Thăm thẳm một triền sông

Thăm thẳm một triền sông

Thứ Tư, 17/02/2021 - 14:00

Có nhiều đêm, trời làm khó ngủ, tôi thường ngồi dậy, đọc sách miên man... Hồi trẻ thì đọc sách kiểu khác, đọc để học, để hiểu, để hướng tới cái khoảng không còn đang bày ra bao la phía trước. Đến khi có tuổi rồi, thì đọc kiểu khác. Đọc để chiêm nghiệm những gì đã trải qua, cũng vẫn là để hướng đến phía trước, dù cái khoảng không phía trước giờ không còn bao la và mông lung như thời trẻ nữa.

Có khi đọc hết cuốn sách rồi, trời vẫn chưa sáng. Không muốn giở ra một cuốn mới, để dành cho hôm sau, thì mở cửa, xách xe máy mà đi ra, xem cuộc sống giữa tinh sương ở thành phố của mình… Thời trẻ, đã nhiều lần mình hòa vào cuộc sống tinh sương để di chuyển, để mưu việc kiếm sống, nhưng giờ thì đi là để quan sát và ngẫm ngợi… Có bao nhiêu cái chợ họp từ lúc mọi người còn đang say nồng giấc ngủ. Một chợ cá đêm Yên Sở ngàn ngạt mùi nước mới từ hồ, từ sông, mùi của thủy sinh. Một chợ đêm Bắc Qua, Đồng Xuân nồng ấm mồ hôi, vần vật những chuyến hàng đổ xuống, tỏa đi. Một chợ hoa đêm đầy hương sắc mà lam lũ... Cuộc sống nơi tinh sương, bao nhiêu năm đã qua rồi, dù có nhiều thay đổi ghê gớm, nhưng nhọc nhằn vất vả vẫn còn hiện ra nguyên đấy.

Có lần tôi đi dọc bờ sông Hồng xuống phía Nam bên này thành phố. Rồi lại có lần khác, vượt sông qua cây cầu sắt cổ Long Biên để sang bờ bên kia, đi lên phía Bắc. Hôm ấy sớm lắm, sương bay mờ đục, đến lúc ngẩng lên thì đã ở bãi Soi, cãi doi đất nằm giữa ngã ba sông Hồng, sông Đuống. Chỗ ấy có ngôi đền gọi là đền Đôi Cô, hay là đền Tam Giang. “Tam Giang tối linh trắng mờ bọt sóng”. Sớm ấy, đúng kỳ mùa vờ bay lên giao hoan…

 

Mặt sông náo nhiệt những cánh bay dày đặc của bầy vờ. Một loài côn trùng có đời sống rất ngắn ngủi. Kể từ sau cuộc giao hoan này, những con vờ sẽ chết, xác chúng sẽ phủ trắng mặt sông nâu. Một phần rất nhỏ trong số ấy được vớt lên làm thành món ăn, có ích cho người, còn lại là lặng lẽ trôi theo dòng nước mà tan đi. Những đám trứng sau cuộc giao hoan sẽ lắng xuống lòng sông sâu, chui vào đất, phát triển, đợi cho đến mùa tới thì lại nổi lên, thoát xác, mọc ra cặp cánh bay giao hoan, để lại sự tiếp nối, xong rồi thì lại… trôi đi. Một kiếp sống vật vờ ngắn ngủi thì để lại gì? Thì để lại cái cảnh giao hoan lộng lẫy nơi ngã ba sông, để lại cái tên con vờ, để thành một món ăn ngon gọi là thời trân và một mùa vờ bay náo nhiệt thôi, là cũng đủ rồi.

