Thẩm thấu chính sách chậm vì “virus sợ trách nhiệm”

Thẩm thấu chính sách chậm vì “virus sợ trách nhiệm”

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 18/05/2023 - 06:00

Gần một năm thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng, doanh nghiệp địa ốc đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt. Nhiều bộ, ngành đã bày tỏ sự sốt sắng với cụm từ “giải cứu” nhưng dường như khoảng cách giữa nói và làm vẫn còn xa... Các chính sách “giải cứu” chưa thể tăng tốc vì "virus sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ địa phương.

Cả doanh nghiệp và người dân vẫn đang chờ chính sách “ngấm”

Điểm qua các báo cáo thị trường bất động sản mới đây có thể chẩn đoán sơ bộ được rằng tình hình sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản đang chuyển biến ngày một xấu. Trong đó, lượng doanh nghiệp giải thể tăng cao, cơn bão cắt giảm nhân sự lan rộng, nhiều nơi không triển khai dự án mới, ngưng phát hành trái phiếu, thanh khoản co hẹp… Đi sâu vào báo cáo tài chính, thực trạng về sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản còn bộc lộ nhiều vấn đề hơn với các khoản lỗ, nợ vay lẫn hàng tồn kho chất đống.

Thống kê của Reatimes nhìn từ kết quả kinh doanh quý I/2023 của gần 60 doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, giá trị hàng tồn kho ở mức trên 350.000 tỷ đồng. Trong đó, có 8 doanh nghiệp có hàng tồn kho ghi nhận trên mức 10.000 tỷ đồng là Novaland, Vinhomes, Becamex IDC, Nam Long, Đất Xanh, Khang Điền, Kinh Bắc và Phát Đạt. Tổng giá trị hàng tồn kho của 8 doanh nghiệp này là 327.000 tỷ đồng. Phần lớn trong số này có tỷ lệ hàng tồn kho chiếm từ 40 - 60% trên tổng tài sản.

Theo ghi nhận của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý I/2023, thị trường cũng xuất hiện tình trạng các chủ đầu tư e ngại mở bán các dự án mới do có nhiều yếu tố bất lợi. Đáng chú ý là hiện nay các chủ đầu tư, môi giới và khách hàng đều trong trạng thái chờ chuyển biến chính sách.

Chia sẻ với Reatimes, một chủ doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội thừa nhận, năm vừa qua là một năm “te tua như tàu lá chuối gặp bão”. Bước sang năm 2023 mọi thứ vẫn khá im ắng, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, doanh nghiệp của ông chuyên về phân phối các sản phẩm bất động sản và đã có dự án ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hơn một năm qua, doanh nghiệp này chưa thể triển khai được bất cứ dự án nào do vướng mắc nhiều vấn đề.

Chủ doanh nghiệp bất động sản này cho biết, ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp khó khăn, tiến độ công việc bị ảnh hưởng do thiếu vốn thì tình trạng “thận trọng quá mức”, tâm lý sợ trách nhiệm trong quá trình phê duyệt hồ sơ dự án ở địa phương đang tạo áp lực, gây khó khăn, thậm chí làm mất cơ hội của doanh nghiệp.

“Ngay trong lúc doanh nghiệp khó khăn nhất, Nghị quyết 33 và hàng loạt các chính sách khác được ban hành đã khích lệ thị trường, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc giúp thị trường bất động sản. Nhưng trên thực tế, việc thực thi các chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp vẫn chưa đi đến đâu. Doanh nghiệp chúng tôi vẫn phải tự chủ động thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như: Tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Đặc biệt, các dự án mới tại địa phương vẫn còn đang tắc”, chủ doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội giãi bày.

Khi được hỏi về chính sách hoãn, giãn nợ cùng với thông tin giảm lãi suất của ngân hàng, chủ doanh nghiệp này cho hay, chính sách vẫn chưa “ngấm” đến doanh nghiệp của ông. Theo đó, ông cho rằng lãi suất có giảm nhưng với doanh nghiệp ở nhóm vừa và nhỏ như của ông thì mức lãi suất này vẫn cao. Do đó, doanh nghiệp không dám vay bởi có vay để tiếp tục hoạt động cũng không có lãi. Vì vậy, doanh nghiệp đã chấp nhận dừng kế hoạch phát triển hoặc giãn tiến độ, chứ chấp nhận không vay lúc này.

