Hôm nay (16/2, tức 5/1 âm lịch), ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đã và vẫn phải tiếp tục vào cuộc như trong “thời chiến” quyết liệt phòng chống đại dịch COVID-19, vừa quan tâm, chăm lo cho người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Xuyên Tết phòng chống đại dịch
Nước ta sau khi đi qua 2 làn sóng lây nhiễm đang bước vào làn sóng thứ 3. Làn sóng lây nhiễm thứ 1 đạt đỉnh ngày 2/4/2020, với 158 người được điều trị. Làn sóng lây nhiễm thứ 2 đạt đỉnh ngày 17/8/2020, với 492 người được điều trị. Làn sóng thứ 3, bắt đầu 27/1/2021, tính đến hôm nay (16/2), Bộ Y tế cho biết, có 679 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó Hải Dương 501 ca, Quảng Ninh 59 ca, TP.HCM 36 ca, Hà Nội 34, Gia Lai 27 ca, Bình Dương 6 ca…
Những con số nêu trên cho thấy chưa bao giờ có đợt lây nhiễm trong cộng đồng COVID-19 lớn như đợt này. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương còn phức tạp, có khả năng còn kéo dài vì có 11/12 huyện của Hải Dương ghi nhận có người mắc bệnh. Nguy cơ cao nhất là tại huyện Cẩm Giàng có tới 60 nghìn công nhân, trong đó có công ty vừa ghi nhận 12 người mắc mới. Còn ở Hà Nội, tình hình khá phức tạp sau khi một người Nhật tử vong có SARS - CoV-2 trong mẫu xét nghiệm.
Trước Tết Nguyên đán, nhận thức sâu sắc về những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, chỉ ít giờ ngay sau khi mới phát hiện 2 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng (1 ca ở Hải Dương, 1 ca ở Quảng Ninh), chiều và tối muộn, ngày 27/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có liên tiếp hai cuộc họp khẩn với lãnh đạo Bộ Y tế và 2 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương. Sáng ngày 28/1, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, nơi đang diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng chống COVID-19.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các lực lượng chức năng nỗ lực khoanh gọn nhất, dập nhanh nhất, không để dịch lây lan rộng. Tiếp đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ (ngày 2/2) và nhiều phiên họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị các lực lượng chức năng phát hiện sớm hơn, hành động nhanh, quyết liệt hơn để dập dịch triệt để trong thời gian sớm nhất.
Chiều qua (ngày 15/2 tức mùng 4 Tết), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19. Thủ tướng nhấn mạnh phải đẩy cao hơn nữa trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Như vậy, đây là Tết thứ hai, Thường trực Chính phủ không có ngày nghỉ, phải làm việc liên tục, như trong “thời chiến” để phòng chống đại dịch COVID-19, bảo đảm cho người dân có Tết.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng chức năng cũng làm việc không ngừng nghỉ như trong “thời chiến”, nhiều y, bác sỹ tuyến đầu không về nhà ăn Tết, làm việc xuyên đêm để cố gắng cao nhất trong ngăn chặn dịch bệnh. Tại cuộc họp ngày hôm qua (15/2), Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, biểu dương các lực lượng phòng chống dịch làm việc xuyên Tết, không nghỉ.
Trong nhiều hình ảnh tốt đẹp, có hình ảnh nữ bác sỹ bệnh viện Bạch Mai bỏ lại việc gia đình, gửi con, tạm biệt chồng qua điện thoại, xung phong ở lại tâm dịch cho đến hết dịch, đã thực sự làm xúc động mọi người.
Tuy nhiên, trước những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất cách tiếp cận chống dịch mới, chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra; sớm nhập khẩu khoảng 5 triệu liều vaccine trong tháng hai này…
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Song song với việc phòng chống đại dịch COVID-19, thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2021 và Chỉ thị 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, các địa phương trong cả nước đã khẩn trương rà soát, nắm tình hình đời sống của người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đồng bào ở vùng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để hỗ trợ, tổ chức thăm hỏi kịp thời, bảo đảm tất cả các đối tượng chính sách đều có quà, được nhận quà, đón Tết vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn.
Cụ thể, 63 tỉnh, thành phố đã chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với số tiền gần 4.525 tỷ đồng. Thực hiện chuyển kịp thời quà của Chủ tịch nước đến 1,681 triệu người có công với cách mạng. Ngoài phần quà của Chủ tịch nước, các địa phương chủ động trích ngân sách tỉnh và nguồn vận động để tăng quà cho đối tượng chính sách, người có công, với mức quà bình quân dao động từ năm trăm nghìn đồng đến một triệu đồng/suất. Chính phủ đã hỗ trợ hơn 9.082 tấn gạo cứu đói cho 605.501 khẩu của 14 tỉnh…
Ngoài người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, các địa phương đã quan tâm hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, như Hà Nội đã trợ cấp, tặng 80.000 suất quà, 90.000 vé xe, hỗ trợ phương tiện, với tổng kinh phí 60 tỷ đồng, thành phố Hải Phòng hỗ trợ hơn 6,9 tỷ đồng; Quảng Ninh hỗ trợ trên 6,2 tỷ đồng tiền ăn thêm những ngày Tết cho trên 3.500 người đang bị cách ly y tế tập trung …
Nhìn lại những ngày Tết nguyên đán qua, điều đáng mừng là hàng hóa phục vụ người dân vui xuân, đón Tết rất dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, không có hiện tượng khan hiếm, thiếu hàng, tăng giá đột biến, giá cả ổn định trong cả dịp Tết.
Ngày mai, cả nước bước vào ngày vào làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền dân tộc trong trạng thái bình thường mới, khí thế mới, mong rằng để thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, mọi người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng chống đại dịch COVID-19; tập trung xử lý công việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu sau Tết Tân Sửu, nhất là những công việc còn tồn đọng do nghỉ Tết; cộng đồng các doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất; cán bộ, công chức, viên chức không tổ chức liên hoan, đi lễ hội trong giờ hành chính…