Aa

Thái Nguyên: Thu hút đầu tư, nhiều giải pháp “hút” dòng vốn mới

Thứ Ba, 16/07/2024 - 14:04

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được gần 27.100 tỷ đồng vốn đầu tư vào địa bàn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy Thái Nguyên vẫn là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư bởi cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, công tác cải cách thủ tục hành chính không ngừng được đẩy mạnh...

Thái Nguyên: Thu hút đầu tư, nhiều giải pháp “hút” dòng vốn mới- Ảnh 1.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp, trong đó 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Đây là lợi thế, cơ hội để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Điềm Thụy. Ảnh: M.H

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông tin: 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư mới cho 20 dự án với tổng số vốn trên 10.000 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án với số vốn trên 989 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 890 dự án, với tổng số vốn đăng ký 86.557 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là các dự án quan trọng với mức đầu tư lớn, góp phần tạo điều kiện, cơ hội để tiếp tục thu hút các dự án mới, như Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II, giai đoạn 2, với diện tích trên 296ha, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số dự án được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ tạo “cú hích” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Nhà máy may Thagaco Smart Green Định Hóa với tổng mức đầu tư gần 789 tỷ đồng; Trạm biến áp 220kV Phú Bình và đường dây 220kV Phú Bình nhánh rẽ Thái Nguyên - Bắc Giang có tổng mức đầu tư 620 tỷ đồng...

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tại các KCN thu hút đầu tư tăng thêm 16 dự án mới, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký đầu tư FDI vào các KCN đạt 509,5 triệu USD, đạt 102% kế hoạch năm, tăng 180,6% so với cùng kỳ.

Cũng trong 6 tháng, có 12 lượt dự án tăng vốn với tổng số đăng ký thêm 63,4 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 220 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,26 tỷ USD. Trong đó, một số dự án đáng chú ý như: Sản xuất tấm silic đơn tinh thể và pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Trina Solar Cell Việt Nam (Tập đoàn Trina Solar) với mức đầu tư trên 450 triệu USD; PVC Huali Việt Nam tại KCN Điềm Thụy có tổng vốn đăng ký 40 triệu USD; Nhà máy KHVATEC Thái Nguyên tại KCN Yên Bình có tổng vốn đăng ký 25 triệu USD…

Thái Nguyên: Thu hút đầu tư, nhiều giải pháp “hút” dòng vốn mới- Ảnh 2.

Thông tin quy hoạch Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, giai đoạn 2, được niêm yết tại trụ sở UBND xã Bá Xuyên (TP. Sông Công).

Cùng với đó, các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh đang tiếp tục phối hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN - đô thị - dịch vụ Phú Bình, KCN Yên Bình 3, KCN Thượng Đình và hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 KCN Yên Bình 2; đồ án quy hoạch chung xây dựng KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên.

Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã làm việc với hơn 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp. Các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản…; ngành nghề đăng ký đầu tư chủ yếu là sản xuất pin năng lượng mặt trời, kính mắt, điện, điện tử, ống ngắm hồng ngoại, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN…

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc lựa chọn Thái Nguyên làm điểm đến đầu tư và mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp lớn là tín hiệu đáng mừng, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với địa phương. Đặc biệt, khi tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang phục hồi tích cực thì việc khẳng định chất lượng môi trường đầu tư sẽ góp phần gia tăng số lượng dự án quy mô lớn vào Thái Nguyên trong thời gian tới.

Ông Lê Ngọc Ước, Giám đốc Công ty CP Viglacera Thái Nguyên - chủ đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Sông Công II, giai đoạn 2, chia sẻ: Trong quá trình triển khai Dự án, nhiều ý kiến, kiến nghị của chúng tôi đã được ngành chức năng lắng nghe, ghi nhận và tạo điều kiện hỗ trợ trên cơ sở các quy định của pháp luật. Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm của chính quyền TP. Sông Công trong việc triển khai công tác bồi thường, giải phóng măt bằng. Vì vậy, doanh nghiệp rất yên tâm và tin tưởng Dự án sẽ được khởi công vào tháng 10 năm nay theo đúng kế hoạch.

Thái Nguyên: Thu hút đầu tư, nhiều giải pháp “hút” dòng vốn mới- Ảnh 3.

Công ty TNHH Mani Hà Nội đang triển khai đầu tư mở rộng Nhà máy Phổ Yên 2 với tổng vốn khoảng 30 triệu USD, sau khi hoàn thành sẽ tuyển dụng thêm 500-700 nhân viên. Ảnh: L.K

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiều giải pháp thu hút dòng vốn có chất lượng đang được Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh.

Trong đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thêm: Sở đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo nhiều nội dung về công tác thẩm định dự án, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, đất đai, cấp phép lao động...

Để tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư trong và ngoài nước, Thái Nguyên đang nỗ lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, thiết kế lại không gian phát triển, thu hút FDI chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với những mục tiêu phát triển bền vững./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top