Aa

Thanh Hóa: Huyện Tĩnh Gia cố tình hợp thức hóa cho vi phạm?

Thứ Hai, 30/03/2020 - 16:21

Dư luận đặt hoài nghi về trách nhiệm quản lý của huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) sau khi một doanh nghiệp xây dựng không phép xưởng may rộng hàng trăm mét vuông trên đất nông nghiệp và đất đê điều nhưng không bị xử lý.

Như đã phản ánh trong bài viết: "Thanh Hóa: Bất chấp bị xử phạt, công ty Sông Lam vẫn ngang nhiên hoạt động", về việc hộ ông Hồ Bá Lam, Giám đốc công ty Sông Lam, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, đã xây dựng xưởng may trên phần đất nông nghiệp của gia đình. Bao gồm nhà xưởng được xây dựng kiểu lắp ghép 2 tầng, trên nền diện tích khoảng 600m2. Qua quan sát từ bên ngoài, nhà xưởng với đầy đủ hệ thống gồm nhà xưởng chính, nhà để xe cho công nhân, nhà bảo vệ. 

Hệ thống nhà máy được bao bọc bởi hệ thống tường rào kiên cố có đường điện cao áp dẫn thẳng vào khu nhà máy để hoạt động. Ngoài phạm vi nhà máy, bên ngoài cổng có 3 thùng container để ngổn ngang chiếm dụng hành lang đê kênh Than. Các nhà xưởng này chưa được các cơ quan chức năng cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hay các thủ tục đầu tư, phòng cháy, chữa cháy,...

Xưởng may không phép của công ty Sông Lam (Tĩnh Gia, Thanh Hóa)

Mới đây huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã có văn bản số 14/BC-QTXD ngày 30/03/2020 thông tin việc công ty TNHH dịch vụ vận tải Sông Lam (công ty Sông Lam) xây dựng xưởng may không phép tại xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia.

Cụ thể, tại Văn bản này cho biết hộ ông Hồ Bá Lam là giám đốc công ty TNHH dịch vụ vận tải Sông Lam xây dựng xưởng may trên đất ở, đất vườn và một phần diện tích trên đất nông nghiệp, đất do UBND xã quản lý khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm về sử dụng đất đai và trật tự xây dựng trên tổng diện tích đất là 1.720 m2.

Trong đó, đất ở và đất vườn là 590,9 m2, đất nông nghiệp 10% là 320,0 m2, đất BCS (đất bằng chưa sử dụng do xã Thanh Sơn quản lý) là 168,0 m2, đất sông suối không sử dụng (đất bờ đê và sông Kênh Than) là 642,0 m2. (Trước đó ngày 26/03/2019, UBND xã Thanh Sơn lập biên bản xử phạt 1,5 triệu đồng đối với ông Hồ Bá Lam vì hành vi xây dựng nhà xưởng trên diện tích đất nông nghiệp là 235,8 m2 và đất vườn, đất ở là 550,9 m2).

Đồng thời, ông Hồ Bá Lam đã xây dựng trái phép công trình nhà xưởng 800 m2 (đất đất nông nghiệp là 10% là 235,8 m2, đất ở và đất vườn là 590,9 m2) cao 2 tầng khoảng 1600 m2. Xây dựng cột che bạt làm bãi đỗ xe, nơi ăn ca cho công nhân, tập kết hàng hóa là 894,2 m2.

Như vậy, với quy mô xây dựng lên đến gần 2000 m2 bao gồm nhà xưởng và các công trình phụ trợ khác nhưng công ty Sông Lam chỉ bị UBND xã Thanh Sơn (Tĩnh Gia) xử phạt 2 lần với tổng số tiền 5,5 triệu đồng và trách nhiệm của UBND huyện Tĩnh Gia là chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp UBND xã Thanh Sơn kiểm tra hiện trạng và các hồ sơ liên quan, đồng thời xử lý vi phạm hộ ông Hồ Bá Lam.

Và theo như văn bản báo cáo của Đội kiểm tra quy tắc xây dựng huyện Tĩnh Gia thì Đội sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND xã Thanh Sơn phối hợp với các phòng ban chức năng thuộc UBND huyện hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm theo đúng quy định. 

Trước mắt yêu cầu hộ ông Hồ Bá Lam tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp và đất do xã quản lý, sau ngày 30/06/2020 công ty Sông Lam chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý sẽ cưỡng chế tháo dỡ các công trình còn lại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, dư luận đặt câu hỏi hoài nghi về trách nhiệm quản lý của UBND huyện Tĩnh Gia đang ở đâu trong việc để một xưởng may không phép xây dựng trên đất nông nghiệp, đất đê điều tồn tại gần 2 năm qua mà không có cách xử lý mà lại tham mưu cho UBND huyện Tĩnh Gia gia hạn cho công ty Sông Lam tới ngày 30/06/2020 để hoàn thiện hồ sơ nhằm hợp thức hóa cho sai phạm?

Việc hơn 800 m2 (đất bờ đê và kênh than, đất BCS) do xã quản lý bị công ty Sông Lam chiếm dụng nhưng không xử lý, kịp thời thu hồi? Nếu để xảy ra hỏa hoạn thì tính mạng của hàng trăm công nhân đang làm việc ở xưởng may này ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Rất mong cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa làm rõ vấn đề này.

Theo tìm hiểu được biết ngày 30/05/2019 Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 1540/BQLKKTNS&KCN về việc dừng tham gia ý kiến về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy may Sông Lam vì lý do công ty Sông Lam có đơn xin rút hồ sơ để chỉnh sửa phương án đầu tư.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top