Doanh nghiệp chấp nhận dừng kế hoạch phát triển hoặc giãn tiến độ ra, chứ không chấp nhận vay lúc này.
Doanh nghiệp chấp nhận dừng kế hoạch phát triển hoặc giãn tiến độ ra, chứ không chấp nhận vay lúc này. Ảnh minh họa. Nguồn: Reatimes

Trong khi đó, ông Nguyễn. H.V, Giám đốc Công ty Bất động sản AG - chủ đầu tư hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Khánh Hoà bày tỏ, thực tế là mọi hoạt động giao dịch sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của doanh nghiệp ông đã “đình trệ” từ giữa năm 2022. Mặc dù du lịch đã mở cửa trở lại, lượng khách du lịch đã có sự tăng trưởng nhưng việc giao dịch các sản phẩm vẫn chưa thể nóng trở lại.

Doanh nghiệp của ông H.V đã phối hợp với các đơn vị sàn giao dịch phân phối sản phẩm với việc thực hiện chiết khấu đến 20 - 30% với mỗi sản phẩm, đồng thời tổ chức nhiều đợt mở bán mới nhưng hầu như hàng vẫn chưa bán được. Doanh nghiệp đã cắt giảm nhiều nhân sự, những người được giữ lại cũng bị cắt giảm 25 - 40% tiền lương.

"Kể từ khi Nghị định số 10/2023/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 20/5 đến nay, doanh nghiệp chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn nào cho các sản phẩm của mình".

- Ông Nguyễn. H.V, Giám công ty bất động sản AG chia sẻ -

“Sản phẩm condotel, shophouse từng được nhà đầu tư nhận định là “gà đẻ trứng vàng” nhưng vì pháp lý vướng mắc cùng với những "cú đấm" liên tiếp về dịch bệnh khiến sản phẩm này giảm sức hút.

Mới đây, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi nhận được thông tin Nghị định số 10/2023/NĐ-CP hướng dẫn công tác cấp giấy chứng nhận cho loại hình condotel. Nghị định này đã được cả thị trường mong chờ từ rất lâu, nhưng kể từ khi được ban hành và sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 20/5 tới đây, doanh nghiệp chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn nào cho các sản phẩm của mình. Trong khi đó, có quá nhiều các thủ tục hành chính khác như tín dụng ngân hàng vẫn đang làm khó doanh nghiệp. Nếu các chính sách không tăng tốc đột phá nhanh hơn thì doanh nghiệp “chết hết”, ông V cho biết.

Riêng về vấn đề nguồn vốn, ông V cho biết, trước đây, doanh nghiệp của ông có thể vay 70% giá trị tài sản nhưng hiện nay các ngân hàng chỉ cho vay 50%. Và trước đây việc định giá đất ở tương đương 75% thị trường còn nay định giá chỉ còn 60% nên tài sản đảm bảo khoản vay cũng phải tăng lên nhiều, trong khi vay bù đắp để mua bất động sản thì phía ngân hàng không chấp thuận.

“Doanh nghiệp đã làm hồ sơ vay vốn 500 tỷ đồng từ tháng 11/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt giải ngân. Phía ngân hàng đưa ra lý do rằng việc xét duyệt hồ sơ, tiêu chí cho vay đang ngày càng chặt chẽ hơn, bởi vậy giải ngân sẽ chậm”, ông V nói thêm.

Sản phẩm condotel, shophouse từng được nhà đầu tư nhận định là “gà đẻ trứng vàng” nhưng vì pháp lý vướng mắc cùng với những cú đấm liên tiếp về dịch bệnh khiến sản phẩm này giảm sức hút
Sản phẩm condotel, shophouse từng được nhà đầu tư nhận định là “gà đẻ trứng vàng” nhưng vì pháp lý vướng mắc cùng với những cú đấm liên tiếp về dịch bệnh khiến sản phẩm này giảm sức hút. Ảnh minh họa. Nguồn: Reatimes.

Cũng theo tìm hiểu của PV, Nghị quyết số 33/NQ-CP cũng được đánh giá sẽ tạo ra động lực phát triển cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trong năm nay. Cụ thể, các vấn đề về quy hoạch, bố trí quỹ đất, quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư, xác định giá và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội… đều được định hướng rõ ràng.

Bên cạnh đó, để có vốn hỗ trợ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của 4 ngân hàng lớn, cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong từng thời kỳ. Nguồn vốn của gói tín dụng này có thể lớn hơn nếu có sự tham gia của các ngân hàng thương mại khác.

