Aa

Thanh Hóa hướng tới khát vọng thịnh vượng

Thứ Năm, 09/05/2019 - 10:31

Ông Trịnh Văn Chiến: "Công tác tổ chức bộ máy và cán bộ là yếu tố then chốt quyết định cho thực hiện thành công khát vọng thịnh vượng của Thanh Hóa trong giai đoạn tới".

Tối 8/5, tại Quảng trường Lam Sơn (TP. Thanh Hóa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tỏa sáng non sông đất nước”.

Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, đông đảo nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Trong diễn văn khai mạc, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã nêu bật ý nghĩa của dấu mốc lịch sử 990 năm Thanh Hóa, đồng thời nhấn mạnh, công tác tổ chức bộ máy và cán bộ là yếu tố then chốt quyết định cho thực hiện thành công khát vọng thịnh vượng của Thanh Hóa trong giai đoạn tới.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu diễn văn của ông Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hoá.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành bạn!

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động!

Thưa các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể nhân dân!

Từ lâu, câu hỏi về thời gian ra đời tên gọi Thanh Hóa của vùng đất này đã trở thành sự trăn trở khôn nguôi của nhân dân và nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh. Với tình cảm và trách nhiệm lớn lao, nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm giải đáp những mong đợi và tình cảm thiêng liêng đó.

Bằng những cứ liệu lịch sử khách quan, khoa học đã được kiểm chứng, đến nay chúng ta có thể yên tâm khẳng định: Vào thời Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ 2 (1029), vùng đất Ái Châu này đã chính thức được mang tên Thanh Hóa - cái tên gần gũi, thân thương, nhưng cũng hết sức quật cường, trung dũng, đã gắn liền và khắc sâu vào lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta.

Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Trong niềm phấn khởi và tự hào sâu sắc, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 9201 ngày 30-3-2019; hôm nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019). Sự kiện này không chỉ nhằm khẳng định một dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương Thanh Hóa anh hùng, mà còn là dịp để mỗi người dân chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của nhân dân Thanh Hóa trong lịch sử hào hùng của dân tộc, để vững tin và quyết tâm chung sức, chung lòng xây dựng Thanh Hóa nhanh chóng trở thành một “tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, chúng ta xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các bậc khai quốc công thần và lớp lớp những người dân Thanh Hóa đã hy sinh anh dũng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ quê hương, đất nước.

Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành bạn; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể nhân dân lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước!

Thưa các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể nhân dân!

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, dù vùng đất này đã mang những tên gọi khác nhau, như: Cửu Chân, Cửu Đức, Ái Châu hay Thanh Hóa thì nơi đây vẫn là một địa phương có địa dư khá ổn định, có sắc thái văn hóa riêng, có truyền thống lịch sử hào hùng in đậm dấu ấn trong mỗi bước thăng trầm của dân tộc.

Là một tỉnh đông dân, có núi cao, biển rộng, sông dài, có vùng đồng bằng rộng lớn, lại nằm trên trục giao lưu Bắc - Nam và Đông - Tây của đất nước, Thanh Hóa thực sự là kho người, kho của, là địa bàn chiến lược quan trọng “tiến có thế công, thoái có thế thủ” trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Nói về vị trí của Thanh Hóa, nhà sử học Phan Huy Chú đã khẳng định trong Lịch triều Hiến chương Loại chí, rằng: “Thanh Hóa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều đại trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.

Tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ kỷ niệm 990 Thanh Hóa với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tính sử thi.

Tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc mang tính sử thi.

