Một năm bắt đầu từ mùa xuân, một đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Câu nói này là chân lý, thân thuộc đến mức thành câu “cửa miệng”. Mùa xuân là mùa của phồn sinh, với mỗi người là mùa của dự cảm.
Tôi có người bạn là nhà thơ, PGS. TS. Nguyễn Linh Khiếu. Là nhà nghiên cứu triết học làm thơ, hẳn nhiên cảm xúc thơ ông có vẻ đẹp triết mỹ. Điều tôi muốn nói, Nguyễn Linh Khiếu là một nhà thơ sinh thái đúng nghĩa. Viết về sinh thái, đã từng nhiều nhà văn, nhà thơ nhưng tác phẩm lẻ tẻ, “gặp đâu viết đấy”. Văn học sinh thái Việt Nam, vẫn đang ở những bước đi đầu tiên.
Nguyễn Linh Khiếu có sự khác biệt. Nếu như năm 2018, ông có trường ca Phồn Sinh dày đến 750 trang; năm 2019 ông có thơ và trường ca Dòng Thiêng; năm 2021 ông có Hoa Linh Thảo dày 286 trang. Thật “ra tấm, ra món”. Điều tôi muốn nói, ông đầu tư cảm xúc cho tác phẩm tinh thần tựa như thực hiện một dự án vật chất.
Thú vị là, trong “Hoa Linh Thảo”, Nguyễn Linh Khiếu dùng đến dung lượng hai chương để nói về nhịp điệu phồn sinh của vùng châu thổ sông Hồng từ thuở hồng hoang cho đến bây giờ. Nhịp điệu đó vang lừng, tinh khôi, nồng nàn... thành bản giao hưởng vĩ đại mà ông gọi là “Hồng ca”. “Nhà thơ của những miền châu thổ sông Hồng không hát lên bài ca ời ợi không hát lên bài ca tưng bừng rực rỡ không ngân lên nhịp điệu tưng bừng của miền châu thổ thì ca ngợi cái gì?” (trang 87).
Chưa thấy một nhà thơ nào yêu và nâng niu sự vĩnh cửu và đau đớn đến thảng thốt như Nguyễn Linh Khiếu. Con giun, con dế, chim chóc, muông thú, châu chấu, cào cào... của tuổi thơ tôi đều có mặt trong thơ Nguyễn Linh Khiếu. Trong “Dòng Thiêng” – thơ dài và trường ca (xuất bản năm 2019) có bản nhạc của sự vĩnh cửu về sinh thái, có dàn đồng ca của tự nhiên. Đến con chuột đồng, ông cũng nâng niu, gọi những con chuột cái là “nàng” với tất cả sự nâng niu tự nhiên.
***
Đọc “Hoa Linh Thảo” của Nguyễn Linh Khiếu đưa tôi trở về âm hưởng của cánh đồng, của tuổi thơ. Tôi sinh ra ở làng quê, lớn lên cùng cánh đồng, những cú vấp ngã đầu tiên cũng trên cánh đồng. Tôi tham gia công việc nhà nông cùng với bố mẹ ngay từ những ngày phân biệt được cây nào là lúa, cây nào là cỏ, đi nhổ cỏ, chăm sóc lúa. Bắp chân trần của tôi, từng bị đỉa quây vào hút máu. Nhớ lại, có những cánh đồng sâu, sao lắm đỉa thế? Chúng rất thính, nghe hơi người, biết bàn chân người động khẽ xuống nước, cứ thế bơi tới.
Tôi từng đi bắt cua đồng, từng cho bàn tay vào hang cua và gặp rắn. Tôi từng đi bắt thia lia quanh những bờ vùng, bờ thửa phía cánh đồng trước mặt làng. Những con cá thia lia sặc sỡ, được bỏ vào chai thủy tinh, chúng bơi lên, bơi xuống... Đó là cả một vùng ký ức, chỉ cần gặp một câu văn, câu thơ nói về nó, tự nhiên nó sống lại.
