Aa

Thanh Hóa: Một xã có gần 200 hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 11/10/2023 - 11:09

Theo báo cáo của UBND xã Tân Trường (TX. Nghi Sơn), trên địa bàn có 194 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất trồng rừng, trong đó có hơn 20 trường hợp xây dựng trái phép từ năm 2020 đến nay.

Thực trạng xây dựng không phép hoặc trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp ở nhiều địa phương đến nay không còn là vấn đề mới và không ít trường hợp đã bị xử lý, cưỡng chế tháo dỡ trả nguyên hiện trạng khu đất.

Tại một số địa phương ở Thanh Hóa cũng đã xảy ra trực trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng, chính quyền địa phương đã vào cuộc xử lý nhưng chưa triệt để, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà kiên cố. Trước thực trạng này, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương tiếp tục có các biện pháp xử lý dứt điểm.

Thực hiện Công văn số 12233/UBND-NN ngày 12/8/2021 của UBND tỉnh và Công văn số 952/UBND-NN ngày 12/1/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc yêu cầu tiếp tục xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm xây dựng trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng đang trong quá trình xử lý những vấn đề còn tồn tại.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa về việc kết quả rà soát các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để xảy ra 11.374 vụ vi phạm xây dựng các công trình (nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, trang trại....) trái phép trên diện tích 154,583ha đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm (9.763 hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình trái phép trên diện tích 124,121ha đất; 94 tổ chức vi phạm xây dựng công trình trái phép trên 7,529ha đất và 1.517 các tổ chức, cá nhân, xây dựng công trình trái phép trên diện tích 22,933ha đất nông nghiệp đã giao cho các công ty nông, lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ).

Phải nhìn nhận một thực tế, vi phạm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp chủ yếu là bị xử phạt hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả chưa được chú trọng, giám sát chưa chặt, dẫn đến công trình bị xử phạt xong vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật. Ngoài ra còn phải kể đến sự tư vấn của cán bộ chuyên môn, tiếp tay cho người vi phạm. Điều này là một thách thức không nhỏ trong quản lý trật tự xây dựng ở địa phương.

Nghi Sơn (Thanh Hóa): Loạn xây dựng trái phép
Theo kết luận nội dung tố cáo, 2 căn nhà của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Sơn và con trai, thôn Lâm Quảng xã Tân Trường xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm) từ năm 2019, nhưng UBND xã Tân Trường chưa lập biên bản xử lý vi phạm. (Ảnh: Viết Huy)

Trường hợp ở xã Tân Trường, TX. Nghi Sơn là một điển hình cho thấy dấu hiệu buông lỏng quản lý về trật tự xây dựng, đi ngược với Chỉ thị, Công văn của tỉnh Thanh Hóa về xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm xây dựng trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thưc hiện công văn số 4691/UBND-QTXD ngày 24/10/2022 của UBND thị xã Nghi sơn về việc xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Nghi Sơn. Quá trình kiểm tra rà soát hồ sơ và kiểm tra xử lý vi phạm trên địa bàn xã Tân Trường, đến thời điểm hiện tại qua rà soát có tổng: 194 trường hợp xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp. Trong đó số trường hợp đã được lập hồ sơ xử lý nhưng chưa dứt điểm là 17 trường hợp; Số trường hợp đang thực hiện kiểm tra, xử lý là 177 trường hợp.

Theo danh sách tổng hợp những trường hợp xây dựng trái phép tại xã Tân Trường, Thị xã Nghi Sơn cho thấy, có hàng trăm trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất vườn. Trong đó có 134 trường hợp xây dựng trái phép từ năm 2014 trở về trước, 60 trường hợp được phát hiện xây trái phép từ năm 2014 đến nay (trong đó có hơn 20 trường hợp xây trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng,…từ năm 2020 đến nay).

