Chỉ sau thông tin nguyên một Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM bị cáo buộc làm giả hồ sơ, giấy uỷ quyền để chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng VIP rồi bỏ trốn ra nước ngoài, hai phiên giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán đã “nuốt chửng” của Eximbank mất hơn 1.000 tỷ đồng.
Đó là chưa kể những thiệt hại liên quan đến giao dịch thường ngày và tiếp nữa trong tương lai.
Tôi có người bạn quen biết khá lâu là anh Lê Hùng Dũng, có một thời gian dài là Chủ tịch HĐQT của Eximbank. Chúng tôi cùng trong nhóm sáng lập ra Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) cách đây 25 năm.
Thời của Lê Hùng Dũng, Eximbank đã là một thương hiệu có tên tuổi, đạt được nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, như Tạp chí EuroMoney trao giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam năm 2014”, Tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực tài chính The Banker tiếp tục xếp Eximbank vào hạng Top 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới năm 2014...
Thế mà giờ đây, Eximbank lại dính vào vụ bê bối này quả là một thách thức không nhỏ.
Thực ra, việc nhân viên ngân hàng, trong đó có cả những nhân viên cấp cao, có chức sắc hẳn hoi, làm giả hồ sơ để chiếm đoạt tài sản của khách hàng đã xảy ra không ít, thậm chí con số còn “khủng” hơn nhiều, chẳng hạn như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Thế nhưng, việc xử lý khủng hoảng truyền thông của Eximbank lần này dường như có điều không ổn thỏa.
Mặc dù ngay sau khi thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Eximbank, chi nhánh TP.HCM được công khai rộng rãi trong công chúng, Tổng Giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết đã cam kết khi Tòa án có phán quyết Eximbank có trách nhiệm trả số tiền này thì ngân hàng sẽ trả ngay, nhưng dư luận khách hàng vẫn không đồng tình. Bởi lẽ rất đơn giản, Eximbank đã không nhận lỗi về mình mà dường như cố tình đẩy quả bóng trách nhiệm sang nơi càng xa càng tốt.
Có người đặt câu hỏi, phải chăng Eximbank đang trông chờ vào một “án lệ” của vụ đại án Huỳnh Thị Huyền Như, tức là ngân hàng cũng là bên bị hại? Nếu đúng như vậy thì theo tôi, đây có thể sẽ là sai lầm khá nghiêm trọng bởi hai lẽ:
Thứ nhất, mặc dù hành vi lừa đảo hai vụ việc có phần giống nhau là lợi dụng lòng tin của khách hàng để chiếm đoạt tài sản, nhưng ở vụ án Huyền Như, Tòa xác định trong chuỗi các hành vi gây ra hậu quả liên quan đến cụm từ Vietinbank đều là giả, từ con dấu đến con người. Vì thế, Vietinbank đã được coi là “ngoại phạm”. Còn trong vụ việc tại Eximbank, theo các thông tin chính thống cho đến nay, cả con dấu lẫn con người gây ra hậu quả trong vụ việc này đều 100% mang “thương hiệu Eximbank”. Vậy làm sao có thể trông cậy vào một” án lệ” ngoại phạm được?
Lẽ thứ hai, người bị hại lần này là bà Chu Thị Bình - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú - vừa là khách hàng VIP, vừa là khách hàng chung thủy và thân tín. Nay Eximbank lại thể hiện sự thiếu cầu thị, thiếu chia sẻ, thậm chí còn có thể coi là thiếu trách nhiệm thì làm sao giữ được lòng tin trong những khách hàng khác?
Chính vì lo lắng cho Eximbank bởi người bạn cũ Lê Hùng Dũng cùng với bao cộng sự trong nhiều năm mới gây dựng được một thương hiệu tầm cỡ quốc gia nên tôi viết bài báo này.
Hy vọng rằng, Eximbank sẽ có cách xử lý khôn ngoan, thấu tình đạt lý hơn. Còn nếu đợi đến khi Tòa phán xét rồi mới “ôi, biết thế...” thì đã quá muộn rồi!