Ngồi nơi ngã ba sông, ngước nhìn lên phía thượng nguồn. Bỗng thấy nước sông Hồng như xối cả vào ngực mình. Nhưng vừa đến gần thì dòng nước dào dạt ấy lại ầm ào chia ra hai ngả, sông Hồng bên trái, sông Đuống bên phải. Phía trước, xa kia là cây cầu Nhật Tân thật đẹp đẽ, vẫn còn sáng đèn đêm. Tưởng tượng thêm, ngược lên phía trên nữa, là bao nhiêu cây cầu, những Thăng Long, Trung Hà, Vĩnh Thịnh… Lại xa lên hơn nữa thì lại gặp vùng đất thiêng Việt Trì, nơi hai con sông Đà và sông Lô nhập vào với sông Thao để thành sông Hồng. Chính là con sông Cái của văn minh lúa nước người Việt. Sông mấy ngàn năm tuổi cần mẫn bồi bổ phù sa bào gột từ những ngọn núi cao mang về tượng hình nên đồng bằng Bắc Bộ mênh mông.

 

Sông Hồng vun đắp những giá trị, nhưng cũng thử thách ý chí của con người qua những cơn lũ, những đợt dâng nước lớn kinh hoàng. Con người đã đắp nên một hệ thống đê dọc các sông Bắc bộ chằng chịt như hệ mạch máu trong cơ thể. Vậy mà, vẫn cứ xảy ra những trận vỡ đê bục nước, tàn phá làng thôn. Từ cuối thế kỷ trước, Nhà máy thủy điện Hòa Bình, rồi thêm thủy điện Sơn La, Lai Châu, trước đó là thủy điện Thác Bà, đã điều tiết được nước lũ, những cơn lũ lụt hung bạo hầu như không còn diễn ra nữa.

Ngồi trước ngã ba sông nơi mỏm Soi, nhìn lên phía Bắc, thấy sông Hồng xối thẳng vào kinh thành Thăng Long. Cái nhìn ấy đã có hơn ngàn năm nay, từ thời Lý Công Uẩn, người chuyển kinh đô nước Việt trong Hoa Lư, Ninh Bình ra đây để xây thành Thăng Long. Xây thành xong thì trị thủy. Lý Công Uẩn thăng châu Cổ Pháp ở Bắc Ninh lên thành phủ Thiên Đức, rồi lấy tên Thiên Đức đặt cho con sông đào thoát ra từ dòng Đuống cũ, biến dòng sông nhỏ bé, tù đọng thành huyết mạch giao thông thủy nối từ sông Hồng sang cửa Lục Đầu Giang, thành nơi hội tụ của bốn con sông mang chữ Đức. Sông Thương là Nhật Đức, sông Cầu là Nguyệt Đức, sông Lục Nam là Minh Đức và sông Đuống là Thiên Đức, hòa lại thành sông Thái Bình, như tên gọi một ước vọng của nước non ta.

Làm thủy lợi, cung cấp nước tưới tiêu cho một vùng đất trở nên trù phú và an lành với những cái tên như Gia Bình, Thuận Thành, Thiên Thai… và ngăn nước lũ nhằm vào Thăng Long, chính là dòng Thiên Đức mới từ thời ấy. Đó là một cuộc huy động sức dân lao động kỳ vỹ tạo lập lại giang sơn trong lịch sử người Việt và nước Việt.

Tôi có một người bạn, là nhà văn Trần Thanh Cảnh, sống ở bên sông Đuống, nơi Phố Hồ, huyện lỵ Thuận Thành. Anh Cảnh được mệnh danh là “Người kể chuyện đất Kinh Bắc” với những tác phẩm văn xuôi sống động, nhiều trăn trở trong khung cảnh vùng đất này. Anh đã mấy lần dẫn tôi đi thăm sông Đuống, rồi cả tôi cũng tự đi. Đi từ Yên Viên, dọc đường đê tới Thuận Thành và lên núi Thiên Thai.

Lên núi Thiên Thai tưởng là tưởng để nghĩ về ngọn nguồn câu dân ca quan họ "Trèo lên trên núi Thiên Thai", tưởng để nhìn vào thăm thẳm bầu trời mà tìm "đôi chim loan phượng". Vậy mà đến chân núi thì gặp đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, nghe kể câu chuyện của tiền nhân cách đây đã gần ngàn năm.

