Aa

Thái Nguyên: Loạt dự án lớn được chấp thuận đầu tư, bất động sản đô thị "đón sóng"

Thứ Sáu, 26/04/2024 - 06:00

Thị trường bất động sản Thái Nguyên đầu năm 2024 ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực với việc UBND tỉnh chấp thuận nhà đầu tư cho hàng loạt dự án lớn, trong đó phần lớn là các dự án đô thị, dân cư.

Loạt dự án nhà ở nghìn tỷ được mời gọi đầu tư

Sự xuất hiện của hàng loạt dự án mới tại địa phương luôn trở thành cơ hội của các nhà đầu tư lớn nhỏ. Trong năm 2023, Thái Nguyên có 19 dự án bất động sản được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích trên 466ha, tổng mức vốn đầu tư trên 24.000 tỷ đồng.

Tiếp đà phát triển năm 2023, trong quý I năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 4 dự án với tổng số vốn trên 1.000 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 6 dự án với vốn đăng ký gần 3.500 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án với số vốn gần 4.000 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 1 dự án khác. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên luôn tích cực mời gọi các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện loạt dự án.

Cụ thể, ngày 20/3, UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Đắc Sơn (khu số 1). Theo đó, đối với Khu đô thị Đắc Sơn, nhà đầu tư được lựa chọn sẽ phải huy động nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án theo quy định, trong đó vốn chủ sở hữu tối thiểu là 209,9 tỷ đồng, tương đương 15% tổng vốn đầu tư dự án.

Dự án này nằm tại phường Đắc Sơn, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư lên đến gần 1.400 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hơn 276 tỷ đồng.

Diện tích khu đất xây dựng khu đô thị là 292.075m2, trong đó đất nhà ở là 111.790m2. Hiện khu vực đề xuất thực hiện dự án là đất chưa giải phóng mặt bằng và chủ yếu là đất nông nghiệp. Hồ sơ mời gọi đầu tư được mở đến ngày 26/4/2024.

Trước đó 5 ngày, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cũng mời gọi các nhà đầu tư quan tâm đến dự án Khu đô thị Nam Thái có diện tích 194,5m2 tại phường Nam Tiến và phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên.

Được biết, dự án có tổng chi phí thực hiện lên đến 1.700 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 345,2 tỷ đồng. Sở cũng quy định thời gian hoạt động của dự án không quá 50 năm và tiến độ thực hiện kéo dài từ quý I/2024 đến hết quý IV/2028.

Thái Nguyên: Loạt dự án lớn được chấp thuận đầu tư, bất động sản đô thị "đón sóng"- Ảnh 1.

Thông báo mời quan tâm dự án Khu đô thị Nam Thái.

Cuối tháng 2/2024, Khu đô thị Tân Hương (khu số 1) thuộc địa bàn phường Đông Cao và phường Tân Hương, thành phố Phổ Yên cũng mời gọi sự quan tâm từ các nhà đầu tư có tiềm lực. Dự án này có diện tích sử dụng đất là 217,7m2 với mức đầu tư lên đến 1.311 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 201,3 tỷ đồng.

Được biết, đất thực hiện dự án được xác định đang là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do các tổ chức và hộ gia đình cá nhân quản lý, sử dụng; chưa bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, các dự án với mức vốn đầu tư hàng trăm tỷ cũng liên tiếp được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Trong số đó có dự án Khu đô thị số 4 xã Yên Lãng với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 214 tỷ đồng, Dự án Khu dân cư số 3 huyện Phú Bình có tổng mức đầu tư gần 306 tỷ đồng, quy mô dân số khoảng 2.300 người. Dự án Khu dân cư Đồng Danh tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương có tổng mức đầu tư là 145,4 tỷ đồng trên phần diện tích đất là 69.288m2. Trước đó, Dự án Khu đô thị số 3 xã Yên Lãng với tổng mức đầu tư 250,6 tỷ đồng cũng được UBND tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đây đều là những dự án có tổng mức đầu tư lớn và được kỳ vọng sẽ trở thành điểm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo của Thái Nguyên trong thời gian tới.

Chủ động thu hút đầu tư

Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh phát triển đồng bộ và toàn diện kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển công nghiệp toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Trong nhiều năm trở lại đây, các nhà đầu tư lớn nhỏ trong nước và nước ngoài luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thị trường bất động sản Thái Nguyên. Từ năm 2013 đến nay, Thái Nguyên nhanh chóng trở thành một trong những “cứ điểm sản xuất” của các nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc với với sự có mặt của Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Dongwha, Công ty Hansol Electronics,… Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng góp mặt tại Thái Nguyên như Vingroup, ASC Group, Indevco, TNG,…

Thái Nguyên: Loạt dự án lớn được chấp thuận đầu tư, bất động sản đô thị "đón sóng"- Ảnh 2.

Nhà máy điện tử SAMSUNG Thái Nguyên.

Về thu hút dự án đầu tư trong nước ngoài ngân sách, tính chung năm 2023, toàn tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 10 dự án với tổng số vốn lên đến 1.503 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn 16.989 tỷ đồng. Hiện nay, 875 dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực với số vốn đăng ký khoảng 173.357 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 211 dự án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đạt 10,72 tỷ USD. Nhìn lại kết quả của hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2023, Thái Nguyên ghi nhận nằm trong Top các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao trên bình quân chung cả nước.

