Thanh Hoá nâng cao năng lực hội nhập kinh tế

Thanh Hoá nâng cao năng lực hội nhập kinh tế

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Hai, 08/05/2023 - 06:05

Kế thừa giá trị đã đạt được, phát huy những tiềm năng sẵn có, cộng với định hướng phát triển từ Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2040… Thanh Hóa hướng tới sự phát triển toàn diện.

******

Quy hoạch tỉnh - bước đệm để Thanh Hóa mở ra thời kỳ mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định "Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt".

Vì vậy, Quy hoạch Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2040 có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, tạo ra khung pháp lý cao nhất, là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tỉnh trong thời gian tới.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tiếp đó, ngày 17/3/2023, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg, là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.

Thêm vào đó, Nghị quyết số 58 ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới. Đưa lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Thanh Hóa trên đà phát triển

Một vấn đề rất đáng chú ý mà Quy hoạch đề ra là tỉnh Thanh Hóa sẽ tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.

Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Mục tiêu của Quy hoạch tỉnh là đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2045, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: "Đây là sự kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là Nghị quyết số 58 ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương. Do vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh".

bí thư tỉnh ủy thanh hóa đỗ trọng hưng
Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh: VOV

Nhiều kết quả ấn tượng

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước; trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,65%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,33% (công nghiệp tăng 17,88%); dịch vụ tăng 10,18%; thuế sản phẩm tăng 16,9%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.

Có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 được HĐND tỉnh quyết nghị đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 50.099 tỷ đồng, đây là năm đầu tiên số thu ngân sách Nhà nước của tỉnh vượt mốc 50.000 tỷ đồng.

Tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 138.919 tỷ đồng, công tác phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm, trong năm thành lập mới 3.731 doanh nghiệp, vượt 24,4% kế hoạch.

Năm 2022, Thanh Hóa đón được 11,01 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 20.038 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt 172.209 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư cũng là một điểm sáng trên bức tranh tăng trưởng, với 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD.

Trong năm, Thanh Hóa đã khởi công, khánh thành một số dự án công nghiệp quy mô lớn, như: Dự án Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy Sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân, huyện Triệu Sơn. Một số dự án giao thông lớn như: Đường Vạn Thiện - Bến En, đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45...

Năm 2023, kế thừa những kết quả đã đạt được trong năm 2022, phát huy những giá trị mà Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tổng số thu thuế hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Thanh Hóa từ đầu năm 2023 đến ngày 15/4/2023 đạt 4.801,4 tỷ đồng, trong đó, thu thuế giá trị gia tăng đạt 4.647,717 tỷ đồng.

Tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 419,206 triệu USD, trong đó: xuất khẩu chính ngạch ước đạt 415,387 triệu USD; xuất khẩu tiểu ngạch và các doanh nghiệp có trụ sở ngoài tỉnh ước đạt 3,819 triệu USD. Lũy kế giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.400,933 triệu USD.

Giá trị nhập khẩu của Thanh Hóa ước đạt gần 695 triệu USD, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu ước đạt gần 2.650 triệu USD. Giá trị một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, như: dầu thô 829.000 tấn; nguyên phụ liệu sản xuất thuốc tân dược 802.000 USD; máy móc thiết bị 37,7 triệu USD; vải và phụ liệu hàng may mặc 36,4 triệu USD; phụ liệu giày dép 19,3 triệu USD,…

Hoạt động thương mại nội địa tại Thanh Hóa phát triển ổn định với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 13.900 tỷ đồng, nâng lũy kế 4 tháng đầu năm 2023 đạt 55.112 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu nội địa tháng 4/2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.910 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 8.000 tỷ đồng.

