Aa

Thanh Hóa: Suýt mất gần 800 tỷ đồng và bài học từ vụ đấu giá vô tiền khoáng hậu

Thứ Năm, 31/10/2019 - 15:14

Ngân sách Nhà nước suýt chút nữa đã “đánh rơi” gần 800 tỷ đồng vào túi những cá nhân, tổ chức liên quan đến cuộc đấu giá “hy hữu”, có 1 không 2 tại mặt bằng 3241.

Ngày 26/9, tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã diễn ra cuộc đấu giá quyền sử dụng đất đợt 1, dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa. Sau 30 vòng, cuộc đấu giá mặt bằng 3241 - khu "đất vàng" nhiều tai tiếng giữa trung tâm TP. Thanh Hóa - có giá khởi điểm 666,4 tỷ đồng đã kết thúc với giá trúng thầu là 1.215 tỷ đồng, tăng thu cho ngân sách nhà nước thêm 548,6 tỷ đồng. Cuộc đấu giá được mệnh danh “vô tiền khoáng hậu” này để lại rất nhiều bài học cần được rút kinh nghiệm một cách sâu sắc.

Cần có cổng thông tin đấu giá, đấu thầu

Hiện nay, theo quy định của Luật Đấu giá, Đấu thầu, các thông tin đều phải công bố trên Cổng thông tin đấu thầu quốc gia và các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, những nhà thầu, các doanh nghiệp hay cá nhân có nhu cầu rất khó tiếp cận với nguồn thông tin này. 

Ngay tại cuộc đấu giá lần đầu mặt bằng 3241 (Thanh Hóa), một chuyện hy hữu đã xảy ra khi chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ đấu giá. Đây thực sự là một dấu hiệu bất thường khi mặt bằng ‘’đất vàng’’ đẹp nhất ở TP. Thanh Hóa lại không thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp bất động sản trong và ngoài tỉnh. 

Sức nóng của phiên đấu giá lần 3 khiến ngành chức năng phải huy động hàng chục cảnh sát bảo vệ.

Chính vì thế, điều được nhận định là bất thường đã xảy ra khi Công ty CP Nakama Việt Nam đã “một mình một ngựa” về đích trong cuộc đua với mức giá trúng thầu chỉ cao hơn 4 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm. Chính điểm bất thường đó đã khiến các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ. Kết quả là Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa vào cuộc thẩm định đã phát hiện Công ty Bán đấu giá tài sản Năm Châu có nhiều vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá như không cập nhật thông tin đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử TP. Thanh Hóa và Trang thông tin điện tử đấu giá chuyên ngành kịp thời, không niêm yết thông báo điều chỉnh phương án đấu giá công khai... 

Ngày 14/3/2018, UBND TP. Thanh Hóa đã hủy hợp đồng với công ty này, hủy kết quả đấu giá và tổ chức đấu giá lại.

Không chỉ riêng cuộc đấu giá này mà theo phản ánh, rất nhiều các cuộc đấu giá, đấu thầu khác các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu cũng liên tục bị “đói” thông tin. Không ít các cuộc đấu thầu quy mô lớn chỉ có rất ít doanh nghiệp tham gia khiến cho ngân sách Nhà nước có nguy cơ bị thất thu. Trong khi đó, các doanh nghiệp thực sự có năng lực không thể tham gia tích cực vào các cuộc đấu giá này. Chính vì thế, những hiện tượng tiêu cực như “quân xanh quân đỏ”, “thông thầu” mới có đất diễn, các công ty “phá thầu” chuyên nghiệp có cơ hội tung hoành.

Từ thực tế đó, UBND tỉnh Thanh Hóa nên chăng cân nhắc tạo một cổng thông tin chuyên biệt về đấu giá, đấu thầu (dauthau.thanhhoa.gov.vn) với đầy đủ thông tin cần thiết cung cấp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Nếu như tất cả thông tin liên quan được cập nhật thường xuyên, công khai, minh bạch chắc chắn những tiêu cực trong việc đấu giá, đấu thầu sẽ bị hạn chế tối đa.

Cần có chế tài mạnh xử lý các tổ chức đấu giá có đấu hiệu tiêu cực

Trong năm 2018, UBND TP. Thanh Hóa đã 2 lần tổ chức đấu giá cấp quyền sử dụng đất mặt bằng nói trên. Thế nhưng, cả 2 lần đó đều bị “thổi phạt việt vị” vì nhiều lý do khác nhau.

