Huyện Tĩnh Gia “đánh bùn sang ao”
Liên quan tới vụ việc huyện Tĩnh Gia bị tố “ăn không nói có” việc đền bù đất cho bà Cao Thị Minh (Mai Lâm, Tĩnh Gia), các căn cứ mà phóng viên có được cho thấy, việc Chủ tịch UBND huyện này khẳng định hộ gia đình này đã nhận tiền đền bù cho 278,4m2 đất là hoàn toàn không có căn cứ.
Thay vì giải quyết vụ việc theo hướng đối thoại với dân và đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật thì lãnh đạo đơn vị lại “phản ứng” với báo chí và công dân theo cách được cho là thiếu tinh thần xây dựng, cầu thị trước thông tin người dân và báo chí phản ánh.
Theo đó, tại công văn số 2873/UBND-GPMB về việc kiểm tra xác minh nội dung Tạp chí điện tử Bất động sản phản ánh, huyện Tĩnh Gia cho rằng “bài báo đề cập tới việc 278,4m2 đất thu hồi của bà Minh bị thu hồi mà không đền bù là không đúng”.
Theo lý giải của huyện Tĩnh Gia: “Hồ sơ kiểm kê giải phóng mặt bằng năm 1996, 1997 thực hiện dự án mở rộng đường 4, thì hộ bà Cao Thị Minh đã nhận được bồi thường diện tích 229m2 là đất vườn với tổng số tiền hơn 453 nghìn đồng.
Theo biên bản bàn giao mốc tim đường cấp nước xi măng Nghi Sơn năm 1996 và hồ sơ quản lý đất đai thì phần diện tích 278,4m2 đất nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng và được bồi thường khi thực hiện dự án năm 1996, 1997”.
Với cách lý giải trên thì huyện Tĩnh Gia có dấu hiệu nhầm lẫn giữa việc bồi thường 229m2 đất với diện tích 278,4m2 đất chưa bồi thường.
Hay nói cách khác, việc UBND huyện Tĩnh Gia lấy hồ sơ đã đền bù cho diện tích 229m2 đất để quy kết rằng, bà Minh đã nhận tiền đền bù 278,4m2 là không đúng bản chất sự việc. Bởi lẽ, năm 1996 huyện Tĩnh Gia thu hồi 229m2 để thực hiện dự án đường 4 mở rộng. Cùng năm đó, huyện tiếp tục thu hồi thêm 278,4m2 để thực hiện đường ống nước nhà máy xi măng Nghi Sơn. Hai dự án này hoàn toàn độc lập, tách biệt và nội dung bồi thường cũng khác nhau. Do vậy, việc huyện Tĩnh Gia lấy hồ sơ đền bù đất từ dự án này để gán ghép vào việc đền bù đất ở dự án hoặc hạng mục công trình khác là hoàn toàn không đúng bản chất việc đền bù giải phóng mặt bằng. Hay nói cách khác, địa phương lấy hồ sơ đền bù 229m2 đất để nói rằng đã đền bù 278,4m2 đất là cách lý giải theo kiểu "đánh bùn sang ao".
Xin nhắc lại, trong cuộc trao đổi với phóng viên, bà Cao Thị Minh cũng khẳng định: “Tôi chưa bao giờ ký vào bất kỳ biên bản nhận tiền bồi thường nào của UBND huyện Tĩnh Gia đối với diện tích 278,4m2. Nếu có việc nhận tiền đền bù 278,4m2 đất thì đó là hồ sơ giả. Nếu tôi sai tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình”.