Để đạt được thành công ban đầu như trên, tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư. Với việc thông qua Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, tạo động lực, niềm tin để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào tỉnh.

Theo báo cáo được tỉnh Thái Nguyên đưa ra, năm 2023, tỉnh đã tổ chức và tham dự 4 chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài tại 6 quốc gia gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Cuba, Đài Loan (Trung Quốc) và các chương trình xúc tiến đầu tư trong nước tại Hà Nội, Bắc Ninh, Khánh Hòa,... để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư thông qua việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp để khơi thông, giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn tại khu vực phía Nam của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh: "Tỉnh Thái Nguyên cam kết trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sẽ luôn nhận được sự đồng hành của chính quyền, bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp sẽ được giải quyết kịp thời, linh hoạt, sáng tạo… vì sự phát triển bền vững chung với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Nhằm chủ động trong thu hút, chào đón các nhà đầu tư đến với địa phương, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công khai danh mục các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư trong năm 2024 với 190 dự án, nhiều hơn 14 dự án so với năm 2023. Trong đó, lĩnh vực đầu tư khu đô thị, khu dân cư chiếm nhiều nhất với 82 dự án, tiếp đó là đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp 36 dự án; lĩnh vực dịch vụ 28 dự án; lĩnh vực nông nghiệp 17 dự án; lĩnh vực môi trường 14 dự án, tài nguyên; lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thông tin 7 dự án và 6 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Trong phiên đấu giá quyền sử dụng đất đầu tiên của năm 2024 được tổ chức ngày 25-4 tại trụ sở UBND phường Tân Lập, UBND TP. Thái Nguyên thu về trên 117 tỷ đồng từ 47 ô đất tại khu dân cư số 11B, phường Tân Lập, chênh hơn 40,2 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Thời gian tới, TP. Thái Nguyên dự kiến tổ chức đấu giá thêm các khu dân cư phục vụ thu ngân sách, như: khu dân cư số 7C, số 13 phường Túc Duyên; khu dân cư số 2, số 3 Tân Lập…

Khơi dậy tiềm năng

Để tạo bước đà phát triển tốt như hiện nay, bên cạnh những chính sách thể hiện tầm nhìn phát triển của lãnh đạo tỉnh, Thái Nguyên cũng rất nhanh nhạy trong việc tận dụng những tiềm năng từ các yếu tố nội tại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Thái Nguyên xuất phát từ những yếu tố nội tại mà yếu tố đầu tiên phải kể đến là tốc độ đô thị hoá. Tỷ lệ đô thị hoá tại Thái Nguyên đạt 36% với 01 đô thị loại I, 02 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV, 09 đô thị loại V. Ngoài 13 đô thị hiện hữu, Thái Nguyên sẽ có thêm 6 đô thị mới tính đến năm 2025. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ đô thị hóa 45% và đến năm 2035 đạt 50%.

Đồng thời, Thái Nguyên cũng được biết đến là “vùng trũng” thu hút FDI mạnh mẽ trong những năm gần đây. Một số dự án FDI có vốn đầu tư lớn trong KCN đang khẩn trương triển khai hoàn thành và đưa vào hoạt động như: Dự án của Công ty TNHH Trina Solar Wafer (Việt Nam) đang lắp đặt máy móc và hoàn thiện; Dự án Dowooinsys Vina của Dowooinsys Co. LTA đã xây dựng xong, đang hoạt động thử; Dự án sản xuất các sản phẩm vỏ thiết bị điện tử của Công ty TNHH Xinxiu New Materials Việt Nam đang hoàn thiện các thủ tục hành chính, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2024.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên là một trong số ít những tỉnh phía Bắc có sự đầu tư mạnh mẽ về giao thông. Từ trước năm 2009, Thái Nguyên đã được tập trung nhiều nguồn vốn, rót hàng nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Lãnh đạo tỉnh đã coi đó là bước đột phá, là tiền đề trọng yếu trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.

Thái Nguyên: Loạt dự án lớn được chấp thuận đầu tư, bất động sản đô thị "đón sóng"- Ảnh 3.

Hệ thống giao thông được đầu tư chú trọng cũng góp phần “mở đường” cho các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên.

Một số tuyến đường huyết mạch của tỉnh Thái Nguyên có thể kể đến như: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 1B đi Lạng Sơn; quốc lộ 37 đi Bắc Giang; quốc lộ 3 nối Hà Nội đi Bắc Kạn, Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc; đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên; hệ thống đường sông Đa Phúc - Hải Phòng… Bên cạnh đó, các tuyến đường nối từ thành phố về các huyện cũng được đầu tư xây mới, nâng cấp. Hệ thống giao thông được đầu tư chú trọng cũng góp phần “mở đường” cho các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên.

Với những điều kiện thuận lợi riêng vốn có của tỉnh cùng chiến lược phát triển của địa phương, Thái Nguyên dần đang vươn lên trở thành điểm sáng bất động sản đô thị khu vực phía Bắc thủ đô Hà Nội. Trong tương lai gần, việc tích lũy những yếu tố thuận lợi trên sẽ tạo nên những cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của thị trường bất động sản dẫn đến sự phát triển của kinh tế - xã hội của toàn tỉnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top