Chiều 11/7, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở TN&MT, trong đó có nội dung về việc, nhiều dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất nhưng qua nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; Tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng. Giám đốc các Sở trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm các nội dung đại biểu chất vấn, nêu thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Phiên chất vấn mở đầu với nhiều câu hỏi liên quan đến việc, hiện nay, nhiều dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất nhưng qua nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cùng đó, việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn chậm, vẫn còn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Ngoài ra, hiện nay, tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện rất chậm, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án; kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất và đảm bảo nguồn thu ngân sách các cấp, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lê Sỹ Nghiêm thông tin, Thanh Hóa có 339 dự án, có 18 dự án không triển khai thực hiện, 231 dự chậm tiến độ từ 12 tháng trở lên và có 156 dự án chậm 24 tháng, tăng 96 dự án so với những năm trước đây. Lý do các dự án chậm, vi phạm luật đất đai do các dự án khó triển khai, không thể triển khai do giá cả, ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, lãi suất ngân hàng cao.
Một số nhà đầu tư lập dự án không có tính khả thi, sát thực tế, không có năng lực thực hiện dự án, thậm chí có một số nhà đầu tư chờ để chuyển nhượng dự án và một phần lỗi thuộc về một số sở ngành, cấp huyện, địa phương.
Đối với các dự án chậm triển khai, không triển khai vi phạm luật đất đai đối với các nhà đầu tư đối với những dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, đối với các dự án chậm chưa quá 24 tháng thì các đơn vị sở, ngành, địa phương phải đôn đốc thực hiện nếu vướng mắc thì phải phối hợp các cơ quan chức năng, yêu cầu nhà đầu tư phải báo cáo theo định kỳ.
Trường hợp các nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ, chậm tiến độ, không triển khai dự án thì kiên quyết thu hồi đất các dự án vi phạm pháp luật về đất đai.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu rõ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng nâng cao chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Đặc biệt, không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không đảm bảo nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu tư dự án; có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định đầu tư.
Ngoài những câu hỏi của đại biểu về nội dung trên, ngay phiên chất vấn, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đặt thẳng câu hỏi có tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong cấp sổ đỏ không?.
Ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa thừa nhận vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa còn cho biết cũng nhận được 149 đơn thư gửi về Sở phản ánh về tình trạng trên. Ngoài ra, còn nhận được thông tin phản ánh từ điện thoại và từ báo chí.
“Việc nhũng nhiễu từ nhiều khâu gồm từ cấp xã, phường, lên đến Phòng TN&MT, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Tuy nhiên, trách nhiệm lớn nhất là thuộc về các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai”, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa thừa nhận.
Ông Lê Sỹ Nghiêm cũng cho biết, việc xử lý khi phát hiện là cương quyết. Thời gian qua Sở TN&MT đã buộc thôi việc 1 viên chức, cảnh cáo 3 viên chức (có 1 lãnh đạo), khiển trách 5 viên chức (có 1 lãnh đạo).
Ngoài các vấn đề trên, vấn đề chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được các cử tri quan tâm làm rõ, theo thống kê về kết quả thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ tính từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/5/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đối với việc cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, tổng số hồ sơ tiếp nhận là 256 hồ sơ. Đối với cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên địa bàn tỉnh là 325.540 hồ sơ.
Về nguyên nhân dẫn đến việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng đã có những phân tích và nhận diện. Theo đó, các nguyên nhân cụ thể như sai sót về số liệu; việc xác định nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, xác nhận hiện trạng sử dụng đất, tình trạng tranh chấp đất đai, sự phù hợp quy hoạch tại UBND cấp xã còn chậm.
Việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai chậm. Việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận của người dân còn hạn chế. Chất lượng hồ sơ của một số tổ chức, cá nhân lập không đầy đủ, chưa đạt yêu cầu dẫn đến hồ sơ phải trả đi trả lại nhiều lần.
Công tác phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết, hướng dẫn, thẩm định hồ sơ, cung cấp thông tin về quá trình sử dụng đất chưa nhịp nhàng; thiếu sự phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã...
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai để người dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận./.