Các nhân chứng và người trong cuộc hầu hết đều khẳng định, đối với diện tích đất 278,4m2 đất của bà Minh (mà huyện Tĩnh Gia nói rằng đã thu hồi trước đó để thực hiện dự án đường ống nước), hoàn toàn không có bất cứ hồ sơ nào thể hiện việc đền bù. Bà Minh cũng không nhận được bất cứ hồ sơ, giấy tờ gì về việc kiểm kê, đền bù đối với diện tích đất 278,4m2. Trên thực tế, diện tích đất 278,4m2 mà huyện Tĩnh Gia nói rằng “đã đền bù” cho dân vẫn được bà Minh sử dụng liên tục, ổn định từ trước đến nay. Mặt khác, nội dung đăng tải các bài viết liên quan tới vụ việc này đã được phóng viên xác minh, kiểm chứng và tôn trọng sự thật khách quan.
"Đòi đền bù 566,1m2 là đất ở không có cơ sở" không có nghĩa rằng khiếu nại đòi 278,4m2 là khiếu nại không có cơ sở giải quyết
Trong báo cáo gửi Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng các đơn vị có liên quan, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia cho rằng, đối với những nội dung khiếu nại của bà Cao Thị Minh về bồi thường đất đai và tài sản vật kiến trúc chưa đúng đã được cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết và khiếu nại (lần 1, lần 2). Huyện này cũng khẳng định, “khiếu nại của bà Minh là không có cơ sở”.
Nội dung báo cáo của Chủ tịch huyện Tĩnh Gia có dấu hiệu không chính xác, có dấu hiệu làm sai lệch bản chất vụ việc. Bởi lẽ, nội dung giải quyết khiếu nại lần 1 của UBND huyện Tĩnh Gia và lần 2 của Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho hộ gia đinh bà Minh đều không đề cập sâu việc xác minh và giải quyết nội dung yêu cầu bồi thường 278,4m2 cho bà Minh.
Trong khi đơn khiếu nại lần 1 và lần 2 của bà Minh thể hiện rõ nội dung, yêu cầu bồi thường 278,4m2 mà bà chưa được bồi thường dự án đướng ống nước nhà máy xi măng Nghi Sơn nay yêu cầu được bồi thường. Trong hai lần giải quyết, cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu "né" tránh và không giải quyết hết nội dung khiếu nại của bà Minh khiến quyền và lợi ích nhà bà Minh bị ảnh hưởng. Do đó, không thể cho rằng nội dung yêu cầu của bà Minh đã được giải quyết trọn vẹn.
Mặt khác, UBND huyện Tĩnh Gia lấy căn cứ cho rằng bà Minh đòi bồi thường hơn 566,1m2 là đất ở là không có cơ sở để rồi quy kết rằng, 278,4m2 đất của bà Minh không có cơ sở giải quyết, bồi thường (vì đã giải quyết lần 1 và 2) là hiểu không đúng vấn đề.
Hay nói cách khác, kết luận giải quyết khiếu nại khẳng định bà Minh không được đền bù đất ở (hơn 566,1m2) đất hoàn toàn không liên quan gì tới diện tích 278,4m2 chưa được đền bù. Việc UBND huyện Tĩnh Gia chưa đền bù 278,4m2 chưa đền bù không thể là nội hàm của vấn đề bà minh khiếu nại đòi đất ở mà theo lý giải của chính quyền địa phương là đòi “không có cơ sở".
Ai có quyền cung cấp thông tin cho báo chí?
Cũng liên quan tới nội dung trên, huyện Tĩnh Gia cho rằng, các cá nhân có liên quan trong bài viết khẳng định: "Chỉ cung cấp hồ sơ không phát ngôn thông tin cho phóng viên. Việc phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí chỉ duy nhất đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia. Các cá nhân nêu trên không có thẩm quyền được phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí”, văn bản huyện Tĩnh Gia nêu.
Tuy nhiên, nhận định trên là thiếu căn cứ pháp lý bởi, theo Luật Báo chí năm 2016, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.
Cụ thể, việc cung cấp thông tin cho báo chí được quy định tại Điều 38 Luật Báo chí 2016 như sau: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.
Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin”.
