Aa

Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần

Thứ Sáu, 25/02/2022 - 06:06

Trong tâm hồn “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, xuân không mùa và xuân không có tuổi. Con người khi biết yêu thương, phía trước là mùa xuân.

Ngoài Tết sau khi đỡ căng thẳng về tàu xe, tôi mới về quê. Xuân chỉ còn trên những cánh hoa đào đẫm sương. Thi thoảng mưa xuân thì, nẩy nở... Có gì đó thật mơ hồ từ trong ký ức. Có gì đó thúc hối, dù mơ hồ, chưa mạch lạc trong những dự cảm. Tôi cứ bước đi như thế trong hương sắc tầm xuân quê nhà.

Mấy anh em gọi tôi ra quán café Ly Ly nhâm nhi xuân. Nơi chúng tôi ngồi, thuở bé là cánh đồng, nơi tôi từng mò cua bắt ốc. Trước mặt tôi, lúa xuân hè đang kỳ bén rễ, xanh một màu bẽn lẽn. Cánh đồng trước mặt, nghe đâu, đã có quyết định thực hiện dự án đô thị sinh thái, nghe đồn thổi năm nay sẽ khởi công. Như vậy, dân quê tôi, ngày muốn ngắm lại cây lúa sẽ phải sang mấy xã bên cạnh, không còn xa nữa. Đất ruộng nhường chỗ cho dự án này đến dự án khác, khu dân cư mới... Con đường từ quê lên phố, hiện mới là phố thị loại hai, mai sau là thị xã, theo cách ấy, rất nhanh.

Trước mặt tôi, lúa xuân hè đang kỳ bén rễ, xanh một màu bẽn lẽn. (Ảnh minh họa: Internet)

Mấy ngày sau Tết trên quê hương, tôi có theo chân chú em “kinh lý” nhà máy may trong chuỗi các nhà máy của công ty. Công nhân vào ra tươi tắn. Hôm qua họ còn là nông dân. Từ ruộng bước chân vào công xưởng hành trang không có gì nhiều nhặn. Nam thanh, nữ tú quê nhà chuyển từ giai cấp này sang giai cấp khác trong nháy mắt. Tôi ngồi ở phòng bảo vệ nhà máy, ngắm các cháu bước vào bước ra phân xưởng, nhận ra biết bao điều phải suy nghĩ.

Do công việc phân xưởng, nhất là trong mùa dịch giã, yêu cầu sạch sẽ, văn minh được nhà máy đề ra nghiêm ngặt. Thì đấy, cứ nhìn nội quy, cứ nhìn hai thùng dép nhà máy để sẵn phía ngoài và phía trong đủ biết. Thế nhưng, không ai khi bước ra ngoài, đi WC tự giác thay đôi dép dùng trong xưởng bằng đôi dép đi ra ngoài, và ngược lại. Nói chuyện với chú em, gặp câu than: “Đã tập huấn, giảng giải rất nhiều rồi đấy”. “Phải làm kiên trì, kèm theo thưởng, phạt. Phạt là hình thức cưỡng chế hành chính, không thể không làm”, tôi nói thêm. Theo quán chiếu này, con đường từ “văn hóa lúa” sang “văn hóa đô thị”, từ “văn hóa ruộng” đến “văn hóa công nghiệp” rất xa, không dễ hình thành ngay được. Quá trình hình thành nên văn minh đô thị, văn minh công nghiệp ở Việt Nam đang giao thoa, tiếp cận, đào thải. Con đường lên phố của quê tôi, không ngoại lệ.

Thời kinh tế thị trường có nhiều điều thú vị. Ai kinh doanh mà kêu thiếu vốn thì e chưa thuộc bài. Thì đấy, các ngân hàng với các hình thức kinh doanh dẫu đa dạng nhưng sản phẩm truyền thống “đi vay để cho vay” sẵn sàng phục vụ. Thừa tiền để cho vay, theo nhu cầu. 