Với những di chỉ, di tích phong phú còn lưu lại trên nhiều vùng miền trong tỉnh, lịch sử đã khẳng định: Thanh Hóa không chỉ là một trong những cái nôi của người Việt cổ, từ sơ kỳ thời đại “đá cũ”, nơi đầu tiên phát hiện tập trung một khối lượng đồ sộ những hiện vật tiêu biểu của nền văn minh Đông Sơn; mà còn là nơi sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt, văn nhân, võ tướng cho đất nước. Có thể nói, trong dòng chảy sôi động, không ngừng của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ở tất cả các bước ngoặt quan trọng đều in đậm dấu ấn, công lao những người con ưu tú của Thanh Hóa. Tiêu biểu là:

- Hình ảnh lẫm liệt của nữ anh hùng Triệu Trinh Nương mới 18 tuổi đã tụ binh khởi nghĩa đánh đuổi quân Ngô; đối đầu với tướng nhà Ngô - Lục Dận, năm 248, với câu nói bất hủ: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ nhất định không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người”.

- Là Dương Đình Nghệ đã nhiều năm nuôi dưỡng hàng ngàn thực khách, tập hợp nhân tài, lập nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất, xưng Tiết độ sứ, chuẩn bị để giành độc lập. Tuy sự nghiệp chưa thành vì bị ám hại, nhưng Dương Đình Nghệ đã tạo ra những tiền đề quan trọng để sau này Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán, xác lập nền độc lập cho đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc.

- Là Lê Hoàn trí dũng hơn người đã ra tay phá Tống, bình Chiêm, sắp xếp lại triều chính, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững nền độc lập còn non trẻ của Đại Việt.

- Là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng, lãnh đạo với hầu hết các công thần là người Thanh Hóa, sau 10 năm “nếm mật nằm gai” đã lấy lại đất nước từ tay nhà Minh tàn bạo, lập nên “Nền thái bình muôn thuở” và rửa đi “Nỗi hổ thẹn ngàn thu” cho dân tộc.

Khi nhà Lê suy yếu, chính sự rơi vào tay nhà Mạc, chính Nguyễn Kim và sau này là Trịnh Kiểm cùng các Chúa Trịnh đã đứng ra khôi phục quốc thống nhà Lê, giữ cho Vương triều này tồn tại hơn 360 năm trong lịch sử.

Để có được non sông liền một dải như ngày nay, lịch sử không bao giờ quên công lao mở mang bờ cõi của các Chúa Nguyễn và Vương triều nhà Nguyễn.

Trong Phong trào Cần vương, cùng với các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tiếp tại: Ba Đình, Hùng Lĩnh, Mã Cao...; sự hy sinh anh dũng của các văn thân, sĩ phu, như: Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao,... đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước quật cường của nhân dân Thanh Hóa trong những ngày đầu chống Pháp.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 29/7/1930, Đảng bộ Thanh Hóa đã được thành lập. Đây là bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng của tỉnh nhà. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cùng với cả nước đã làm nên cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân; đã đóng góp to lớn sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới. Công lao của Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ như Bác Hồ kính yêu đã nói: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Những chiến thắng vang dội của quân và dân Hàm Rồng, Nam Ngạn, Đò Lèn, Lạch Trường, phà Ghép,... trong chiến tranh chống Mỹ, cùng với sự hy sinh anh dũng của hơn 56 ngàn liệt sĩ, sự đóng góp xương máu của gần 47 ngàn thương binh, là những minh chứng hùng hồn khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước sáng ngời của quê hương Thanh Hóa.

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa vừa phải gồng mình khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; vừa phải tiếp tục chi viện cho chiến tranh bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước. Trong bối cảnh đó, nhờ coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững đoàn kết nội bộ, phát huy sức mạnh và sự đồng thuận của nhân dân, Thanh Hóa đã nhanh chóng vượt qua những cản trở của tư duy bao cấp, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường; khơi dậy được nguồn lực từ các thành phần kinh tế và thu hút đầu tư từ bên ngoài; do vậy, các lĩnh vực của đời sống xã hội đã có sự thay đổi sâu sắc, toàn diện. Kinh tế tăng trưởng vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được cải thiện; nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng; quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự xã hội được tăng cường; quy mô, chất lượng nền kinh tế cũng như thế và lực của tỉnh không ngừng được cải thiện theo chiều hướng tích cực.

Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, hầu hết các lĩnh vực đều có sự phát triển đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 đạt 15,16%, đứng thứ 3 cả nước và quý I/2019 đạt tới 24,8%; tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2018 đạt gần 23.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015 và gấp gần 6 lần năm 2010. Khu Kinh tế Nghi Sơn thực sự đã trở thành đầu tàu kinh tế, cùng với khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn tới.

Những thành tựu đã đạt được không chỉ là kết quả của tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; ý thức trách nhiệm và sự kiên trì, quyết liệt theo đuổi những mục tiêu đã lựa chọn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; mà còn là sự kết tinh truyền thống hào hùng của ông cha đã được hun đúc qua hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử.

Mỗi thành tựu và niềm tự hào mà Thanh Hóa có được hôm nay đều in đậm dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội; sự quan tâm thường xuyên của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành bạn. Tại diễn đàn trọng thể này, tôi xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những tình cảm cao quý và sự giúp đỡ to lớn đó.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước!

Thưa các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể nhân dân!

Phấn khởi, tự hào trước những thành quả đã đạt được; song, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Thanh Hóa đều thấy rằng, tất cả những gì đã làm được vẫn còn chưa xứng tầm với truyền thống, tiềm năng và thế mạnh vốn có hiện nay. Thanh Hóa vẫn là tỉnh có GRDP bình quân đầu người còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; thu ngân sách vẫn còn chưa đủ trang trải cho yêu cầu chi thường xuyên và đòi hỏi ngày càng cao của đầu tư phát triển; đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn; cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội,...

Nhận thức đầy đủ những khó khăn, trở ngại, phát huy những thành quả đã đạt được, Thanh Hóa đang quyết tâm thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, để đến năm 2020 trở thành tỉnh khá, chủ động được ngân sách và sau năm 2020, có đóng góp ngân sách cho Trung ương; đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm các tỉnh mạnh của cả nước và sớm trở thành “tỉnh kiểu mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Hướng tới khát vọng thịnh vượng đó, Thanh Hóa tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển; gắn xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, có hàm lượng trí tuệ cao, với xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, có khối lượng hàng hóa lớn; chú trọng phát triển phong phú, đa dạng các hoạt động dịch vụ, du lịch; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội; thường xuyên chăm lo củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường bình yên cho nhân dân.

Yêu cầu phát triển toàn diện với nhịp độ cao đòi hỏi các cấp chính quyền phải thực sự đổi mới, sáng tạo, nhạy bén trong chỉ đạo, điều hành; chú trọng cải cách hành chính; xây dựng bằng được đội ngũ công chức tinh thông về nghiệp vụ, mẫn cán và liêm chính trong công việc, văn minh lịch sự trong ứng xử.

Hướng tới khát vọng thịnh vượng, tỉnh Thanh Hóa đã nhờ tư vấn quốc tế nghiên cứu, xác định đường hướng phát triển, trong đó đã làm rõ mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp khả thi với từng giai đoạn từ nay đến năm 2030, và sau năm 2030. Nhân tố quyết định còn lại là công tác tổ chức bộ máy và cán bộ; lãnh đạo Thanh Hóa đã, đang và sẽ đặc biệt coi trọng công tác này. Cũng là yếu tố then chốt quyết định cho thực hiện thành công khát vọng thịnh vượng của Thanh Hóa trong giai đoạn tới.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước!

Thưa các đồng chí đại biểu, cùng toàn thể nhân dân!

Để tiến tới những khát vọng cao đẹp và những mục tiêu to lớn đã được xác định, trước mắt, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng, với khí thế hào hùng và truyền thống vẻ vang của quê hương; với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; sự động viên, cổ vũ của các tỉnh, thành bạn, chắc chắn Thanh Hóa có đủ niềm tin, quyết tâm và nghị lực để biến khát vọng thịnh vượng trở thành hiện thực.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, xin trân trọng gửi tới đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu và toàn thể nhân dân lời cảm ơn sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top