Thầm thì với cúc họa mi…
Mỗi năm, vào đúng mùa sương giăng mi cúc, tôi đều lên mạn Quảng Bá. Sông Hồng ngay gần đấy, Hà Nội bảng lảng, làng hoa lại thêm ảo mờ. Trong sương thấy cả sắc màu, vị hương phù sa châu thổ. Người Nhật Tân không chỉ trồng đào, ươm sen, xông xáo thiết kế nhà vườn nhân tạo bắt kịp xu thế check-in của số đông mà có một Nhật Tân khác khiêm nhường ẩn náu, khuất sâu, khắc khoải trước những mùa hoa bé dại, mùa hoa không bao giờ trở lại.
Có những chuỗi ngày Hà Nội bảng lảng không khí ảo mờ, cây lá nửa úa vàng nửa như thẫm lại, giữ chút bóng đêm trên phiến gân. Dự báo thời tiết nhiệt độ sẽ giảm sâu, người người căng mở hình dung rét ngọt như cắt. Ai đó một mình trên phố vẫn nhẩm hát “ta còn em, cây bàng mồ côi…”. Tôi gọi đó là mùa sương giăng mi cúc, khi láng máng trong đầu sắc hoa đang mỏng mềm lướt phố: Cúc họa mi.
Khi chưa vướng đại dịch, có lần, đúng mùa này, tôi chở một người bạn phương xa dạo quanh phố phường Hà Nội. Cô gái phương Nam khép nép trong gió lạnh, tay run run ôm bó cúc họa mi. Và rồi, cô ấy phát hiện ra rằng, những quán hàng có tiếng trong bản đồ du lịch, với khách phương xa đều trú ngụ dưới những gốc đa um tùm cội rễ. Nào quán Gốc Đa ở Lý Quốc Sư, nào hàng bánh mì thịt xiên nướng bán vào giờ chiều dưới một gốc đa phố Bảo Khánh cho đến bún đậu gốc đa ở Thụy Khuê, Ngõ Gạch… Bấy giờ, chúng tôi cũng đang ngồi dưới gốc cây đa bóng tỏa xanh um, rễ buông trầm lặng. Chúng tôi nhìn nắng xiên qua tán lá hắt xuống nền sân bóng sáng xôn xao. Ánh nắng tràn xuống từng cánh hoa mong manh như đánh thức mọi niềm lay động.
Tôi đã luôn hình dung, ở mảnh đất nghìn năm văn hiến này, luôn có một mạch nguồn thẳm sâu thật linh thiêng kỳ lạ, khiến những cây cổ thụ có thần, những đóa hoa dầu nhỏ bé mong manh cũng vương vất niềm bâng khuâng lưu luyến. Cứ ngắm từng loài cây lá ở đất này theo năm tháng, theo khoảnh khắc thay lá đổi mùa, từ cây lớn đến cây nhỏ… tất thảy đều một dáng hình, hồn cốt đặc trưng. Rồi thì, tự thân linh khí ấy sẽ thu hút con người đâu đâu tụ lại một cách mặc nhiên. Người ta ghé cạnh gốc đa, khi để ăn cái bánh mì lót dạ, khi xuýt xoa kéo ghế ngồi chờ chiếc bánh tôm, há cảo đang cong cớn, lèo xèo trong chảo mỡ sôi, khi nhẩn nha uống ngụm trà chát cạnh đền Quán Thánh ngóng hồ Tây xa xa. Người ta ngược mạn Quảng Bá dạo chơi trong những khu vườn tinh sương long lanh xanh mát, mờ tối chộn rộn hoa nảy nụ cười sắp sửa tràn ra chợ đêm và tỏa muôn phương hướng.
Cũng có những khi, tôi đi trên phố chiều chấp chới mưa bay, thoáng thấy người lao động, mưu sinh tìm gốc đa trú ngụ, họ mặc vội manh áo mưa hay âu lo che chắn gánh hàng, bó lại từng đóa họa mi sũng nước… Sự thiêng liêng, thương mến có thể được chắt chiu, vụt sáng từ khoảnh khắc lầm lũi rất đời thường.
