Aa

Thái Nguyên: Báo cáo ngay khả năng giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Hai, 04/11/2024 - 16:13

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 còn chậm so với kế hoạch đề ra, tỉnh Thái Nguyên đang quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, đề xuất giải pháp xử lý, dự kiến thời điểm trình phê duyệt các dự án và khả năng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của cả năm.

Thái Nguyên: Báo cáo ngay khả năng giải ngân vốn đầu tư công- Ảnh 1.

Các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công 3 cây cầu lớn là Cầu vượt sông Công, cầu vượt QL.3 và cầu vượt đường sắt trên tuyến đường liên kết vùng. Ảnh: Mạnh Hùng

Báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, tổng thanh toán vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh đạt trên 58% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 37,3% kế hoạch vốn địa phương giao. Như vậy là chưa đạt mục tiêu kế hoạch giải ngân chi tiết các nhiệm vụ, chương trình, dự án theo từng nguồn vốn năm 2024 đã được tỉnh đề ra từ những tháng đầu năm.

Đáng chú ý, 14/28 chủ đầu tư đạt kết quả giải ngân thấp hơn bình quân của tỉnh, trong đó có 2 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn; 3 đơn vị cấp huyện có kết quả giải ngân thấp hơn mức bình quân chung.

Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, đối với các dự án chưa được phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, các đơn vị, địa phương phải báo cáo ngay tình hình khó khăn, vướng mắc để có hướng giải quyết. Cụ thể, yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo về dự án Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thông tin để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công an tỉnh báo cáo về dự án xây dựng 46 trụ sở làm việc của công an xã, thị trấn; UBND huyện Đại Từ báo cáo về dự án xây dựng Sân vận động huyện (giai đoạn 1), dự án xây dựng cầu An Long và đường kết nối tỉnh lộ ĐT.270 với ĐT.261.

Đối với những dự án có kết quả giải ngân thấp, người đứng đầu chính quyền tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu báo cáo khó khăn, đề xuất giải pháp và khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.

Theo đó, với các dự án có tiến độ giải ngân bằng 0% như: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư xóm Gò Cao, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ); Dự án hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Lục Giáp (TP. Phổ Yên); Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Nhà tù Chợ Chu (Định Hoá)…, chủ đầu tư phải chỉ rõ lý do chưa thể giải ngân, những khó khăn, vướng mắc nào gặp phải.

Với những dự án giải ngân chậm còn lại như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 1, Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên); Dự án bố trí ổn định dân cư tại chỗ vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở và lũ ống, lũ quét thuộc 6 xã của huyện Đại Từ; Dự án hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Điềm Thụy (phần diện tích 180ha); Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy - Khu A; Dự án xây dựng và mua sắm thiết bị cho Trung tâm Pháp y tỉnh; Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Thái Nguyên… cần phải đề xuất ngay giải pháp và dự kiến khả năng giải ngân kế hoạch vốn của cả năm.

Các đơn vị, chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thường xuyên, đột xuất và trực tiếp về UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo. Hằng tuần, các chủ đầu tư báo cáo tình hình, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn về Sở Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời tham mưu chỉ đạo giải quyết đối với từng dự án.

Như vậy có thể thấy, quý IV năm nay là thời gian nước rút để các dự án vốn đầu tư công của tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân. Việc một số dự án không thể về đúng kế hoạch năm 2024 là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, tỉnh Thái Nguyên đang cho thấy quyết tâm cải thiện tốt nhất nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn vẫn được xem là khó khăn, vướng mắc của hầu hết các địa phương trong cả nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top