Lần đấu giá đầu tiên vào ngày 22/1/2018 do Công ty đấu giá tài sản Năm Châu tổ chức có nhiều dấu hiệu bất thường khi chỉ có 2 hồ sơ tham gia đấu giá. Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam sau đó trúng thầu với số tiền hơn 437 tỷ đồng. Kết quả đấu giá trên khiến người dân và dư luận hoài nghi bởi tại khu vực này, giá đất thời điểm đó dao động từ 20 - 28 triệu đồng/m2. Ngày 14/3/2018, UBND TP. Thanh Hóa đã ra quyết định hủy kết quả đợt đấu giá này.

Đến tháng 7/2018, MB 3241 đã được tái khởi động và tăng giá khởi điểm từ 7,5 triệu đồng/m2 lên 9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trong quá trình bán hồ sơ, Công ty Đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên liên tục thay đổi thời gian đấu giá và có 15/18 hồ sơ đấu giá hợp lệ bất ngờ bị loại ngay trước thời điểm đấu giá khoảng vài giờ, chỉ còn 3 hồ lọt vào vòng mở thầu tài chính.

Phiên đấu giá ngày 9/10/2018 vì thế cũng không diễn ra như kế hoạch do các cá nhân, tổ chức bị loại kéo tới UBND Thanh Hóa để yêu cầu lãnh đạo TP. Thanh Hóa có câu trả lời thỏa đáng.

Cả 2 lần đấu giá trên đều dính phải những thông tin lùm xùm quanh việc đấu giá thiếu minh bạch tại MB 3241, Sở Tư pháp Thanh Hóa đều vào cuộc và phát hiện đơn vị được giao đấu giá vi phạm Luật Đấu giá tài sản và yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá với các đơn vị trên.

Ảnh minh họa.

“Quá tam 3 bận”, phải đến phiên đấu giá thứ 3 ngày 26/9/2019 thì 375 lô đất tại mặt bằng này mới tìm được chủ mới. Đó là Liên danh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng ADI - Công ty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa trúng đấu giá với số tiền 1.215 tỷ đồng.

Một vấn đề cần đặt ra là trước các sai tại 2 cuộc đấu giá trong năm 2018, liệu cơ quan có thẩm quyền đã xử lý trách nhiệm của đơn vị tổ chức đấu giá tương xứng với vi phạm của họ? 

Bình luận về điều này, một chuyên gia (xin được giấu tên) cho rằng, cần có chế tài xử phạt thật nghiêm 2 đơn vị có vi phạm tổ chức đấu giá. Nếu cần có thể rút giấy phép hoặc “treo giò” một thời gian. Ngoài ra, nếu phát hiệu các doanh nghiệp này có dấu hiệu cố tình “bắt tay” nhau trục lợi, có dấu hiệu “nhóm lợi ích” thì cân nhắc chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra, xử lý.

Thực tế đã chứng minh, ngân sách Nhà nước suýt chút nữa đã “đánh rơi” gần 800 tỷ đồng vào túi những cá nhân, tổ chức liên quan đến cuộc đấu giá “hy hữu”, có 1 không 2 này.

Cần thiết lập đường dây nóng về đấu giá, đấu thầu

Có một thực tế là tất cả các cuộc đấu giá, đấu thầu trên danh nghĩa đều diễn ra công khai. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế quá trình tìm hiểu của phóng viên, nhiều cuộc đấu giá, đấu thầu chỉ riêng việc mua hồ sơ thôi cũng đã là ‘’nhiệm vụ bất khả thi’’ với không ít doanh nghiệp. 

Trong vai một doanh nghiệp đi mua hồ sơ đấu giá bán tài sản Nhà nước tại huyện H. được Công ty hợp danh đấu giá H.Đ tổ chức, phóng viên đã làm đủ mọi cách nhưng không tài nào tiếp cận được hồ sơ. Mặc dù thời hạn bán hồ sơ chỉ diễn ra vỏn vẹn mấy ngày nhưng khi thì trụ sở công ty đóng cửa, lúc thì cán bộ phụ trách đi vắng.

Khi cán bộ phụ trách về thì giám đốc lại bận đi nước ngoài nên cán bộ không đủ thẩm quyền. Những câu chuyện “vô lý nhưng hợp lý” ấy diễn ra hằng ngày ở các cuộc đấu giá, đấu thầu trong suốt một thời gian dài. Một lần thâm nhập thực tế khác, phóng viên trong vai một doanh nghiệp đi mua hồ sơ cũng phải mất 3 ngày mới có thể gặp cán bộ phụ trách.