Quê tôi xưa, ngoài làm ruộng chỉ có nghề dệt chiếu truyền thống. Nay, nghề chiếu đã chết, bởi xu hướng nhu cầu, giá chiếu trúc và sản phẩm công nghệp khác đa dạng ra đời, vừa đẹp vừa tiện ích. Quá trình đô thị hóa, nói chữ theo nghị quyết thì “chuyển dịch cơ cấu”, nôm na là lắm nghề kiếm tiền hơn. Nhờ vậy mà mặt bằng đời sống đã hết lam lũ, bộ phận giàu có đã nhiều lên. Nghèo chỉ có thể là do lười nhác, hoặc hoàn cảnh đặc biệt, khác thường như ốm đau, bệnh tật...

Quê tôi xưa, ngoài làm ruộng chỉ có nghề dệt chiếu truyền thống. Nay, nghề chiếu đã chết, bởi xu hướng nhu cầu, giá chiếu trúc và sản phẩm công nghệp khác đa dạng ra đời, vừa đẹp vừa tiện ích. (Ảnh minh họa: Internet)

Chiều hôm nay mưa lay phay. Ngắm về làng, tầm nhìn không xa nhưng “thấu kính” sậm nước. Mưa chan đều trên khuôn mặt làng, dẫu đã có tên mới là các khu dân cư.

Ngôi làng xưa, đối với tôi, cả một kho tàng hoài niệm. Làng ấy, bây giờ không còn thuần chất. Người làng vừa có ra đi, vừa có người mới đến mua đất định cư. Dân gian xưa có câu: “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”, xưa đầu làng, cuối xóm ai cũng biết nhau, người lạ đến đầu làng, tìm nhà người quen, hỏi trẻ con sẽ được dẫn đến tận nhà. Bây giờ mới, cũ xen dắm khó biết nhau. Thêm nữa, nhà ai cũng tường cao, cổng kín rất “phố” nên không còn gần gũi. Tôi nhận ra hồn cốt của làng đã phôi pha...

Ngôi làng xưa, đối với tôi, cả một kho tàng hoài niệm... (Ảnh minh họa: Internet)

Khu phố mới, nơi làng xưa của tôi, biết bao điều đang va đập. Nhưng tôi tin có một điều không dễ nhạt phai.

Làng tôi còn mấy hộ nghèo, trong đó có gia cảnh anh Bùi Văn Thân, có lẽ là đặc biệt nhất. Đi bộ đội, chiến đấu trên chiến trường bảo vệ biên giới Tây Nam thời “đồng chí trở mặt” để bảo vệ những giá trị cốt lõi của dân tộc. Về làng được ba năm, sau khi cưới vợ, sinh con thì phát bệnh và trở thành một cựu binh tâm thần. Nhâm Dần này, Bùi Văn Thân vừa bước qua tuổi 60. Gần 30 năm nay, từ chỗ bị nhốt trong cũi, đến chỗ nhốt biệt lập trong một gian buồng - quà tặng tình nghĩa của chính quyền địa phương. Người tâm thần, không nhốt lại, vừa nguy cho an toàn của họ, vừa nguy cho tính mạng người khác. Biết bao vụ đốt nhà, án mạng... đã xảy do bệnh nhân tâm thần gây ra.

Trước Tết Nhâm Dần, có dịp về quê trao quà Tết đến 40 hộ đặc biệt ở thị trấn quê nhà, trong đó có suất đặc biệt Bùi Văn Thân, tôi mới lần đầu gặp mặt anh. Tất cả sinh hoạt tại chỗ, dù người nhà đã vệ sinh thường xuyên nhưng mùi xú uế trong không gian chừng ba mét vuông bốc lên, không ai không cảm nhận được. Đời người chỉ được hiện diện một lần trên “cõi tạm”, nhìn anh xa xót cho một số phận. Tôi nảy sinh ý định thành lập một sổ tiết kiệm nhân ái tặng anh, đề phòng lúc ốm đau còn có chút tiền mua thuốc uống, dầu xức.