Đường phố mùa đông dầu ùn tắc thì không khí vẫn se thắt hiu hiu, nhất là quãng vỉa hè, ngã ba ngã tư ngập ngừng những dáng vẻ thật mong manh. Người lẫn vào hoa, hoa lẫn người. Thực ra, cúc họa mi đã được trồng ở Nhật Tân khoảng vài chục năm trước, rồi bị lãng quên. Ông chủ vườn quen thân chậm rãi kể chuyện những mùa cúc không dài, chỉ vài tuần tính từ lúc những luống hoa đầu tiên bung nở đồng loạt. Cứ thế loài hoa bé xinh bất chấp mưa phùn, gió rét, nắng hanh… tung cánh tinh khôi cong mềm tựa hàng mi phố.
Ở một số quốc gia phương tây, loài hoa này có ý nghĩa thuộc về trẻ nhỏ, với quan niệm rằng mùa xuân vẫn chưa đến cho tới khi bạn có thể đặt bàn chân mình trên mười hai bông cúc. Còn với Hà Nội, mùa cúc họa mi là tín hiệu cho sương giăng quyện vào từng tia nắng đông vàng hanh loáng thoáng. Những gánh hàng, xe đạp chở loài hoa trắng điểm xuyết nhụy vàng lá xanh trông xa giông giống nhúm mây trôi qua phố bồng bềnh.
Vẫn là ông chủ vườn thô mộc, hào hiệp luôn thiết tha những mùa hoa thầm lặng kể ký ức cúc họa mi lúc chưa trở thành “cơn sốt” kèm trào lưu chụp ảnh như bây giờ. Người làm vườn nói trong luyến tiếc, nếu không bị can thiệp bằng các biện pháp kích thích tăng trưởng, thúc ép trổ bông thì cúc họa mi vốn tròn đầy hơn, trắng đến mức “nhìn không ra”, cành lá lòa xòa vươn tứ phía rất sinh động chứ khóm hoa không thẳng thớm, gầy guộc tưởng như pha thêm cả sắc xanh như bây giờ.
Chuyện về loài hoa từng bị lãng quên được những người già làng hoa ví von cùng điển tích những người cung nữ tuổi trăng tròn bị lãng quên nơi cung cấm. Nhưng số phận của hoa khác điển tích con người. Khi được đón nhận trở lại, loài hoa này làm nên hẳn một mùa riêng. Còn mỹ nhân xưa, lúc người đời nhớ ra, có khi họ đã thành thiên cổ. Những người thợ vườn tuổi cao nhớ nhớ, quên quên thi thoảng dặn với theo chân khách đi về nhớ rẽ lối đường Yên Phụ, ngắm thêm hàng cây cơm nguội vàng hiu im như tượng, nhớ tìm Hà Nội trong ngõ dài, ngách hẹp, cửa tróc sơn mà sương và nắng chùng chình, quanh co như ngái ngủ.
Thuở nhỏ, khoảng thời gian tôi hay nghĩ ngợi mông lung nhất là độ cuối thu, đầu đông. Bấy giờ quyển lịch vừa vặn bằng bàn tay dần trở nên mỏng mảnh, xé xong mang cắt dán, vuốt gấp đủ hình thù bên hiên nhà trải đầy hoa cúc. Người già trong nhà có cách chờ mong, nhẩm tính khác. Như bà tôi, cứ chống gậy trúc ra vườn ngóng gió ngóng mây. Bà luôn tin mình thuộc lòng quyển lịch. Thi thoảng, hàng băng đĩa, bấm lỗ tai dạo ngang qua xóm nghèo, tôi nghe mùi gió rất thơm quyện lẫn thanh âm xập xè phát ra từ bộ loa đài cũ. Gió mang hương hoa cúc chớm tàn báo hiệu mùa đông dài sắp đến. Nhắm mắt lại, thấy muôn tờ lịch bay lên, thấy những câu ngạn ngữ theo tàn mưa mải miết bay về hướng khác.
Cho tới bây giờ, tôi không hiểu sao mình cứ tha thiết mãi với khoảng tường đóng đinh những tờ lịch mỏng và thơm hương hoa cúc trong căn nhà xưa được dẫn vào bằng con ngõ hút sâu hai hàng cúc tần xanh um. Tôi cứ nhớ mãi thi ảnh, cảm giác trong những câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng người đời chưa hiểu hết: Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng/ Âm trang sử lịch thu triền miên trôi. Những tờ lịch cũ, những đóa hoa thơm, như bàn tay in mãi trên tường, gọi về khoảnh khắc chạm khẽ vào mỏng manh như hơi gió./.