Aa

Thách thức trong thực thi gói hỗ trợ

Thứ Tư, 08/12/2021 - 06:30

Tìm nguồn cho gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế thực sự rất khó, nhưng có lẽ không quá khó so với những đòi hỏi trong thiết kế và thực thi các chính sách cụ thể.

Đây là vấn đề nổi lên rất rõ trong các đề xuất giải pháp của cộng đồng doanh nghiệp cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế trong 2 năm tới mà Chính phủ đang hoàn thiện. Chắc chắn có nguyên nhân từ hiệu quả chưa cao, tác động chưa thực sự đủ mạnh của các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã và đang được triển khai.

Trong những giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dành khá nhiều nội dung cho đề xuất nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền. Lý giải khá rõ, là những chủ trương và chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được ban hành gần đây được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, song tiếp cận không dễ.

Thực tế, các chính sách và quy định để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được thiết kế theo tâm lý sợ làm sai, sợ trách nhiệm nên đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, điều kiện… Rồi tình trạng cát cứ, mỗi bộ, ngành, địa phương hiểu, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ khác nhau. Chưa kể có chính sách được ban hành, nhưng chậm triển khai hay áp dụng theo kiểu máy móc, cứng nhắc…

Hệ quả của tình trạng này không chỉ là gây nên sự bất bình đẳng trong tiếp cận chính sách; gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp, làm tăng chi phí, tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ, mà còn khiến doanh nghiệp, người dân không thực sự cảm nhận được tinh thần hỗ trợ, sự chia sẻ, đồng hành với những khó khăn, thách thức mà những người đứng đầu đất nước đã cam kết suốt 2 năm qua, khi nền kinh tế chao đảo bởi tác động của Covid-19.

Quan trọng là với cách thực thi này, nguồn lực của nền kinh tế vốn không dồi dào không kịp thời đến được những điểm cần hỗ trợ, cần kích hoạt, nền kinh tế mất thêm chi phí cơ hội, lỡ nhịp phục hồi…

Tìm nguồn cho gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế để đảm bảo các yêu cầu đủ lớn, đủ dài thực sự rất khó

Vào thời điểm này, những giải pháp đang được đề xuất có nhiều điểm đặc biệt hơn, có thể chưa có tiền lệ, với quy mô rất lớn, diện thực hiện rộng, song lại phải đảm bảo được ổn định các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát…

Đặc biệt, lo ngại dòng tiền hỗ trợ không được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình mà chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng cũng như rủi ro đạo đức trong triển khai các gói hỗ trợ như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008 - 2009 đang nổi lên. Thực tế này khiến nhiều người sợ rủi ro, không dám đề xuất cách làm mới, thậm chí không dám thay đổi quy trình, thủ tục cho phù hợp với bối cảnh, xu thế mới của nền kinh tế.

Nếu không có những thay đổi thực sự đột phá trong thiết kế và thực hiện, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế trong 2 năm tới sẽ là một ẩn số.

Cộng đồng doanh nghiệp đang đặt niềm tin vào sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các bộ, ngành thuộc Chính phủ và Quốc hội. Các doanh nghiệp mong muốn có cơ chế rõ ràng trong đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kết hợp tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Dịch bệnh Covid-19 là hiện tượng bất thường, gây nên những tác động chưa thể lường hết, cần những giải pháp đặc thù để ứng phó thì cũng cần tư duy, cách thức thực thi đột phá tương ứng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top