Aa

Thả nổi quảng cáo địa ốc, người mua lãnh đủ

Thứ Tư, 15/05/2019 - 14:20

Hàng loạt dự án địa ốc được quảng cáo chất lượng cao, hạ tầng hiện đại,... song thực tế khi người dân nhận nhà bị “vỡ mộng” vì dự án không như quảng cáo, dù đã có quy định về việc xử phạt.

Vỡ mộng khi nhận nhà

Trao đổi với phóng viên, chị Đặng Thị Vương Nga, cư dân tòa nhà HH2, chung cư Eco Lakeview cho biết, khi mua nhà tại dự án này, chị được tiếp cận với những lời quảng cáo “có cánh” của chủ đầu tư về chất lượng cũng như dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, khi nhận nhà, thì căn hộ thiếu diện tích, các dịch vụ như trông xe, an ninh, vệ sinh không xứng với đồng tiền bỏ ra, thậm chí chất lượng phòng cháy chữa cháy cũng có vấn đề.

Trước đó, trong nội dung quảng cáo, Dự án New Horizon City, 87 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được phối cảnh với màu sơn trắng nổi bật, nhưng đến giai đoạn hoàn thiện, chủ đầu tư là Liên danh Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà và Công ty cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) lại cho sơn màu vàng. Điều này khiến khách hàng không đồng ý.

Họ cho rằng, dù nội dung màu sơn không có trong hợp đồng mua bán, nhưng chủ đầu tư đã dùng nội dung sơn trắng để quảng cáo bán hàng, nên khách hàng yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đúng nội dung màu sơn như đã quảng cáo.

Cũng vấn đề này, tháng 3 vừa qua, theo tìm hiểu của phóng viên, khách mua nhà tại Chung cư The Golden Palm tại số 21 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phản đối và tố cáo một loạt vấn đề như: Quảng cáo sai sự thật, thiếu hụt diện tích, om quỹ bảo trì hàng chục tỷ…

Nhiều cò đất, đơn vị còn mượn danh ngân hàng để quảng cáo chào bán đất nền. Ảnh: Việt Dũng

Nhiều cò đất, đơn vị còn mượn danh ngân hàng để quảng cáo chào bán đất nền. Ảnh: Việt Dũng

Ngoài các dự án trên, thời gian qua trên địa bàn Hà Nội cũng xuất hiện nhiều quảng cáo một đường, thực tế một nẻo. Có dự án quảng cáo địa chỉ ở mặt đường chính, nhưng khi nhận nhà về ở, thì đường đi của dự án lại là đường phụ nhỏ hẹp.

Hay có dự án được quảng cáo nhiều tiện ích đẳng cấp, nhưng sau khi bán hết sản phẩm, người dân về ở, thì khu vực tiện ích lại được chuyển đổi công năng để xây dựng thành cao ốc,... khiến cư dân bức xúc. Chính những sai lệch giữa quảng cáo và thực tế này là nguyên nhân của nhiều vụ tranh chấp xảy ra ở các khu đô thị tại Hà Nội thời gian qua.

Không chỉ ở Hà Nội, việc dùng các mỹ từ có cánh để quảng cáo dự án bất động sản cũng xuất hiện tại nhiều thị trường khác, thậm chí quảng cáo ngay cả khi dự án chưa đủ điều kiện triển khai, chưa xác định được chủ đầu tư.

Đơn cử, Dự án Khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ (Việt Yên, Bắc Giang) do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn làm chủ đầu tư, được quảng cáo và nhận đặt cọc giữ chỗ khi chưa tiến hành xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, mặt bằng…

Quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hình sự

Nhằm xác định giá trị của nhà chung cư khi thực hiện quản lý hoặc giao dịch trên thị trường, ngày 30/12/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BXD quy định về phân hạng và công nhận nhà chung cư. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2017.

Các chuyên gia bất động sản, người mua nhà đều hy vọng, khi Thông tư 31 có hiệu lực sẽ điều chỉnh các hành vi quảng bá dự án gian lận, thổi phồng tiện ích dự án, sai sự thật của chủ đầu tư. Tuy nhiên, Thông tư chỉ quy định việc phân hạng chung cư áp dụng với những nhà chung cư đã hoàn thành, mà không áp dụng với những dự án bán nhà hình thành trong tương lai.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện nay trên thị trường, hàng loạt chủ đầu tư vì mục đích bán hàng nên luôn gắn mác “dự án cao cấp”, “dự án đẳng cấp quốc tế”… khi quảng cáo bán hàng. Tuy nhiên, khi người mua nhà vào ở mới thấy rõ những dự án cao cấp này hoàn toàn khác xa với thực tế.

“Nên ban hành quy định khi bán nhà hình thành trong tương lai, chủ đầu tư chỉ được phép giới thiệu những thông tin cơ bản nhất của dự án như vị trí, diện tích, tiện ích. Còn những danh xưng tự phong của chủ đầu tư như cao cấp, đẳng cấp, sang trọng thì hãy để người mua nhà đánh giá”, ông Châu khuyến nghị.

Ở góc độ luật pháp, Điều 8, Luật Quảng cáo 2012, quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Theo Điều 11, Luật Quảng cáo 2012, hành vi gian dối trong quảng cáo có thể bị xử lý hành chính, nếu vẫn tiếp tục hành vi vi phạm này thì căn cứ theo mức độ, tính chất có thể bị xử phạt hình sự.

Còn theo quy định tại Điều 51, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thì hành vi quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, kiểu dáng…; quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng…, có thể bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng.

Còn theo luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư Hà Nội), Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Như vậy, các quy định, chế tài về hành vi xử phạt quảng cáo sai sự thật đã rõ ràng, nhưng đến nay, theo ghi nhận của phóng viên, chưa có chủ đầu tư nào bị phạt vì vấn đề quảng cáo “nổ”, chỉ có người mua nhà là chịu thiệt thòi và ấm ức.

Vì vậy, trước khi quyết định mua bất cứ dự án nào, khách hàng không nên chỉ tin vào những lời quảng cáo, mà phải tìm hiểu kỹ dự án, uy tín chủ đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top