Aa

Tháng Giêng ta đi hội

Thứ Sáu, 15/02/2019 - 03:30

Dạo mới lấy vợ, tôi vào chùa Hương cầu nguyện và nghe một ông thày xui vào xoa đầu cậu để đẻ con trai. Hương khói, mây núi bảng lảng, mắt nhắm mắt mở, tôi xoa nhầm vào đầu cô. Sau vố xoa nhầm đó, chả biết linh ứng đến đâu nhưng theo đủ cách tôi vẫn chỉ sinh được hai hoàng tử đái ngồi...

Dạo còn trẻ, chả năm nào tôi không đi Hội Gò Đống Đa trên phố Tây Sơn. Mồng Năm Tết, Hà Nội vẫn đang ngập tràn không khí xuân mới. Dòng người ùn về chơi Hội đông đúc, phải cấm mấy ngả đường dành cho người đi bộ tới Hội. Nam thanh, nữ tú, ăn mặc đẹp, diễu hội, hòa vào các trò chơi kỷ niệm đánh quân Thanh của triều đại Quang Trung và cũng là dịp để “lườm mặt” nhau tìm hiểu.

Không hề nói phét, dạo mới bộ đội về đi Hội Gò Đống Đa, tôi tăm tia cưa cẩm được một em cực xinh gái và nền nếp. Hiềm một nỗi dạo đó nghèo quá, lại lông bông, nghề ngỗng chả đâu vào đâu, nên phải bỏ cuộc và tiếc đến tận bây giờ. Hội Gò Đống Đa mang tinh thần thượng võ, cờ xí rợp trời, màu sắc lộng lẫy, các trò chơi tưởng nhớ đến trận thắng lịch sử Ngọc Hồi - Gò Đống Đa, rất hào khí và vui mắt. Lâu nay tuổi tác dày thêm thì tôi ngại vào những chỗ đông người. Thấy bảo Hội vẫn rất đông vui cuốn hút người xem.

Tháng Giêng, Hà Nội có mấy lễ hội lớn, lạ là đều liên quan đến binh đao trận mạc. Ngày mồng 6 có hai lễ hội lớn trùng ngày là Hội Cổ Loa và Đền Sóc (Hội Gióng). Đền Sóc tưởng nhớ vị anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, sau khi đánh tan giặc ngoại xâm đã bay về trời. Lễ hội về Thánh Gióng có nhiều địa phương tổ chức nhưng hội đền Gióng là địa điểm được tổ chức hoành tráng nhất. Đền Gióng nằm ở xã Phù Linh huyện Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày.

Riêng Hội Cổ Loa, thì tôi hay sang chơi năm mới, vì có một anh bạn thân là đồng đội cũ dạo chiến tranh. Thành cũ Cổ Loa ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, giờ chỉ còn lại mấy đoạn trường thành di tích bằng đất và cụm đền thờ. Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ mồng 6 tháng Giêng vắt qua rằm, tưởng nhớ đến An Dương Vương Thục Phán, người lập ra nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa. Nhiều trò chơi dân gian được dân sở tại và khách thập phương tham gia rất xôm trò. Ngày mở đầu làm lễ tế thần rất cung kính. Hậu cung được mở cho mọi người vào chiêm ngưỡng, cúng bái. Tôi ấn tượng với màn vật của Hội. Đất Cổ Loa kinh thành là đất vật. Trai tráng rất đô con, khỏe mạnh. Dạo chiến tranh, anh em chiến sĩ quê Cổ Loa là những người xông xáo, chiến đấu dũng cảm, đặc biệt là khỏe, nên tinh làm những việc nặng.

Anh bạn tôi tên là Lít, một nông dân chính hiệu có nghề mổ lợn. Anh này có cô con gái theo nghề võ sĩ judo, từng đoạt huy chương vàng SEA Games. Rất đông văn nhân, nhạc sĩ, đạo diễn điện ảnh đã sang chơi Hội cùng tôi và trở nên thân thiết với chủ nhà. Nhớ một lần, cố giáo sư Trần Quốc Vượng cùng nhóm tôi về chơi Hội. Ông đã lý giải rất hay về bánh tày và bánh dày, được sử dụng dịp Tết ở Cổ Loa. Bánh tày là loại bánh tròn kiểu như bánh tét ở miền Nam nhưng ngắn hơn. Ông Trần Quốc Vượng bảo bánh tày là bánh chầy tượng dương, còn bánh dày là tượng âm, nó cũng như đàn ông và đàn bà, trời và đất. Chả hiểu có phải thật thế không, nhưng chả ai cự lại được lý lẽ của giáo sư. Người Cổ Loa có tố chất đặc biệt về nhân dạng. Anh Lít bạn tôi chân rất to và ngón cái tõe ra kiểu chân của người Giao Chỉ cổ. Trong làng hiện nay có không ít người chân như vậy.

