Hệ luỵ từ những dự án "treo"
Về nguồn cơn của các dự án “treo”, ngoài yếu tố khách quan thì trách nhiệm của các đơn vị tham mưu trong việc thực hiện công tác chuyên môn cũng là vấn đề cần xem xét kỹ. Trong đó, các đơn vị, ngành chức năng tham mưu chưa thực hiện tốt các dự báo đánh giá về tính khả thi của dự án, các biến động của nền kinh tế, năng lực, tiềm lực tài chính ứng phó của doanh nghiệp khi xảy ra biến cố… dẫn đến hình thành nên nhiều dự án "treo", chậm tiến độ.
Cụ thể, với dự án khu đô thị ven biển Tiên Trang (Xã Quảng Thạch - huyện Quảng Xương), chủ đầu tư là công ty TNHH Soto đã và đang "tốn nhiều giấy mực" của báo chí hơn chục năm qua, cũng như gây bức xúc cho người dân sinh sống tại đây. Hệ luỵ để lại của sự chậm trễ này là nhiều hộ dân tại xã Quảng Thạch không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hoặc đã có GCNQSDĐ nhưng cùng chung một tình trạng là không được xây dựng kiên cố dù nhà cửa đã dột nát, thành viên trong gia đình thì mỗi lúc lại tăng thêm. Điều này khiến người dân đặt dấu hỏi về trách nhiệm của UBND xã Quảng Thạch nói chung, UBND huyện Quảng Xương nói riêng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân địa phương.
Chưa kể đến do công tác quản lý "lỏng lẻo" đối với các công trình xây dựng tại địa phương của chính quyền xã Quảng Thạch - Huyện Quảng Xương vừa qua, đã dẫn đến hình thành một công trình sai phép kiên cố hàng trăm mét vuông của gia đình ông Lê Văn Thịnh, gây tổn thất lớn về tài sản của dân cũng như thiệt hại cho ngân sách nhà nước khi phải huy động nhiều nhân lực cán bộ, máy móc để có thể hoàn thành việc cưỡng chế công trình trên.
Như Reatimes đã thông tin ở những bài trước, liên quan đến vướng mắc của những dự án "treo", vừa qua, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở TN&MT, có nhiều câu hỏi liên quan đến việc một số dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất, qua nhiều năm, được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cùng đó, việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn chậm, vẫn còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Ngoài ra, hiện nay, tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện rất chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án; kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất và đảm bảo nguồn thu ngân sách các cấp, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lê Sỹ Nghiêm thông tin, Thanh Hóa có 339 dự án, có 18 dự án không triển khai thực hiện, 231 dự chậm tiến độ từ 12 tháng trở lên và có 156 dự án chậm 24 tháng, tăng 96 dự án so với những năm trước đây. Lý do các dự án chậm, vi phạm luật đất đai do các dự án khó triển khai, không thể triển khai do giá cả, ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, lãi suất ngân hàng cao.
Một số nhà đầu tư lập dự án không có tính khả thi, sát thực tế; không có năng lực thực hiện dự án, thậm chí có một số nhà đầu tư chờ để chuyển nhượng dự án và một phần lỗi thuộc về một số sở ngành, cấp huyện, địa phương.
Đối với các dự án chậm triển khai, không triển khai vi phạm luật đất đai đối với các nhà đầu tư đối với những dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, đối với các dự án chậm chưa quá 24 tháng thì các đơn vị sở, ngành, địa phương phải đôn đốc thực hiện nếu vướng mắc thì phải phối hợp các cơ quan chức năng, yêu cầu nhà đầu tư phải báo cáo theo định kỳ.
Trường hợp các nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ, chậm tiến độ, không triển khai dự án thì kiên quyết thu hồi đất các dự án vi phạm pháp luật về đất đai. Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu rõ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng nâng cao chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Đặc biệt, không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không đảm bảo nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu tư dự án; có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định đầu tư.
Dự án khu đô thị du lịch ven biển Tiên Trang” do Công ty TNHH SOTO làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch từ năm 2004, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch và gia hạn bởi những lý do khác nhau dẫn đến chậm tiến độ, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của các hộ dân có đất trên vùng quy hoạch “treo”, kéo theo sự việc căng thẳng khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin ở những bài tiếp theo./.