Nghi Sơn (Thanh Hóa): Loạn xây dựng trái phép
Ngôi nhà của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Tiến tại thôn Quyết Thắng được xây dựng trái phép trên đất 2 lúa từ tháng 6/2020, UBND xã Tân Trường đã xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa chỉ đạo xử lý dứt điểm dẫn tới công trình vẫn hoàn thiện và đưa vào sử dụng. (Ảnh: Viết Huy)  

Đơn cử như: Hộ ông Cao Văn Hoàng, thôn Lâm Quảng xây dựng công trình trái phép trên đất ký hiệu LNK (đất trồng cây lâu năm khác) năm 2020 diện tích 1.437,0m2, Hộ ông Lê Văn Sang, thôn Lâm Quảng xây nhà trên đất BKH (đất trồng cây hàng năm) năm 2020 diện tích xây dựng 84,2m2, hộ bà Lê thị Thinh, thôn 3 xây dựng nhà trên đất ký hiệu LUC (đất chuyên trồng Lúa) năm 2020- 2021 diện tích xây dựng 99,5m2,…

Nghi Sơn (Thanh Hóa): Loạn xây dựng trái phép
Ngôi nhà của ông Phạm Văn Đồng (khoanh đỏ) được xây dựng không phép tại thông 10 xã Tân Trường vào tháng 11 năm 2020. (Ảnh: Viết Huy)

Qua kiểm tra xác minh tố cáo, cơ quan chức năng phát hiện nhiều căn nhà xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp hoặc xây dựng không phép nhưng chính quyền địa phương thiếu kiểm tra giám sát trong xử lý vi phạm. Ví dụ: Hộ ông Trần Thế Thích tại thôn 3 xã Tân Trường xây dựng ngôi nhà ở có diện tích hơn 120m2 trên đất nông nghiệp năm 2021; hộ bà Nguyễn Thị Tý tại thôn Lâm Quảng xây dựng ngôi nhà ở với diện tích gần 200m2 trên đất trồng rừng năm 2021; hộ ông Nguyễn Xuân Sơn và con trai ông Sơn tại thôn Lâm Quảng xây dựng 2 căn nhà, mỗi căn có diện tích vào khoảng 100m2 trên đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm) năm 2019.

Theo ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, Thị xã Nghi Sơn, trên địa bàn xã tân trường có 194 hộ dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng từ những năm 2003 đến nay, trong đó, có 17 trường hợp lập biên bản xử lý, 177 trường hợp đang kiểm tra xử lý. Đa số các trường hợp báo chí nêu ở trên đều là những hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng từ năm 2019 đến 2021. Đối với các trường hợp này, UBND xã Tân Trường chưa lập biên bản xử lý vi phạm”.

Nghi Sơn (Thanh Hóa): Loạn xây dựng trái phép
Công trình xây dựng không phép làm nhà kho của ông Nguyễn Ngọc Bê từ tháng 10/2020. (Ảnh: Viết Huy)

Câu hỏi đặt ra ở đây là qua nhiều chục năm, những ngôi nhà xây dựng kiên cố trái phép trên đất nông nghiệp vẫn ngang nhiên nằm đó mà không bị xử lý. Đồng thời, mỗi năm lại có hàng chục căn nhà mới tiếp tục mọc lên trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất tại địa phương này. Như vậy, trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng tại địa phương này thuộc về ai? Phương án xử lý như thế nào trong thời gian tới?

Để chấn chỉnh, khắc phục và giải quyết đồng bộ, toàn diện, dứt điểm những vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đối với những trường hợp đã xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2014 thuộc đối tượng vi phạm theo quy định tại Điều 64, Luật đất đai năm 2013; giao Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo, rà soát thời hiệu của từng trường hợp vi phạm, làm cơ sở lập hồ sơ xử lý nghiêm.

Trường hợp, hành vi, đối tượng vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng; Chủ tịch UBND cấp huyện; Giám đốc các Công ty nông, lâm nghiệp; Giám đốc các Ban quản lý rừng phòng hộ có các vi phạm nêu trên tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan thực hiện chưa nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, quản lý, sử dụng đất thiếu chặt chẽ, để các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chậm phát hiện hoặc phát hiện nhưng biện pháp xử lý không nghiêm, chưa dứt điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top