Aa

Ai đi đụng lợn ăn tết không...

Chủ Nhật, 03/02/2019 - 06:01

Nơi tôi sinh ra và lớn lên vốn là một làng cổ của vùng Kinh Bắc. Làng có nhiều tục lệ mà khi nay nhớ lại thấy bâng khuâng. Ngày chưa xa mỗi dịp tết đến thường có tục đụng lợn ăn tết.

Ngày ấy nuôi lợn không có cám tăng trọng như bây giờ, nên nuôi được một con lợn thịt khá lâu. Lợn thường được nuôi bằng các thức ăn thừa, cám gạo, bã rượu... nấu với rong bèo vớt ở các ao đầm. Có khi nuôi cả năm mới được một con lợn thịt. Gần tết, các nhà hàng xóm, hoặc là họ hàng gần gũi trong làng hay rủ nhau đụng một con lợn. Thịt ra chia phần về ăn tết. Thường thì độ bốn nhà chung một con. Con to có thể tới tám nhà. Rất ít khi hai nhà xẻ thịt một con. Còn nhà nào mà mổ nguyên con lợn ăn tết thì ấy là một sự kiện lớn của làng, thường chỉ có nhân dịp tết mà khao thượng thọ bố mẹ, ông bà hoặc một việc đại hỉ nào đó. Còn thì chỉ là đụng một góc, một phần con lợn để ăn tết mà thôi.

Các nhà đụng lợn sẽ trả dần cho nhà chủ bằng thóc hoặc bằng tiền thì tùy thỏa thuận. Nhưng đến mùa gặt hái thu hoạch mới phải trả hết. Mà nếu khó khăn chưa trả được thì gia chủ cũng chẳng lấy thế làm điều. Bởi thế làng tôi, các nhà gia cảnh có giàu nghèo khác nhau nhưng năm hết tết đến, hầu như nhà nào cũng vẫn có đủ lệ bộ: "bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ"... Có lẽ cái câu ca dao, “Số cô chẳng giàu thì nghèo/Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà” là ở quê tôi mà ra chăng?

Con lợn đụng thường được thịt trước tết một hai hôm. Bởi còn để lấy thịt gói bánh chưng. Và chế biến những món cổ truyền như giò lụa, chả quế, thịt đông. Những hôm giáp tết làng tôi rộn rã hẳn lên. Đầu làng cuối xóm vang lừng tiếng eng éc của những chú ỉn sắp bị chọc tiết. Tiếng người lớn gọi nhau. Tiếng trẻ con nô đùa í ới. Vui lắm. Đàn ông các nhà tay dao tay thớt, chọc tiết cạo lông, mổ xẻ, làm lòng rồi phân chia phần nào ra phần ấy. Các bà các chị lăng xăng đun nước, nhặt hành răm rau thơm, rang lạc để làm dồi.

Bọn trẻ con chúng tôi thì loăng quăng bên cạnh đợi lấy cái đuôi và cái bong bóng của con lợn, làm sạch, cho vào nồi nước luộc lòng, đợi cho vừa chín tới rồi vớt ra chia ăn trước với nhau. Ưu tiên những đứa bị tật ngủ nghiến răng được ăn miếng to bong bóng lợn. Chả là làng tôi vẫn lưu truyền cái mẹo chữa tật ngủ nghiến răng trèo trẹo của trẻ em, bằng cách cho ăn bong bóng lợn luộc chín! Sau này lớn lên tôi đi học nghề thuốc, đọc mãi cũng chả thấy sách nào nói về cách chữa tật nghiến răng bằng cách ăn bong bóng lợn. Thế nhưng dân làng tôi vẫn cứ một mực cho rằng đó là cách chữa hiệu quả nhất...

Ngày Tết, các gia đình thường trữ hũ dưa hành để ăn kèm với bánh chưng, thịt mỡ và nhiều món ngon khác...

Ngày Tết, các gia đình thường trữ hũ dưa hành để ăn kèm với bánh chưng, thịt mỡ và nhiều món ngon khác...

Thường thì đến gần trưa hôm đó là mọi việc chia chác đã xong. Nhà nào cũng có đủ món: Thịt nạc, thịt mỡ, xương, chân giò... Lòng thì đã luộc chín, cắt khoanh ra chia đều. Miếng gan miếng thủ nhà nào cũng có đủ vị. Các tay đàn ông làng tôi rất thạo việc này. Băm xương chặt thịt nhanh như múa, phần nào phần ấy đều tăm tắp như máy chia. Vừa làm các ông ấy vừa tán chuyện ran tính tình. Nghe chuyện các ông bọn trẻ con chúng tôi chả hiểu gì mấy. Thế nhưng, các bà, các chị đang xúm quanh phụ việc thỉnh thoảng lại thấy rúc vào vai nhau cười khúc khích và má thì đỏ bừng lên đến lạ.

Vùng quê tôi xưa có tục nếu là cơm bữa hàng ngày thì thường do đàn bà nấu nướng. Thế nhưng, những bữa cỗ to như cưới xin, ma chay, những ngày lễ trọng thì lại do đàn ông làm cỗ là chủ yếu. Lúc ấy, các bà lại chỉ đóng vai phụ bếp và rửa bát đĩa! Tôi cũng không hiểu sao lại có tục này. Nhưng cho đến khi lớn lên, đi học rồi ra khỏi làng tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh bố tôi đi làm cỗ cùng các ông trong làng mỗi khi đám xá. Mỗi buổi đụng lợn tết hàng năm cũng vậy. Đến trưa là bố tôi bê mâm thịt phần về nhà. Đậy kín treo lên xà nhà. Ông thường mang phần lòng chín mới được chia xuống thái miếng bày ra các đĩa. Một đĩa thường có đủ thứ: lòng dồi, lòng non, vài lát dạ dày, vài lát gan thái chéo trên rắc thêm ít nhánh mùi xanh nõn, thơm nức.

Thực thà mà nói, cái món lòng lợn nóng vẫn là khoái khẩu của những tay tửu đồ như tôi. Món này hình như phổ biến toàn quốc và có nhiều chỗ làm ăn ngon. Cơ mà cái cảm giác, mùi vị ngon lành ngọt ngào thơm tho khi gắp miếng lòng, miếng gan nóng hổi cho vào miệng những trưa cuối năm vừa đi đụng lợn về thì tôi không còn gặp nữa. Có lẽ, đó là ký ức sâu thẳm của những ngày xưa thiếu thốn khi quanh năm chỉ được vài bữa ngon chăng? Những bữa trưa đó bố tôi thường nhâm nhi chén rượu. Một chén thôi. Đủ để thơm miệng như lời ông nói. Bởi chiều còn pha phần thịt của nhà. Ba chỉ làm mỡ bánh. Xương chân giò nấu đông nấu măng. Thịt nạc làm giò chả. Mỡ lá rán lấy mỡ nước đổ vào âu cất đi để nấu nướng dần...

Bắc Ninh - Kinh Bắc quê tôi có nhiều tập tục. Cả phong tục và hủ tục. Ngày nay trong thời buổi văn minh hóa, nhiều tập tục xưa cũ đã mai một và dần mất đi. Cái tục đụng lợn ăn tết cũng hầu như đã biến mất. Cũng không biết nên buồn hay vui. Có điều năm hết tết đến xuân về, mỗi lần về quê đi trên con đường làng dưới trời mưa bay lất phất, không còn nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc, thấy xuân như thiêu thiếu cái gì. Có phải là tôi đã trở nên hoài cổ quá rồi chăng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top