Thu khối doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Thanh Hóa trong 4 tháng qua ước đạt 540 tỷ đồng. Thu khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Thanh Hóa ước đạt 2.465 tỷ đồng. Ngoài ra, thu khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh của Thanh Hóa cũng ước đạt 1.220 tỷ đồng. Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 412 tỷ đồng. Lệ phí trước bạ ước đạt 312 tỷ đồng, Thuế bảo vệ môi trường ước đạt 360 tỷ đồng, Thu tiền sử dụng đất 2.142 tỷ đồng, Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước 102 tỷ đồng. Qua đây có thể thấy, dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn nhưng Thanh Hóa vẫn là một trong những điểm sáng về kinh tế của khu vực và cả nước.

Thanh Hóa trên đà phát triển

Nỗ lực vượt khó, hướng tới sự sự phát triển toàn diện

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa cũng còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, hàng trăm doanh nghiệp bất động sản tại Thanh Hóa đang gặp những thách thức bởi các yếu tố như: Vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án chưa được tháo gỡ đồng bộ, thống nhất về chính sách, đặc biệt là thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất. Khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất cho vay cao, tỷ giá ngoại tệ biến động; Giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động; Khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm dự án bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư. Nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, thậm chí bị điều tra, dẫn đến các sở, ngành liên quan chậm phối hợp cho ý kiến hoặc giải quyết thủ tục pháp lý dự án. Từ những khó khăn trên nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và doanh nghiệp giải thể, thông báo giải thể đều có xu hướng tăng mạnh, với trên 500 doanh nghiệp.

Thứ hai, thị trường bất động sản Thanh Hóa đóng băng, các giao dịch ít hẳn, các sản phẩm như đất nền, nhà phố giảm giá từ 20 - 30% nhưng không thể bán được. Thực trạng này đã khiến hàng loạt công ty xây dựng, kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch, văn phòng môi giới bất động sản tại Thanh Hóa đóng cửa, thậm chí có nguy cơ phá sản hoặc tạm dừng hoạt động.

Thanh Hóa trên đà phát triển
Thị trường bất động sản Thanh Hóa "đóng băng", các sản phẩm như đất nền, nhà phố giảm giá từ 20 - 30% nhưng rất ít giao dịch. (Ảnh: Viết Huy)

Thứ ba, quy định về phòng cháy chữa cháy đã khiến 183 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga bị xử lý vi phạm, sản xuất, kinh doanh đã bị xử lý vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 9 tỷ đồng.

Trong đó, có 108 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 3 cơ sở yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục tồn tại về phòng cháy chữa cháy. Hiện nay, có 39 doanh nghiệp đã có phương án, lộ trình khắc phục. Còn lại đa phần các doanh nghiệp đều chưa có phương án, lộ trình khắc phục các hạn chế về công tác phòng cháy chữa cháy.

Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đang xem xét và chỉ đạo một số nội dung để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sớm hoàn thành đầu tư công trình phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu đi vào hoạt động trở lại.

Thứ tư, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa ngày 8/3/2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ quyết định là 12.505,572 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là 8.805,657 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương (NSTW) là 3.699,915 tỷ đồng.

Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kế hoạch chi tiết là 10.335,108 tỷ đồng, bằng 82,6% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối NSĐP là 8.805,657 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch; vốn NSTW là 1.529,451 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch.

Theo thống kê giá trị khối lượng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm đạt 1.034 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch giao chi tiết; giải ngân đến ngày 28/2/2023 là 989 tỷ đồng (bằng 9,6% kế hoạch giao chi tiết, cao hơn 2,9% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước). Trong đó vốn đầu tư trong cân đối NSĐP là 937,4 tỷ đồng, vốn NSTW là 51,5 tỷ đồng.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã thông báo kế hoạch vốn NSTW cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 937 tỷ đồng. Tuy nhiên kế hoạch triển khai chi tiết tại địa phương vẫn còn nhiều tồn tại đang cần phải tháo gỡ.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSTW thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là gần 1.300 tỷ đồng. Hiện UBND tỉnh Thanh Hoá đang nỗ lực tăng tốc ngay trong quý II, hoàn thành các mục tiêu lớn trong năm nay, tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn vào năm 2024. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top