Ngày 27 tháng Chạp, tôi viết một status (dòng trạng thái) lên trang cá nhân. Rất nhanh, một nữ nhà văn xinh đẹp chuyên viết tiểu thuyết hỏi tài khoản và gửi ngay cho tôi 20.000.000 đồng. Bùi Thành, một người con quê hương hiện làm ăn ở Đức, có dịp về quê ăn Tết, sẵn lòng chia sẻ và vận động bạn bè tham gia 14.000.000 đồng... Tổng cộng, thời gian chỉ gác qua Tết, tôi cùng bạn bè đã có số tiền 50.000.000 đồng, lập sổ và trao tặng anh Bùi Văn Thân. 

Tôi muốn nhân lên lòng nhân ái. Tôi muốn con người làng tôi, dẫu nay đã giàu, đã khá nhưng trong tâm hồn họ luôn có “kênh bắt sóng” trắc ẩn của con người để sẻ chia, bọc đùm.

 

Ảnh minh họa: Internet

Làng lên phố. Con đường vừa ngắn vừa dài. Ngắn nếu nhìn vào những cơn sốt đất dạng “khủng bố”. Cả nước sốt đất sình sịch, từ đô thị lớn bé, kéo theo giá đất vùng vốn là chiêm khê mùa thối. Nếu quán chiếu từ góc độ đất là tài nguyên, là hàng hóa đặc biệt thì việc “đất lên” là mừng. “Bán đất” trở thành nguồn thu chủ yếu của ngân sách từ xã, đến huyện, tỉnh. Nhưng, nếu quán chiếu từ lợi ích toàn cục thì lo hơn mừng. Đất nước đang thời kỳ đầu tư, xây dựng từ hạ tầng giao thông đến các khu công nghiệp, đô thị... Sẽ ra sao, nếu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Giá đền bù cũng góp phần làm cho suất đầu tư luôn lớn, lớn đến sợ.

Nguyên nhân có nhiều, từ khoảng trống luật pháp về đất đai, thuế bất động sản, từ “lợi ích nhóm”, từ “cò” đất, môi giới liên kết, “bắt tay” kích giá lên để trục lợi. Câu chuyện “bỏ của” từ các vụ đấu giá đất nổi đình, nổi đám cuối năm 2021 cho thấy đất từ đô thị đến nông thôn đang được “làm mưa, làm gió” ngoài ý muốn. Đất quê tôi cũng không nằm ngoài “cơn sốt”.

Kết quả những vụ “đấu giá” đất ở, không chỉ dân mà lãnh đạo huyện cũng sửng sốt. Không ngờ, dân lắm tiền thế? Tất nhiên, những người tham gia được thầu, trúng được các vụ đấu giá, đâu phải là những thân phận “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”? Thường họ làm ăn từ phương xa, kể cả ở nước ngoài, phần nhiều thuộc các xã lân cận, nơi có nhiều công dân đang làm ăn bên châu Âu, châu Mỹ.

Trong mỗi ngôi làng xưa, bây giờ cũng rất nhiều người nông dân trở thành những người môi giới bất động sản. Nhiều người giàu lên nhờ môi giới, “lướt sóng”, mua đi bán lại...

Đất đai như vậy. Con người vẫn phải lao vào cuộc mưu sinh, kiếm tiền, làm giàu. Nhưng tấm lòng người dân quê, dẫu pha trộn đến mức nào, tôi tin vẫn giàu lòng trắc ẩn, biết sẻ chia, đùm bọc. Đó là một trong những giá trị căn cốt của yêu thương, của đạo lý.

Thời tiết bây giờ đã lập xuân, dẫu chim én hàng chục năm nay không về nô giỡn trên những cánh đồng, không chíu chít cùng đồng nội. Những ngày đầu lập xuân thật lạnh. Hình như đông chưa muốn qua, còn giành giật với xuân trong những thời khắc giao mùa. Bất giác tôi nhớ câu thơ “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần” (Vội vàng, thơ Xuân Diệu). Trong tâm hồn “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu, xuân không mùa và xuân không có tuổi. Con người khi biết yêu thương, phía trước là mùa xuân.

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

(Vội vàng, thơ Xuân Diệu)

Đó không chỉ là tiếng nói của tình yêu mà còn là tiếng nói của giá trị sống, nhân vị, nhân bản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top