngoạc nhưng hấp dẫn. Những bó lá dong cũng được nhập về xếp chồng ngoài ô cửa tò vò của cửa hàng mua bán. Nhưng có lẽ món hàng Tết đặc biệt nhất tôi cùng đám trẻ háo hức trông đợi là pháo. Những bánh pháo tép xinh xắn bọc giấy bóng kính hồng điều có vẽ hẳn dây pháo tép quả xua xít túa ra hai bên nom đặc biệt kích thích. Nói không ngoa khi chúng tôi nhìn thấy hộp mứt và bánh pháo thì không khí Tết đã tràn ngập ngôi làng nhỏ.

Những phong bánh khảo bọc giấy bóng kính trắng

Những phong bánh khảo bọc giấy bóng kính trắng

Những hàng hóa dành cho Tết sẽ chính thức được bán phân phối đến từng hộ gia đình sau lễ ông Công ông Táo 23 Tết. Lúc đó hợp tác xã cũng tiến hành song song phân chia những mặt hàng thực phẩm cho xã viên. Trại chăn nuôi của HTX tấp nập mùa thu hoạch. Các hộ gia đình cũng tíu tít cho lợn xuất chuồng theo nghĩa vụ cho ngành thương nghiệp. Tất nhiên, phần thịt dành cho Tết có tem phiếu định sẵn sẽ bổ lại theo tiêu chuẩn. Những phiếu này khi cân lợn nghĩa vụ sẽ được bổ lại để dành cho Tết hoặc các dịp giỗ chạp. Các hộ được dồn tiêu chuẩn phiếu thịt gom vào để đụng nhau một con lợn của gia đình nào đó trong diện nghĩa vụ. Thường thì phải 29 Tết mới mổ lợn để gói bánh chưng và dồn thịt cho ngày Tết khỏi thiu.

Ngoài thịt, HTX còn tổ chức tát ao, đầm để chia cá cho xã viên. Đây là những ngày hội của cánh trẻ. Bằng mọi cách lũ chúng tôi kiểu gì cũng ăn cắp được vô khối cá khi ao, đầm cạn. Cánh bảo vệ rặt người làng và cũng không lại được với đám trẻ ma lanh. Có cá, tôi và mấy thằng nghịch ngợm nhất làng còn nghĩ ra cách mang đi chợ Đầm bán lấy tiền ăn phở mậu dịch và đánh đáo.

Trò chơi thì đủ nhưng những ngày này hội pháo đất đắt khách. Nhớ mãi câu “pháo nổ pháo nang cả làng chịu chưa”. Sau đó là dàn pháo nổ bùm bụp vui tai phải biết. Đứa có pháo nổ to đầy hãnh diện. Đám trẻ chểnh mảng việc học dồn hết thời gian chơi. Khăng, đáo, quay… đủ hết. Trò chơi tôi mê nhất là đánh đáo ăn tiền. Tiền xu các loại được trưng dụng. Đồng cái đúc bằng chì. Tôi có năng khiếu nên đánh rất mả, xơi được của bọn trẻ làng vô khối tiền. Bởi thế nên những ngày Tết túi tôi nặng xệ một bên vì chật… tiền xu.

Ngày áp Tết 29 lợn kêu eng éc khắp làng. Bếp các nhà đồng loạt tỏa với đủ hương vị ngào ngạt. Những người công tác xa lục tục về quê ăn Tết. Bà ngoại, cậu mợ tôi tất bật làm thịt, gói bánh, dọn dẹp nhà cửa. Không khí Tết đã thật sự về. Bữa ăn không còn như ngày thường mà có cá, có thịt. Bàn thờ bày ngũ quả, bánh, mứt, pháo, trà, thuốc lá hoa hết mắt mũi. Và vào thời khắc đó bao giờ anh em chúng tôi cũng ngóng về phía đầu làng. Thường thì ngày 30 bố mẹ tôi mới về. Quà Tết là quần áo mới và tiền mừng tuổi. Tết đầu tiên sơ tán, mỗi anh em chúng tôi được cái áo bông xanh sĩ lâm và chiếc quần ka ki túi nổi là hàng viện trợ.

Đêm 30 Tết đón giao thừa chúng tôi cố thức để đợi xem đốt pháo nhưng thật thì chả mấy đứa thức được toàn bị thiếp đi ngủ sớm. Có lẽ thương cháu ngoại nên bà tôi sáng mồng một mới đốt pháo mừng năm mới. Tôi lớn hơn đám trẻ trong nhà được vinh dự châm đốt. Cảm giác của lần châm pháo ấy còn run rẩy đến tận bây giờ.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, những đứa trẻ năm nào cũng đã lên ông, lên bà nhưng cái Tết quê xa xưa ấy vẫn hằn trong tâm khảm. Với những đứa trẻ thành phố sơ tán, Tết quê là những ngày thật hạnh phúc. Giờ thì Tết đã hiện đại, làng quê cũng đã giầu lên không còn nghèo khó. Những Tết quê xưa chắc chắn không còn hiện diện trước những đứa trẻ hôm nay. Điều đó cũng là nhẽ bình thường của quy luật đời sống. Với riêng tôi, mỗi khi Tết về bao giờ tôi cũng bồi hồi nhớ lại cái Tết xưa giờ đã trở thành cổ tích./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top