Cũng liên quan tới vấn đề phát ngôn báo chí trong vụ việc này, tại cuộc họp báo hôm 4/10, phóng viên đã chất vấn lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa với nội dung: “Nếu quy định Chủ tịch huyện mới là người có quyền phát ngôn cung cấp thông tin, phải chăng tất cả cán bộ trong huyện như Bí thư Huyện ủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy (hai chức danh rất quan trọng) có được phát ngôn hay không? Ngoài Chủ tịch huyện thì trưởng các phòng ban có được phát ngôn hay không? Nếu như cách hiểu của huyện Tĩnh Gia, phải chăng đã tước đi quyền rất quan trọng của cán bộ công chức đó là được phát ngôn, được trả lời báo chí? Đề nghị Sở Thông tin và làm rõ vấn đề này?”.
Về việc này, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho biết: “Người được phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí là người nhân danh cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp thông tin cho báo chí. Tất cả các công dân/cá nhân đều có quyền cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật trước những thông tin cung cấp. Cho nên không có chuyện chỉ mình người nhân danh phát mới được phát ngôn...”.
Như vậy, hoạt động của phóng viên trong quá trình tác nghiệp vụ việc trên hoàn toàn tuân thủ chặt chẽ theo quy định của Luật Báo chí. Những thông tin phản ánh trong bài viết đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong quá trình hoạt động tác nghiệp, thu thập cứ liệu để thực hiện loạt bài này. Quá trình tác nghiệp trong đó có việc ghi nhận các ý kiến của đại diện cơ quan có thẩm quyền được nêu trong bài viết đã được ghi âm và tôn trọng sự thật khách quan, đa chiều.
Chưa có kết luận cụ thể đã “bắt” cải chính?
Mới đây, căn cứ vào đề nghị của UBND huyện Tĩnh Gia, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị xác minh thông tin, thực hiện cải chính về nội dung hai bài báo nêu trên.
Khoản 2, Điều 42. Cải chính trên báo chí - Luật Báo chí 2016 nói rõ: "Khi có văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc mà báo chí đã đăng, phát là sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì cơ quan báo chí phải đăng, phát phần nội dung kết luận đó và nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, của tác giả tác phẩm báo chí.
Căn cứ vào quy định trên, sau khi các bài viết được đăng tải cùng với đơn tố cáo Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia của bà Cao Thị Minh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo Thanh tra tỉnh làm rõ những nội dung liên quan tới việc đền bù 278,4m2 đất.
Như vậy, mặc dù chưa có kết luận về việc đền bù 278,4m2 đất cho bà Cao Thị Minh nhưng trong văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền trước đó, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia đã vội quy kết phóng viên viết sai sự thật, có biểu hiện suy diễn, kích động là nhận định chủ quan, phiến diện, không có cơ sở.
Mặt khác, một khi sự việc chưa được làm sáng rõ, nhưng Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa gửi văn bản đồng thời đề nghị xác minh thông tin, “thực hiện cải chính thông tin” là việc làm có dấu hiệu vội vàng, nôn nóng, chưa thật sự nhìn nhận thấu đáo, khách quan vấn đề?
Báo chí luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và không có cái gọi là báo chí “bôi nhọ”
Điều đáng nói là, trong khi cơ quan có thẩm quyền đang làm rõ vụ việc, thì huyện Tĩnh Gia cho rằng cách đặt tít báo và nội dung bài báo bôi nhọ lãnh đạo và chính quyền, đồng thời đã định hướng, khiến cho người dân hoài nghi về việc làm của lãnh đạo UBND huyện Tĩnh Gia của cấp ủy Chính quyền và ngành, cơ quan chức năng gây mất lòng tin vào các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp Tỉnh, làm chậm tiến độ bàn giao giải phóng mặt bằng các dự án, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư các dự án vào Khu kinh tế Nghi Sơn, đến sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Tác giả bài báo có biểu hiện suy diễn, kích động, gây mất ổn định, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và an ninh trật tự của địa phương.