Như vậy, Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đã thể hiện được rất rõ ràng và đầy đủ những mục tiêu cũng như giải pháp để giải quyết những khó khăn của thị trường bất động hiện nay. Đồng thời cũng cho thấy rõ ý chí và nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề này. Song cho đến hiện tại, vẫn chưa thấy có thêm chính sách hay các thông tin phê duyệt quỹ đất phát triển cho nhà ở xã hội.

Trong khi đó, Reatimes nhận được nhiều thông tin về nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng lớn, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Điển hình có người dân 2 lần nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Hà Nội nhưng đều bị loại ngay từ vòng đầu.

Anh Nguyễn Văn Minh (trú tại Long Biên, Hà Nội) làm công việc văn phòng với mức thu nhập thấp, sau một thời gian tìm hiểu gia đình anh quyết định sẽ mua nhà ở xã hội. Nhưng hy vọng nhiều thì thất vọng cũng càng nhiều bởi sau 02 lần nỗ lực nộp hồ sơ vào 02 dự án thì anh Minh đều không đủ điều kiện mua.

“Gia đình quyết định thôi không theo dự án nhà ở xã hội nào cả. Bởi, ở thời điểm hiện tại, mức giá nhà ở xã hội cũng khá cao. Ngoài ra, còn có lớp trung gian thâu tóm, bán lại cho người dân. Do đó, những người dân thu nhập thấp như chúng tôi khó có thể tiếp cận được dự án. Chúng tôi kỳ vọng, những chính sách tốt đẹp của Nhà nước cần triển khai nhanh hơn nữa. Khi thị trường bất động sản ra được nhiều sản phẩm, cùng với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để không có tình trạng bán chênh lệch, "cò mồi" thì người dân như chúng tôi mới có thể sớm sở hữu được một căn nhà tại Thủ đô”, anh Minh chia sẻ.

Bệnh “sợ trách nhiệm” khiến chính sách “ngâm lâu”

Sự chuyển động của nhiều chính sách về bất động sản và liên quan đến bất động sản trong vài tháng qua được xem như là “liệu trình” cho tình thế ngặt nghèo của hầu hết doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp vẫn đang đối diện với những khó khăn và vẫn đang ở trong trạng thái chờ phản ứng, chờ chính sách “thấm” vào thị trường.

Tuy nhiên, do tâm lý sợ sai không dám làm, sự chậm trễ, đình trệ hoạt động công vụ đang trở thành rào cản lớn cho các chính sách của Chính phủ và Nhà nước.

Gõ từ khóa “sợ sai, sợ trách nhiệm”, chỉ trong tích tắc, hàng triệu kết quả được tìm thấy cho thấy độ "nóng" của hiện tượng này trên các diễn đàn.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thể chế pháp luật ở nhiều lĩnh vực chưa được rõ ràng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh rằng: “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao”.

Đặc biệt, ở giai đoạn hiện nay, khi đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm thì xuất hiện tâm lý e ngại, không dám làm, sợ trách nhiệm, mong an toàn... Tình trạng này tập trung nhiều ở các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như: Các dự án đầu tư, đấu thầu, xây dựng đô thị, giao thông cầu đường, đất đai...

Điều này đã dẫn đến hậu quả là không chỉ việc giải ngân vốn đầu tư trở nên ì ạch mà rất nhiều dự án đầu tư, xây dựng, giao thông, cầu đường, kinh doanh thương mại, cũng như các nhiệm vụ khác... không thể triển khai, từ đó gây ùn tắc, đọng việc.

Hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức và cả địa phương trước khi quyết đáp vấn đề gì đều hỏi ý kiến, xin chủ trương, thỏa thuận, thống nhất cơ quan cấp trên hoặc cơ quan liên quan. Đây là tâm lý “sợ trách nhiệm” để khi nếu có quyết định sai thì các cơ quan, tổ chức đã được hỏi ý kiến cùng chia sẻ trách nhiệm.

Như vậy sẽ dẫn đến công việc bị kéo dài do phải chờ đợi hỏi ý kiến hoặc trong trường hợp chưa thống nhất thì công việc đó bị dừng lại. Điều này là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ách tắc, chậm trễ, không kịp thời, nhất là không thể hiện được trách nhiệm của cơ quan hoặc người được giao thẩm quyền.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phân tích, Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp: đúng, trúng và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản theo quan điểm: “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”.