Thế nhưng, chưa kịp mua bán thì một nhóm người lạ mặt xuất hiện mời phóng viên ra “nói chuyện”. Tất nhiên, “nói chuyện” xong thì phóng viên đành ra về bởi thực tế dù có mua hồ sơ đi nữa thì việc tham gia dự thầu gần như đã bị “bít cửa” bởi có doanh nghiệp đã đeo đuổi dự án suốt một thời gian dài. Và doanh nghiệp đó thuộc diện có “máu mặt’’ ở địa phương, không mấy người dám dây dưa. 

Trong quá trình tác nghiệp, tôi cũng đã từng chứng kiến những doanh nghiệp tìm đủ mọi cách cũng không thể mua được hồ sơ đấu thầu. Chỉ đến khi họ gọi văn phòng Thừa phát lại đến lập vi bằng thì “bất đắc dĩ”, cán bộ phụ trách mới xuất hiện và miễn cưỡng bán hồ sơ. Hay một lần khác, doanh nghiệp phải kéo cả chục người đến địa điểm bán hồ sơ và phát trực tiếp lên mạng xã hội thì cán bộ phụ trách mới xuất hiện và gọi điện “xin ý kiến” chỉ đạo của ai đó trước khi “cầm lòng” bán hồ sơ cho đại diện doanh nghiệp mua hồ sơ dự thầu.

Chính vì những thực tế đó, việc có những tổ chức, cá nhân đang thao túng việc đấu giá, đấu thầu là có cơ sở, làm méo mó đi bản chất minh bạch, công bằng của các hoạt động đấu giá, đấu thầu. Nếu tình trạng này không sớm bị loại bỏ thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của tỉnh trong việc thu hút và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào quá trình phát triển kinh tế tỉnh nhà. 

Thiết nghĩ, từ thực trạng đó, các cơ quan chức năng cần có một đường dây nóng trường trực phản ánh về những dấu hiệu tiêu cực tại các gói thầu, các phiên đấu giá. Chỉ có như thế, việc đấu giá đấu thầu mới có thể diễn ra lành mạnh, giảm tiêu cực, tối đa hóa lợi ích cho nhà đầu tư cũng như tăng nguồn thu ngân sách.

Vai trò giám sát đặc biệt quan trọng của báo chí

Có thể nói, thông qua cuộc đấu giá thành công, làm lợi cho ngân sách số tiền 778 tỷ đồng tại MB 3241, vai trò xung kích của báo chí cách mạng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Ngay khi cuộc đấu giá lần 1 khép lại, hàng chục bài báo đã liên tục lên tiến phản ánh về những dấu hiện bất thường tại cuộc đấu giá này. Nhiều thông tin, bằng chứng, tài liệu đã được các nhà báo cung cấp thông qua các bài viết đa dạng và sinh động của mình. Chính những thông tin quý báu đó đã góp phần vào việc UBND TP. Thanh Hóa ra quyết định hủy hợp đồng với Công ty Năm Châu, hủy kết quả cuộc đấu giá.

Ở lần đấu giá thứ 2, báo chí tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong của mình. Những bất cập, bất thường trong các quyết định khó hiểu của Công ty Hoàng Nguyên liên tục được phản ánh với các bài viết khách quan, sinh động. Những thông tin cập nhật, chính xác kịp thời của báo chí cùng với thái độ phản đối quyết liệt của các doanh nghiệp một lần nữa lại phát huy tác dụng. 

Cuộc đấu giá lần 2 MB 3241 đã bị “tuýt còi” ngay trước giờ G. Và quyết định hủy cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường ấy được cộng đồng doanh nghiệp và dư luận hết sức đồng tình. Chính tù kinh nghiệm 2 lần đấu giá đổ vỡ đó, cuộc đấu giá lần thứ 3 đã diễn ra vô cùng quyết liệt, căng thẳng. Kết quả sau 7h làm việc liên tục với 30 lần trả giá thì Liên danh công ty cổ phần đầu tư và xây dựng ADI - Công ty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa (có địa chỉ ở đường Lê Quý Đôn, TP. Thanh Hóa) trúng đấu giá với số tiền 1.215 tỷ đồng.

Có thể thấy, chỉ thông qua 1 cuộc đấu giá, với sự khôn khéo, chủ động, dấn thân và trách nhiệm của mình, các nhà báo với bút sắc, lòng trong đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu gần 800 tỷ cho ngân sách Nhà nước.

Vì thế, có thể nói vai trò của báo chí trong các hoạt động đấu giá, đấu thầu là vô cùng quan trọng. Việc tạo điều kiện cho các phóng viên, nhà báo, các tổ chức thông tấn tiếp cận thông tin, phản ánh, giám sát chắc chắn sẽ giảm đi những tiêu cực, bất thường trong hoạt động đấu giá, đấu thầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top