Ngày xưa, sự cân bằng sinh thái thể hiện ngay trên cánh đồng, trong vườn nhà, thôn xóm. Cuộc sống tự nhiên luôn thế, cân bằng, có loài này, có loài khác, tương hỗ, khắc tinh. Có chuột thì khắc tinh có rắn, có cú mèo, chim lợn... Bây giờ, tất cả gần như biến mất. Thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm diệt cỏ, đủ loại, có nguồn gốc và không có nguồn gốc một thời gian dài đã làm biến đổi tất cả.
Ngày xưa, thật gần gũi, thân thương. Thời bé, tôi vẫn đi trâu, tham gia vào “đội quân” mục đồng cùng chúng bạn. Thường chỉ chăn trâu nửa ngày, nửa ngày đi học. Và trâu cũng đi cày, bừa, lao động cùng nhà nông. Nắng như rang, như róc. Khát nước thì lật ngửa nón lá, dùng tay ấn xuống ruộng, hố bom trên cánh đồng, nước ngấm vào từ dưới chóp nón, cứ thế uống. Chẳng đứa nào đau bụng. Đến ruộng nhà nông, cũng quá đỗi trong lành. Tất cả chỉ còn là ký ức. Con người, một thời gian dài, quên mất môi trường, nghĩa vụ bảo vệ nó, cứ nghĩ con người là “chúa tể”.
Tết Nhâm Dần năm nay là Tết thứ ba, đón Tết vui xuân bên cạnh nỗi lo về Covid-19. Hơn hai năm “hoành hành”, lũ “giặc” phi truyền thống, không nhìn thấy chúng bằng mắt thường, chưa biến mất. Tháng 4/2020, khi “làn sóng lần thứ 2” của Covid-19 vào Việt Nam, tôi viết bài thơ “Con người không phải là chúa tế” (đã in trong tập Mai Ngày, NXB Hội Nhà văn quý IV/2021). Bài thơ có khổ cuối:
...
Tôi muốn hét lên hai tiếng Con Người
xin đừng mặc cả
nâng niu chính ta sao xa xỉ quá
không gian sinh tồn tứ phía bị bủa vây
Corona hiện ra
nói với con người: Các ngươi chẳng còn là chúa tể!
Đúng như thế, Sars-CoV-2 và các biến thể của nó, gần như có một “sứ mệnh” thức tỉnh nhân loại về việc bảo vệ không gian sống, thức tỉnh con người về đoàn kết, thức tỉnh các dân tộc rằng, không có quốc gia nào có thể “đóng kín” và an toàn trong môi trường hội nhập thời công nghệ số. Dễ hiểu vì sao, con người càng thấy xuất hiện nhan nhản các cụm từ: kinh tế xanh, thành phố xanh, đô thị xanh... và cụm từ “sinh thái” như: hệ sinh thái công nghiệp, hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái giáo dục, hệ sinh thái khởi nghiệp..., kể cả hệ sinh thái báo chí. Bất cứ lĩnh vực nào cũng phải có ý tưởng, mục tiêu chiến lược về xây dựng hệ sinh thái, bảo đảm phát triển xanh, bền vững. Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) chắc chắn cũng đang hướng tới hệ sinh thái của mình.
Tôi nhớ, trước khi “làn sóng lần thứ 4” Covid-19 vào Việt Nam, tháng 3/2021, Đại học Đà Nẵng có tổ chức Seminar với chủ đề “Kiến tạo đô thị sinh thái trong bối cảnh hậu Covid-19”. Chương trình đã thu hút được sự tham gia đông đảo của giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên nhà trường tham gia. Đô thị sinh thái - vấn đề không còn mới mẻ, nhưng nội hàm còn chưa thống nhất.
