Năm 2023, công tác quản lý và sử dụng vốn của cả 3 quỹ nêu trên đều đảm bảo chặt chẽ theo quy định. Đối với Quỹ Phát triển đất, lũy kế tổng số vốn hoạt động tính đến cuối năm 2023 là hơn 1.025 tỷ đồng. Trong năm đã thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và giải ngân ứng vốn cho 11 dự án với tổng số tiền gần 132 tỷ đồng; thu hồi vốn ứng từ các đơn vị, địa phương 251 tỷ đồng. Tổng dư nợ vốn ứng tại các tổ chức, đơn vị, địa phương là hơn 410 tỷ đồng, trong đó dư nợ trong hạn là hơn 154 tỷ đồng, còn lại là dư nợ quá hạn.
Đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấp vốn điều lệ khi thành lập là 30 tỷ đồng. Tuy nhiên trong năm tiếp tục không phát sinh nghiệp vụ bảo lãnh cho đơn vị nào.
Với Quỹ Đầu tư phát triển, vốn điều lệ được cấp là 200 tỷ đồng. Trong năm, đơn vị cũng không thực hiện cho vay được đối tượng nào theo quy định, mà chỉ thu hồi được nợ gốc và lãi vay đối với 1 dự án, với số tiền gần 11 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Quỹ đã làm rõ những khó khăn trong hoạt động, như: Công tác thu hồi vốn ứng đến hạn, quá hạn tại một số đơn vị, địa phương còn gặp khó khăn; việc xử lý khoản nợ vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chung cư Đại Nam giữa Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đại Nam và Quỹ Đầu tư phát triển chưa kết thúc theo quyết định của Tòa án nhân dân TP. Thái Nguyên…
Sau khi nghe ý kiến trao đổi của các thành viên Hội đồng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến giao nhiệm vụ cụ thể đối với Quỹ Phát triển đất cũng như từng thành viên Hội đồng quản lý 2 quỹ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Riêng đối với đề xuất xin giải thể Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng chí giao cho Sở Nội vụ tham mưu, đề xuất để có giải pháp phù hợp, đúng quy định. Đồng chí cũng đề nghị Quỹ Phát triển đất cần tích cực thực hiện việc cho vay để tăng nguồn thu từ khoản lãi vay và thực hiện đúng quy chế chi tiêu nội bộ…