Aa

Tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư tại Thanh Hóa

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Sáu, 21/04/2023 - 08:29

Thiếu hụt mặt bằng sạch tại các dự án khu công nghiệp quy mô lớn là một trong những nguyên nhân khiến thu hút nguồn vốn FDI của Thanh Hóa chững lại trong vài năm trở lại đây.

Thiếu “đất sạch” để đại bàng xây tổ

Theo số liệu thống kê, hiện tại các trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh Thanh Hóa như các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) có tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều hạn chế. Tính riêng tại Khu kinh tế Nghi Sơn có 25 phân khu công nghiệp, với diện tích khoảng hơn 9.057ha, trong đó có 23 khu công nghiệp hiện hữu, tuy nhiên 19 khu công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng và 2 phân khu kho tàng KT-1, phân khu dịch vụ hậu cần công nghiệp DV-01.

Trong khi đó, với 8 khu công nghiệp khác ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, hiện chỉ có 5 KCN được đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa hoàn chỉnh. KCN Bãi Trành (Như Xuân), KCN Ngọc Lặc, KCN Thạch Quảng, hiện chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng.

Tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư tại Thanh Hóa
Việc thiếu hụt các mặt bằng sạch quy mô là một trong những nguyên nhân khiến việc thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa bị hạn chế. (Ảnh: VH)

Tính tới đầu năm 2023, mặc dù Thanh Hóa vẫn dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn FDI với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lũy kế lên tới 14,57 tỷ USD, tuy nhiên, trong những năm gần đây hầu như Thanh Hóa không thu hút được dự án nào đáng kể. Tính riêng trong năm 2022, Thanh Hóa chỉ thu hút được hơn 70 triệu USD, kém xa so với số vốn đã thu hút được của "hàng xóm" Nghệ An khoảng 1,5 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân khiến thu hút nguồn vốn FDI của Thanh Hóa chững lại là sự thiếu hụt mặt bằng sạch với quy mô lớn, thiếu hụt cơ sở hạ tầng đã khiến các doanh nghiệp e ngại khi có ý định lựa chọn địa điểm “xây tổ”.

Điều đó được chứng minh là từ năm 2020 tới nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã tìm đến Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh này để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ), Tập đoàn Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc), Tập đoàn Mintal (Hồng Kông), Tập đoàn Fangda (Trung Quốc), Tập đoàn INTCO (Singapore), Tập đoàn Chuwa Busan (Nhật Bản), các tổ chức JICA (Nhật Bản), KOIKA (Hàn Quốc)...

Trong năm 2022, Thanh Hóa đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế và các tập đoàn lớn như: Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium (Hoa Kỳ), Tập đoàn Compal (Đài Loan, Trung Quốc), Công ty TNHH Vaude Việt Nam, Công ty TNHH JFE Engineering Việt Nam. Sau nhiều lần khảo sát, cũng chưa có thông tin chính thức khẳng định những “đại bàng” trên sẽ chọn Thanh Hóa làm nơi để “xây tổ”.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, "mặt bằng sạch" là quỹ đất đã được Nhà nước thu hồi nhưng chưa sử dụng. Khi có mặt bằng sạch, các nhà đầu tư sẽ thuận lợi thực hiện dự án ngay mà không phải mất thời gian giải phóng mặt bằng, qua đó giảm chi phí thời gian và đẩy nhanh tiến độ dự án. Vì vậy, việc thiếu hụt các mặt bằng sạch quy mô là một trong những nguyên nhân khiến việc thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa bị hạn chế.

Tuy nhiên, cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, để giải quyết vấn đề trên cũng vướng mắc nhiều khó khăn, nhất là quá trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, các vướng mắc về quy hoạch, cũng như kế hoạch sử dụng đất, bất cập trong đơn giá đất bồi thường và giá đất trên thị trường chênh lệch lớn... khiến người dân khiếu kiện, phản đối, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án.

Gỡ vướng mắc, kiến tạo mặt bằng sạch

Xác định vai trò quan trọng của mặt bằng sạch trong thu hút đầu tư, ngày 17/2 tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn (Đề án 1887).

Đây được cho là động thái thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa nhằm giải quyết kịp thời, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn. Mục tiêu đề án ưu tiên nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, đặc biệt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, các KCN và khu vực trọng điểm.

Tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư tại Thanh Hóa
Với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo 1887, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, để giải phóng mặt bằng thuận lợi thì phải chuẩn bị tốt nơi tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất ở. Ảnh: VP

Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2027, Thanh Hóa sẽ dành nguồn ngân sách khoảng hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư các khu tái định cư và thực hiện giải phóng mặt bằng tại các KCN trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là hơn 1.500ha.

Đồng thời, sau khi có các mặt bằng sạch, Thanh Hóa sẽ tiến hành lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Thanh Hóa cũng sẽ ưu tiên nguồn ngân sách xứng đáng để đầu tư những KCN đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế với diện tích lớn.

Với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo 1887, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, để giải phóng mặt bằng thuận lợi thì phải chuẩn bị tốt nơi tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất ở. Giải phóng mặt bằng liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống của người dân trong vùng ảnh hưởng. Do vậy, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình, đồng thời chủ động thực hiện tốt các phần việc được giao, phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ.

Cũng liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, vừa qua, tại Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), được tổ chức bởi Hội Luật gia Việt Nam, vấn đề giải phóng mặt bằng đã được nhắc tới và đưa ra bàn thảo. Tại Hội thảo, ThS. Phương Hữu Oanh, nguyên Kiểm soát viên của VKSND Tối cao, nguyên Vụ trưởng Vụ Giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật cho rằng, thực tế quyền và lợi ích các bên liên quan hiện nay chưa hài hoà, tương thích dẫn tới vướng mắc, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.

Cụ thể hơn, Bà Ung Thị Xuân Hương, Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, cần làm rõ mục đích, tiêu chí lúc nào Nhà nước cần thiết thu hồi đất. Bên cạnh đó, cần phải quy định những trường hợp cụ thể thu hồi đất để hài hoà lợi ích giữa người dân và Nhà nước bởi đất đai là tài sản lớn, có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Về vấn đề bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, bà Hương cho rằng, đây vẫn luôn là một vấn đề vô cùng nhạy cảm và nêu đề xuất, khi quyết định thu hồi đất cần có sẵn phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, từ đó giúp đồng bộ các khâu và tiến trình được trôi chảy. Đồng thời cũng tránh để xảy ra tình trạng thu trước rồi mới lên phương án bồi thường khiến quá trình thu hồi bị kéo dài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top