“Nhận thức luôn là một quá trình. Do đó, rất khó nhận xét đúng sai nếu không đủ cơ sở khoa học. Có điều trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng có cơ hội để hóa giải, nếu hiểu đủ, vận dụng đúng dựa trên nền tảng các nguyên lý khoa học. Đô thị sinh thái nếu tiếp cận đúng nguyên lý, vận dụng phù hợp với bối cảnh thì chắc chắn sẽ tiệm cận thành phố đáng sống - theo nghĩa đáng sống với tất cả mọi người và kể cả với các loài sinh vật!”, PGS. TS. Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã nói câu này tại Seminar. Tôi ấn tượng. Bởi sự tiếp cận về đô thị đáng sống của ông phải là nơi tồn tại sự sống của muôn loài trong cân bằng sinh thái.
Cây với tư cách là nguồn gen trong thế giới thực vật, còn biểu tượng cho màu xanh, sinh thái, trường tồn. (Ảnh minh họa: Internet)
***
Trở lại với nhà thơ PGS. TS. Nguyễn Linh Khiếu mà tôi cảm phục. Ông sinh ra từ quê, dù rong ruổi khắp nơi, nhưng xác tín mình thuộc về quê. Đó là nơi: “Nơi lũ trẻ nhà quê suốt tuổi thơ nghe đất đai vỗ về dạy dỗ bài ca hòa thuận/ Có phải mùa xuân đã về rồi không nghe tưng bừng giai điệu cưới xin từ phía cánh đồng” (Những nàng chuột đồng).
“Bài ca hòa thuận” mà Nguyễn Linh Khiếu nói đến chính là sự cân bằng về đa dạng sinh học, là triết lý đa dạng. Trong bài thơ “Sáo đen mỏ vàng”, con sáo cũng biết bâng khuâng: “ta là kẻ hành hương về cội rễ của mình/ chẳng mê mải gì vẫn tìm về cõi hài hòa”. Không khó tìm ra từ “hài hòa” hoặc tương tự trong các bài thơ khác Nguyễn Linh Khiếu viết về chủ đề mà ông đắm đuối.
Từ "sinh thái học" từ sớm đã xuất hiện trong tiếng Đức, tức là die Okologie, tiếng Anh là the ecology. Chủ nghĩa sinh thái không phải xuất hiện từ con số không. Tư tưởng của nó có quan hệ mật thiết với phong trào chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ 18. Năm 1858, cuốn sách “Walden” của nhà văn Thoreau người Mỹ đã thể hiện quan niệm của mình về sự hài hòa giữa con người và tự nhiên.
Nguyễn Linh Khiếu là tiến sỹ triết học, ông lắng lo vấn đề này với một tư duy khác. “Ta là nhà thơ thấm đẫm cội rễ của mình/ bến bờ quê hương cánh đồng lam lũ/ trong tâm khảm ta rì rào tiếng sóng/ trong tâm hồn ta rộng dài nắng gió/ trong tâm hồn ta xanh mướt cỏ cây...”, (Ban mai Diêm Điền) nên lắng lo bật lên cùng cảm xúc. Cảm xúc của Nguyễn Linh Khiếu về những vấn đề của vĩnh cửu, của trường tồn, nếu ai để ý sẽ giật mình.
Tết năm nào tôi cũng về quê. Có lẽ trong muôn vàn dư vị Tết, dư vị đồng quê luôn nồng nã. Những đêm mất ngủ, tôi lắng nghe bản nhạc vĩ đại của đất trời, dàn đồng ca của giun, dế mang thông điệp phồn sinh, khởi tạo của cuộc sống. Không phải đất nào cũng có giun, không hẳn cánh đồng nào cũng nhiều dế. Có lẽ thế giới tự nhiên cũng có những sính lễ khi đất trời giao mùa. Chắc chắn thế, xuân của lòng người gắn với xuân của đất trời, trong nhịp điệu của sinh thái.
Lúc sinh thời, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân dân với bút danh Trần Lực, kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả nước, trở thành một phong tục đẹp, thành một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Cách đây hơn một năm, tháng 11/2020, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021 - 2025. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Cây với tư cách là nguồn gen trong thế giới thực vật, còn biểu tượng cho màu xanh, sinh thái, trường tồn.
Mùa xuân bao giờ cũng là bắt đầu của những khởi tạo./.