Lễ hội Chùa Hương.

Lễ hội Chùa Hương.

Tháng Giêng với lễ hội, hiển nhiên phải tính đầu bảng là Hội chùa Hương. Lễ hội chùa Hương có lẽ lớn nhất nước Việt. Đây là khu danh thắng Hương Sơn được coi là đất Phật nên trong đời ai cũng có ao ước được một lần đặt chân đến. Lễ hội chùa Hương mở từ đầu tháng Giêng và kéo dài trong 3 tháng. Nhưng vì đây là thắng cảnh có một không hai nên du khách đi thăm thú quanh năm. Chùa Hương cảnh đẹp, có suối có non cao. Du khách thưởng ngoạn thú đi thuyền bồng bềnh trong non nước mây trời như lạc vào tiên cảnh. Hành trình đến động Hương Tích là một chặng thử thách cho lòng kiên nhẫn và khi đến nơi thì vỡ òa cảm xúc. Thật hiếm có những phút giây sung sướng như thế trong đời người.

Dạo mới lấy vợ, tôi vào chùa Hương cầu nguyện và nghe một ông thày xui vào xoa đầu cậu để đẻ con trai. Hương khói, mây núi bảng lảng, mắt nhắm mắt mở, tôi xoa nhầm vào đầu cô. Sau vố xoa nhầm đó, chả biết linh ứng đến đâu nhưng theo đủ cách tôi vẫn chỉ sinh được hai hoàng tử đái ngồi. Ít năm gần đây, chùa Hương đã được xây dựng hệ thống cáp treo, giảm đi sự vất vả cho du khách thăm động. Nhưng tôi vẫn thích để nguyên sơ như cũ để du khách được tận hưởng cảm giác vỡ òa khi đến đích.

Đây chỉ là mấy lễ hội lớn của Hà Nội ở tháng Giêng. Hà Nội có bao nhiêu đền phủ thì có ngần ấy lễ hội nhỏ lẻ, chẳng thể tính hết được. Người ta đầu năm đi lễ cầu khấn lộc lá làm ăn hanh thông, cầu đủ thứ, tài, vận, tiền, tình, sức khỏe. Lễ hội với niềm tin tâm linh là lành mạnh nhưng cũng có không ít người biến đền phủ thành nơi cầu cúng quá đà, buôn thần bán thánh. Nói đến lễ hội, phần lễ trang trọng thành kính và phần hội thì vui vẻ hòa đồng. Những trò chơi dân gian được duy trì như vật, kéo co, chơi đu… nhưng cũng không thiếu nhưng vấn nạn xã hội len vào lễ hội. Có những nơi lợi dụng tự do tín ngưỡng nên du nhập mê tín dị đoan đồng cốt vào lễ hội. Bói toán, cờ bạc có mặt ở mọi lễ hội, chưa thể giải quyết. Vấn đề môi trường cũng nhức nhối. Nạn chém chặt du khách vẫn còn phổ biến. Một vấn đề biến tướng trong lễ hội là nạn cướp lộc gây ra ẩu đả. Lễ hội Gióng có tục cướp hoa tre và trầu cau. Vì lễ hội không phát lộc, nên muốn có thì phải cướp. Đã có những xô xát giữa các nhóm trai làng để tranh giành. Thứ cướp mà một vị tuyên giáo trước đây đã khẳng định đó là cướp có văn hóa. Văn hóa hay không chưa bàn, nhưng để bạo lực trong lễ hội là điều không thể chấp nhận.

Năm nay dù mới là đầu hội chùa Hương nhưng đã có rất nhiều người đi vãn cảnh chùa du xuân gây cảnh tắc nghẽn. Dù vậy đã có những lời khen ngợi cách quản lý của chính quyền. Cảnh sát được tăng cường bảo vệ an ninh trật tự. Quy định niêm yết giá ngủ trọ và các dịch vụ ăn uống, cấm treo bán thú rừng… đã cho du khách những cảm giác ấm áp về một vùng thắng cảnh đẹp nhất nhì đất nước. Viết đến đây vừa đủ khuôn khổ bài viết, chợt tôi nhớ ra anh bạn Lít của tôi ở Cỗ Loa. Chẳng biết học hành khi nào nhưng năm nay anh vanh vách bói cho khách đến nhà. Cũng phán xanh rờn tiền vận, hậu vận, khí chất, tính tình, tướng mạo, vận hạn... Hỏi thì anh cười hề hề, nay mai không còn sức vật lợn để mổ nữa thì ra đền làm thày bói kiếm ăn.

Vui thật, lễ hội Hà Nội của tôi...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top