Cùng với đó, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững và trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Và Nghị định số 10/2023/NĐ-CP hay Thông tư 02, 03 của Ngân hàng Nhà nước ban hành đều có tác động tới thị trường bất động sản. Như vậy, hành lang pháp lý để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã gần như hoàn thiện.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM: Thủ tướng Chính phủ đã có những thông điệp rất kịp thời, truyền cảm hứng cho doanh nghiệp. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Trước loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Châu nhận định, các chính sách mới được ban hành đã phần nào tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường. Ví như, có một số doanh nghiệp được chỉ định đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích rất lớn; được giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng rất nhanh; được phê duyệt các chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu dân số rất thuận lợi; được xác định tiền sử dụng đất rất mau lẹ.

“Cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đánh giá cao việc các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết rất nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng của một số dự án bất động sản lớn và cũng rất mong được quan tâm giải quyết nhanh hơn nữa các dự án còn tồn đọng để đảm bảo sự công bằng”, ông Châu nói.

Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, các chính sách vẫn có độ trễ nhất định nên việc gỡ khó cho thị trường bất động sản vẫn chưa được như kỳ vọng. Thực tế đến nay, riêng tại TP.HCM có 156 dự án bất động sản đang có vướng mắc, bình quân giá trị mỗi dự án 2.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư lên đến khoảng 312.000 tỷ đồng. Nếu các chính sách tháo gỡ vướng mắc được triển khai tích cực hơn, tăng tốc hơn để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai thực hiện trở lại bình thường là điều tốt nhất. Từ đó, Ngân sách Nhà nước có thể thu được khoảng 31.200 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, nếu đạt lợi nhuận 20% thì ngân sách còn có thể thu thêm 12.480 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thu thuế phái sinh khác, đồng thời tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Các chính sách nhân văn nhưng bị “ngâm” chưa triển khai nhanh chóng sẽ làm mất đi hiệu quả thực tiễn. Chúng tôi cũng rất mong độ trễ của chính sách từ chủ trương đến thực hiện được rút ngắn và xác định thời điểm cụ thể sẽ được thực thi".

- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Châu cũng lý giải, do pháp luật quy định công chức, viên chức nhà Nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, mà một số quy phạm pháp luật lại có sự xung đột, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, nên đã có tiềm ẩn yếu tố rủi ro cho người thi hành công vụ. Nhất là ở các địa phương, cán bộ còn lúng túng trong thực thi áp dụng cách chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

“Việc ban hành chính sách gỡ khó của Chính phủ như luồng gió mát lành giúp thị trường doanh nghiệp phấn khởi hơn, lan tỏa niềm tin tới các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, việc một bộ phận cán bộ, công chức Nhà nước còn có tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp khiến cho doanh nghiệp chưa thể gượng dậy trước giông bão. Có thể hiểu, các chính sách nhân văn nhưng bị “ngâm” chưa triển khai nhanh chóng sẽ làm mất đi hiệu quả thực tiễn. Chúng tôi cũng rất mong độ trễ của chính sách từ chủ trương đến thực hiện được rút ngắn và xác định thời điểm cụ thể sẽ được thực thi”, ông Châu kỳ vọng.

Ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm, việc tháo gỡ cơ chế là giải pháp ít tốn tiền ngân sách Nhà nước nhất và mang lại hiệu quả, có tính lan tỏa rất lớn. Để làm được điều này thì phải xây dựng được luật chuẩn chỉnh, mà trước hết là phải xây dựng được dự thảo luật có chất lượng tốt nhất. Điều đáng lo là hiện nay vẫn còn có một số quy định của các dự thảo luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất hoặc còn bất cập, chưa sát với thực tế cuộc sống. Ban hành luật chậm một chút để có luật chuẩn chỉnh còn hơn là ban hành luật lại bất cập, không khả thi, sẽ làm cản trở sự phát triển.

Đại diện HoREA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, nghiêm minh của công tác thực thi pháp luật, trong đó có pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Cán bộ thế hệ sau “sợ” cả những dự án sai phạm trước đó

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, sự chuyển động của các chính sách về bất động sản và liên quan đến bất động sản trong những tháng đầu năm được đánh giá là tích cực để doanh nghiệp có niềm tin hơn vào sự phục hồi.

Tuy nhiên, điều cần thiết lúc này là nhanh chóng đưa ra một bộ “hướng dẫn sử dụng” cho các chính sách này ngấm nhanh hơn vào thị trường nhằm giảm bớt áp lực thực tế của doanh nghiệp. Đặc biệt, sau nhiều biến cố trên thị trường bất động sản thời gian qua, địa phương cũng càng mang tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức. 