Lê Văn Thịnh, người Gia Bình, là trạng nguyên khai khoa của nước Việt thời vua Lý Nhân Tông. Từ làm nghề dạy học và bốc thuốc giúp dân, Lê Văn Thịnh ra giúp nước. Ông dạy vua, làm đến chức Thái sư. Ông lên biên giới đàm phán với sứ giả nhà Tống, bằng uy văn mà thu lại cả một vùng Cao Bằng không tốn một mạng lính, không bật một mũi tên bay. Công đức và kiến văn của vị tôi hiền như vậy thì tưởng vị trí sẽ vững bền dưới thời vua sáng Lý Nhân Tông. Vậy mà lũ nịnh thần vu cho Thái sư hóa hổ mưu hại vua trong thoáng chốc hoảng loạn vì cơn bão lốc giữa hồ Tây. Lê Văn Thịnh bị cắt hết mọi chức vụ và đày lên sống cô đơn ở vùng Thao Giang. Để giữ lại ngôi nhà tổ khỏi bị đốt phá, người họ Lê đã "hóa gia vi tự", biến nhà thành chùa, nay thành đền thờ Thái sư.

Thái sư đi đày, đến lúc biết mình sắp chết, liền đi bộ lần tìm về quê cũ trong bộ dạng kẻ ăn mày. Còn cách quê non ngày, người hết hơi sức, được dân chợ Đình Tổ bố thí cho bát cơm với khúc cá mè hoa nướng vội. Ăn xong, người ra nằm bên bờ sông ngủ rồi hóa luôn. Hôm sau, mối đã đùn kín đất thành cái mộ lớn. Người ta chắp nối câu chuyện, mới hay lão ăn mày ấy chính là vị Thái sư mà nước nợ dân ơn...

Vùng đất này chất chứa văn vật, là địa linh, mà cũng lắm oan khiên. Từ thời tiền sử, đã có chuyện Cao Lỗ làm ra nỏ thần nhưng bị biếm hết quyền hành vì khuyên An Dương Vương chớ kết giao gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy nhà Triệu mà dẫn đến mất nước. Thời Hậu Lê là vụ án oan dậy đất Lệ Chi Viên với danh nhân Nguyễn Trãi và thiếp yêu Nguyễn Thị Lộ. Sau đó, là chuyện Đô ngự sử, trạng nguyên Nguyễn Quang Bật bị vua Lê Uy Mục đày đi miền Trung, tới sông Lam thì bắt phải nhảy xuống chết, vì đã tỏ lòng trung với tiên đế, không chịu vào một đám với lũ đoạt mạng soán ngôi. Và còn nhiều câu chuyện oan khuất nữa...

 

Có một pho tượng rồng đá kỳ lạ, miệng ngoạm vào thân, chân xé vào xác mình, được tạc vào thời Hậu Lê, nay đang bày ở đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Các nhà nghiên cứu bảo đấy là hình tượng Thái sư oan khuất, không kêu được vào đâu, chỉ còn biết cấu xé thân thể mình. Có người phán đoán, đấy là vua Lý Nhân Tông dằn vặt, tự hành hạ mình vì gây ra oan khuất...

Tôi cứ ngắm mãi pho tượng và như nghe thấy người nghệ sỹ điêu khắc từ thời xưa đã lấy cảm hứng đau đớn vì vụ án Thái sư Lê Văn Thịnh để truyền đi một thông điệp lớn. Con rồng mà tự cắn xé vào thân xác ưu tú của mình thì làm sao thanh thoát mà bay lên, mà cất cánh được nữa. Làm vua thì phải anh minh, phải biết cách mà dưỡng chính, dẹp ngụy, phá tà, lấy đó làm căn cốt cho tập hợp sức mạnh đoàn kết thì mới tạo lập nên được dáng vóc mới của giang sơn và giữ vững được bền lâu triều đại.

02/17/2021 14:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top