Aa

Tháng 1, VND lên giá so với USD

Thứ Tư, 13/02/2019 - 13:02

Nhờ nguồn kiều hối về nhiều trước tết và cán cân thương mại không bị nhập siêu lớn, tỷ giá đã được hỗ trợ với việc đồng VND lên giá 0,1% so với đồng USD (tháng 1/2018 mất giá nhẹ 0,04%). Đây là tín hiệu rất tích cực khởi đầu cho năm 2019.

Chỉ số công nghiệp tháng 1 giảm thấp chủ yếu do Tết Nguyên đán năm nay vào đầu tháng 2; các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết từ tháng 12/2018. Dù vậy, 7,9% vẫn là thấp so với trung bình cùng kỳ.

Số liệu của các chuyên gia phân tích SSI cho thấy, công nghiệp điện tử tăng rất thấp do nền cao của cùng kỳ và do sản xuất điện thoại giảm sút. Số lượng điện thoại sản xuất trong tháng 1/2019 giảm 5,4% so với cùng kỳ.

CPI tháng 1 chỉ tăng 0,1% so với cuối tháng 12/2018. Mặc dù vào tháng trước tết nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng giá nhưng do giá xăng dầu giảm nên CPI nói chung tăng thấp.

Nhờ nguồn kiều hối về nhiều trước tết và cán cân thương mại không bị nhập siêu lớn, tỷ giá đã được hỗ trợ với việc đồng VND lên giá 0,1% so với đồng USD (tháng 1/2018 mất giá nhẹ 0,04%). Đây là tín hiệu rất tích cực khởi đầu cho năm 2019.

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng mạnh tiền đồng để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng dịp cao điểm cuối năm. Lãi suất trên thị trường vì vậy ổn định, lãi suất thị trường 1 có xu hướng giảm nhẹ ở một vài ngân hàng lớn.

Xuất khẩu hàng hóa tháng 1 giảm 1,3% so với cùng kỳ trong đó điện thoại giảm tới 27,5%. Xuất khẩu chậm lại khiến nhập siêu tháng 1 ước tính là 800 triệu USD, xấp xỉ bằng nhập siêu tháng 12/2018.

Được biết, sau 11 năm, Việt Nam đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7%. Bên cạnh con số tăng trưởng GDP trên kỳ vọng, các cân đối vĩ mô cũng được giữ trong tầm kiểm soát.

Lạm phát dưới 4%, đồng VND mất giá dưới 3%, xuất siêu kỷ lục 6,8 tỷ USD, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp được duy trì ổn định. Song song với các con số tích cực, những tín hiệu cảnh báo trong những tháng cuối năm không thể được bỏ qua.

Đó là sự giảm tốc của nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ sang Trung Quốc hay giải ngân vốn đầu tư phát triển.

Tăng trưởng GDP quý IV đạt 7,31%, cao nhất 3 quý, kéo tăng trưởng chung của năm lên 7,08%, cao hơn mục tiêu 6,6 - 6,8% và là mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng 2008. Khác với năm 2016 và 2017 khi sản xuất điện tử chi phối gần như hoàn toàn tăng trưởng công nghiệp. Năm 2018 đã xuất hiện nhiều ngành sản xuất tăng trưởng cao bù đắp một phần cho sự sụt giảm của công nghiệp điện tử, điện thoại.

Một số chỉ số kinh tế cơ bản kinh tế tháng 1/2019 theo số liệu của các chuyên gia phân tích SSI

Một số chỉ số kinh tế cơ bản kinh tế tháng 1/2019 theo số liệu của các chuyên gia phân tích SSI

Chỉ số PMI trong quý IV biến động rất mạnh. Sau khi giảm sâu trong tháng 9, PMI tháng 10 và 11 tăng mạnh với PMI tháng 11 đạt đỉnh cao nhất từ khi có khảo sát là 56,5 điểm. Xu hướng biến động mạnh của Việt nam rất khác biệt so với các nước trong khu vực.

CPI tăng 2,98% so với cuối năm 2017. Cấu thành làm CPI tăng nhiều nhất là giá xăng dầu. Giá xăng E5 trung bình trong năm 2018 là 19,2 nghìn/lít, tăng 11% so với trung bình 2017. Tiếp đến là y tế, thực phẩm và giáo dục.

Tổng lượng khách du lịch đến Việt nam cả năm đạt 15,5 triệu lượt, tăng 19,9%, thấp hơn 2017 là 29,1% do khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc tăng chậm lại.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng tốc trong quý 4 với mức tăng 12,6% theo năm, cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây. Động lực chính đằng sau sự tăng tốc này vẫn là vốn tư nhân, nguồn vốn có tỷ trọng lớn nhất và tăng trưởng cao, đạt 19,9%.

Tính từ đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%. Trong đó vốn tư nhân và NSNN tăng 18,5% và 12,5% theo năm. Giải ngân vốn FDI trong năm 2018 là 19,1 tỷ USD, tăng 10,9% theo năm. Trong đó, riêng tháng 12 giải ngân tăng vọt lên 2,6 tỷ USD, một kỷ lục về giải ngân FDI trong 1 tháng.

Thu ngân sách quý IV bất ngờ không tăng mà lại giảm 0,1% khiến tổng thu năm 2018 chỉ tăng 9,6% theo năm lên, 1,35 triệu tỷ. Ngược lại, tổng chi ngân sách lại tăng tốc 12,5% kéo tổng chi cả năm lên 1,56 triệu tỷ, tăng 10,5% theo năm.

Thâm hụt ngân sách năm 2018 vì vậy tăng lên 204 nghìn tỷ (bằng đúng kế hoạch năm). Tỷ lệ thâm hụt ngân sách cả năm là 3,67%, suýt soát chạm mục tiêu năm 2018 là 3,7% (nhờ GDP tăng cao hơn so với kế hoạch).

Cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp với giá trị xuất siêu cao kỷ lục đạt 6,8 tỷ USD. Trong đó, riêng khối FDI xuất siêu 30,1 tỷ USD. Xuất nhập khẩu tuy tăng chậm hơn năm 2017 nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tích cực.

Tổng giá trị xuất khẩu tăng 13,2% đạt 243,5 tỷ USD, nhập khẩu tăng 11,1% đạt 236,7 tỷ USD. Tổng kim ngạch hai chiều đạt 480 tỷ USD, tương đương 196% GDP. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đi kèm với những biểu hiện ban đầu của suy thoái kinh tế đặc biệt là sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang dần thể hiện ảnh hưởng khi đây là hai đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Thị trường tiền tệ Việt Nam đã có một năm vượt khó thành công. Tính chung cả năm 2018, VND đã mất giá khoảng 2,2-2,3% so với USD, thấp hơn khá nhiều so với mức mất giá của EUR, GPB và CNY lần lượt là 4,5%, 5,7% và 5,4%.

Các công cụ tiền tệ đã được sử dụng rất linh hoạt để kiểm soát tỷ giá. Tăng trưởng tín dụng 2018 ước khoảng 14 - 15%, thấp hơn nhiều so với 3 năm liền trước. Vốn huy động tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 15%.

VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng 12 tại mức 892,54 điểm, khép lại một năm đầy biến động của TTCK Việt Nam. Chỉ số mất 3,81% giá trị trong tháng cuối năm, tương ứng với mức giảm 9,31% trong cả năm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top