Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Thủ tướng thống nhất kiến nghị chỉ định Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư thực hiện hai dự án cấp bách: cải tạo, nâng cấp đường đường cất hạ cánh và đường lăn tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo hình thức chỉ định thầu đối với các dự án đầu tư xây dựng theo lệnh khẩn cấp.
Đề nghị này xuất phát từ kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải cuối tháng 4 vừa qua cũng gửi Thủ tướng đề nghị cho phép Bộ có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án. Tổng mức đầu tư cải tạo hai dự án 4.354 tỷ đồng (dự kiến tiết kiệm 5% tổng dự toán).
Sân bay Nội Bài dự kiến được cải tạo, nâng cấp hết 2.296 tỷ đồng và con số dành cho sân bay Tân Sơn Nhất theo dự kiến là 2.058 tỷ đồng. Số tiền đầu tư cải tạo, nâng cấp lấy từ nguồn tăng thu và phần kinh phí còn lại của ngân sách trung ương 2019. Sở dĩ dự án này nhanh chóng được các bộ thống nhất trình lên vì sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều vượt 1,5 lần công suất thiết kế từ cách đây ba năm. Và đây là những dự án nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, khai thác cho ngành hàng không
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện hai dự án theo lệnh khẩn cấp quy định tại điều 130 Luật Xây dựng và điều 43 Nghị định số 59 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng là có cơ sở.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã ra quyết định giao dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại hai sân bay Tân Sơn Nhất cho Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng giao thông (CIPM) và Ban quản lý Dự án Thăng Long cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Nội Bài.
Với hai quyết định giao quản lý và lập báo cáo nghiên cứu khả thi hai dự án cho hai đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nêu trên, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) không được chỉ định thầu dự án như đề xuất hồi tháng 5/2018 của Bộ Giao thông Vận tải.
Việc cải tạo, nâng cấp hai dự án tại thời điểm ngành hàng không chuẩn bị vào cao điểm khai thác mùa hè nên đòi hỏi các bên phải phối hợp rất chặt chẽ để đạt hiệu quả cao, tránh làm ảnh hưởng đến các chuyến bay.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường cất hạ cánh và đường lăn tại hai sân bay đã quá tải từ lâu do sản lượng khai thác tăng vượt mức từ 15 - 17,2% trong giai đoạn 2010 - 2016. Nên muốn đáp ứng được sản lượng vận chuyển hành khách mỗi năm một tăng từ nay đến năm 2025 thì hệ thống khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn...) tại hai sân bay đều cần phải xây dựng bổ sung hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, nếu không sẽ quá tải về năng lực khai thác trong năm năm tới.