Theo phân tích của TS. Nguyễn Văn Đính, trên thị trường có nhiều dự án đầu tư phải dừng lại “đắp chiếu”. Nếu được khơi thông, các dự án trên sẽ có giá trị rất lớn trong việc kích hoạt vận hành nền kinh tế. Bởi hiện nay, có quá nhiều quy định dẫn đến cán bộ lúng túng, không biết phải xử lý thế nào, "sờ" đến công đoạn nào cũng có vấn đề khó, rất khó để xử lý, từ quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư hay tính giá đất...

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam. Nguồn: Reatimes

Theo thống kê, hiện nay, quy trình tính giá đất chiếm 50% những vướng mắc tại các dự án bất động sản. Nhiều địa phương đang tính toán một cách an toàn. Có địa phương trước đây tính hệ số 1.7 - 2.0 so với bảng giá, nay tăng hệ số lên 2.5 - 3.0 cho an toàn.

Có thể thấy, nếu các doanh nghiệp thấy không có sự tăng trưởng về lợi nhuận thì họ sẽ dừng lại. Nhiều địa phương còn “đẻ” ra các khoản khác để đóng góp cho hạ tầng. Có thể thấy, hiện nay thị trường bất động sản đang nằm trong "rừng" quy định, nhiều quy định bổ sung, quy định sau khó hơn quy định trước dẫn đến cán bộ rất sợ. Đặc biệt là tình trạng cán bộ thế hệ sau sợ cả những dự án sai phạm trước đấy, nên hầu như không dám "đụng" vào xử lý các dự án đó.

Từ thực tế đi tới các địa phương tham gia tổ công tác của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, TS. Nguyễn Văn Đính đưa ra ví dụ tại một địa phương, có doanh nghiệp đã xây dựng xong 7 tòa nhà ở xã hội phù hợp với chủ trương nhưng không bán được sản phẩm nào. Lý do là doanh nghiệp được phê duyệt dự án nhà ở cho công nhân nhưng công nhân tại đây không có nhu cầu mua nhà. Đa số họ ở tỉnh ngoài, chỉ làm việc tại đây một vài năm nên họ hướng tới thuê nhà cho rẻ.

"Chúng ta đang trong rừng quy định, nhiều quy định bổ sung, quy định sau khó hơn quy định trước dẫn đến cán bộ rất sợ. Đặc biệt là tình trạng cán bộ thế hệ sau sợ cả những dự án sai phạm trước đấy, hầu như không dám đụng vào xử lý các dự án đó".

- TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam 

“Doanh nghiệp kiến nghị cho 10 nhóm đối tượng chính sách được mua để tránh tình trạng nhà xây xong đắp chiếu, nhưng chính quyền địa phương không dám phê duyệt”, TS. Đính phản ánh.

Khi hàng ngàn dự án đang nằm đắp chiếu, các công trường dự án phải dừng lại, đồng nghĩa hàng triệu lao động không còn việc làm, khoảng 40 ngành nghề liên quan đến ngành bất động sản cũng phải dừng lại.

“Đây là thực tế mà chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng... đang "thoi thóp thở". Nếu không tháo gỡ các vấn đề này, không giải quyết quy trình hồ sơ cho các dự án thì đến một lúc họ sẽ ngạt thở”, TS. Nguyễn Văn Đính bày tỏ.

Việc Chính phủ liên tục có các chỉ đạo rốt ráo tới các bộ, ban, ngành nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản cho thấy, Chính phủ đặc biệt quan tâm và biết rất rõ vai trò phục hồi và ổn định của thị trường. 

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, câu chuyện bình ổn, lành mạnh thị trường bất động sản chỉ thành công khi có sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cùng xem xét vấn đề một cách nghiêm túc từ ban hành chính sách đến triển khai vào thực tiễn, từ đội ngũ cán bộ đến doanh nghiệp thực thi pháp luật sao cho nhanh chóng và đạt hiệu quả nhất.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2023, cả nước có đến 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, cùng thời gian trên số doanh nghiệp thành lập chỉ hơn 33.900 doanh nghiệp.

Kết quả này cho thấy số doanh nghiệp rời thị trường nhiều gần gấp đôi số doanh nghiệp mới thành lập. Như vậy bình quân một tháng trong quý I có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tương đương mỗi ngày có khoảng 670 doanh nghiệp ngừng hoạt động).

Số liệu của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh còn cho thấy số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong quý vừa qua là 42.858 doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 20.984 doanh nghiệp (chiếm 49%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 38.535 doanh nghiệp (chiếm gần 90%)…

Đáng chú ý, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể trong quý vừa qua là 12.766 doanh nghiệp, tăng 13,1%, và số doanh nghiệp giải thể là hơn 4.600 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top