Xin khẳng định lại, việc thu thập thông tin của phóng viên hoàn toàn khách quan và phản ánh một cách chân thực vấn đề còn tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng tại huyện Tĩnh Gia đối với hộ gia đình bà Cao Thị Minh. Các cứ liệu trong quá trình tác nghiệp của phóng viên cho thấy, UBND huyện Tĩnh Gia chưa bồi thường 278,4m2 đất cho hộ bà Cao Thị Minh.
Do vậy, việc huyện Tĩnh Gia cho rằng bài viết “bôi nhọ lãnh đạo và chính quyền, đồng thời đã định hướng, khiến cho người dân hoài nghi về việc làm của lãnh đạo UBND huyện Tĩnh Gia của cấp ủy Chính quyền và ngành, cơ quan chức năng gây mất lòng tin vào các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện, cấp Tỉnh..." khi chưa có kết luận rõ ràng là có dấu hiệu quy chụp, thiếu tinh thần xây dựng và phối hợp với báo chí trong quá trình xử lý vụ việc theo phản ánh.
Mặt khác, tại khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí 2016, nêu rõ, ngoài việc báo chí có nhiệm vụ và quyền hạn thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, thì báo chí còn có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Việc báo chí phản ánh các vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội cũng có thể coi là một kênh thông tin quan trọng giúp chính quyền địa phương củng cố tốt hơn vài trò quản lý nhà nước của mình, trong đó có vấn đề đấu tranh làm trong sạch bộ máy quản lý, giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực thi công vụ...
Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cũng như nhiều cơ quan báo chí khác luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thực hiện chức năng nhiệm vụ theo đúng quy định. Do đó, không có cái gọi là báo chí “bôi nhọ” hay "suy diễn, kích động" như cách huyện Tĩnh Gia báo cáo vụ việc tới cơ quan chức năng.
Huyện Tĩnh Gia vẫn chưa trả lời thông tin báo chí
Liên quan tới sự việc nêu trên, ngày 3/10 phóng viên tiếp tục gửi nội dung phỏng vấn lãnh đạo huyện Tĩnh Gia (lần thứ 2), đề nghị làm rõ một số nội dung đền bù 278,4m2 đất cho hộ bà Cao Thị Minh.
Cụ thể: Tại sao UBND huyện Tĩnh Gia khẳng định đã bồi thường 278,4m2 đất cho hộ gia đình bà Cao Thị Minh để thực hiện dự án đường ống nước nhà máy xi măng Nghi Sơn năm 1997, nhưng các văn bản pháp lý có liên quan đều không thể hiện việc này?
Mặt khác, nếu UBND huyện Tĩnh Gia khẳng định đã đền bù diện tích 278,4m2 đất, thì quy trình đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đường ống nước nhà máy xi măng Nghi Sơn đối với hộ gia đình bà Cao Thị Minh được thực hiện ra sao? Văn bản nào chứng minh việc này?
Hiện nay, bà Minh đã có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Tĩnh Gia làm rõ sự việc trên, nhưng huyện vẫn chưa vào cuộc xử lý dứt điểm vụ khiếu nại này? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan tới vụ việc nói trên sẽ được xử lý như thế nào trong trường hợp xác định rõ vi phạm?
Chiều ngày 16/10, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho hay: "Các nội dung như phóng viên đề nghị, hiện nay đang giao cho Thanh tra tỉnh xác minh. Sau khi có kết luận huyện sẽ trả lời", ông Dũng thông tin.
Liên quan đến diễn biến của vụ việc, ngày 14/10, phóng viên đã liên hệ với ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa để cung cấp và trao đổi rõ thông tin vụ đền bù 278,4m2 đất cho hộ bà Cao Thị Minh và văn bản phản hồi vụ việc của UBND huyện Tĩnh Gia. Về việc này ông Chiến cho biết sẽ theo dõi sát và chỉ đạo vụ việc, đồng thời đề nghị phóng viên tiếp tục nắm tình hình vụ việc và thông tin lại.
(Còn tiếp)