Aa

Thanh Hóa tăng cường quản lý về giá đất và điều chỉnh vốn đối với các dự án đầu tư công chậm tiến độ

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Hai, 19/09/2022 - 06:05

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản về giải quyết tồn đọng trong việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án chậm tiến độ, đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá đất trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá đất

Thực hiện Công văn số 5314/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 09/9/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá đất, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi yêu cầu các sở ngành, các huyện, thị xã, thành phố có liên quan khẩn trương thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại mục 1 công văn nêu trên; báo cáo Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh trước ngày 30/10/2022.

Qua đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các ngành, đơn vị có liên quan, khẩn trương thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại mục 2 công văn nêu trên; báo cáo Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh trước ngày 15/10/2022.

QUAN LY NHA NUOC VE DAT DAI
Thanh Hóa tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá đất. (Ảnh: HH)

Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo về giá đất thị trường, kết quả xác định giá đất cụ thể tại các dự án tại các khu đô thị, khu công nghiệp từ năm 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, báo cáo về tình hình biến động giá đất thị trường 8 tháng đầu năm 2022 so với năm 2021; nguyên nhân biến động giá đất thị trường; dự báo xu hướng và mức độ biến động của giá đất thị trường từ nay đến cuối năm 2022 và gửi kết quả về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 15/10/2022 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Trước đó, ngày 30/3/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 1454/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

Hiện nay, tình hình thị trường quyền sử dụng đất đã ổn định và phát triển tốt. Để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá đất, hạn chế tình trạng sốt đất ở các địa phương, ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ biến động giá đất tại địa phương, thực hiện tốt các nội dung theo Văn bản số 1454/BTNMT-TCQLĐĐ; thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về giá đất và hoạt động của các tổ chức tư vấn xác định giá đất tại địa phương (quy định tại điểm c khoản 3 Điều 21 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất) và gửi kết quả về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 30/10/2022 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Rà soát, kiên quyết điều chỉnh vốn đối với các dự án đầu tư công chậm tiến độ

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương phân bổ hơn 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm, kế hoạch chi tiết vốn đã được UBND tỉnh xem xét, giao cho chủ đầu tư để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, với mục tiêu giải ngân hết 100% số vốn.

THANH HOA QUYET TAM RA SOAT DU AN DAU TU CONG CHAM TIEN DO
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang nằm trong top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao nhất cả nước cho đến thời điểm này. (Ảnh: GH).

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 8, giá trị thực hiện các dự án đầu tư công năm 2022 ước đạt 4.900 tỷ đồng, bằng 44,5% kế hoạch; giải ngân vốn 5.818 tỷ đồng, bằng 52,8% kế hoạch.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn chưa đạt kỳ vọng; đồng thời, chưa đồng đều giữa các chủ đầu tư trong cùng nhóm và khác nhóm. Trong đó, nhóm các chủ đầu tư là sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh hiện mới đạt tỷ lệ trung bình 27,4%, các chủ đầu tư là UBND cấp huyện mới đạt trung bình 27,1%, các chủ đầu tư là UBND cấp xã đạt 93,9%, các chủ đầu tư khác đạt 66,6%.

Theo các chủ đầu tư, nguyên nhân dẫn tới việc thi công các công trình, dự án đầu tư công chưa bảo đảm tiến độ và giải ngân vốn chậm so với kế hoạch là do giá vật tư, vật liệu xây dựng, giá xăng, dầu biến động liên tục theo chiều hướng tăng.

Bên cạnh đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn bị chậm, gây nhiều khó khăn cho công tác triển khai dự án. Một số chủ đầu tư chưa quyết liệt, tinh thần, trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án; một số nhà thầu thi công còn hạn chế năng lực, chưa tập trung máy móc, nhân lực và thiết bị để thi công; tiến độ thẩm định hồ sơ của các dự án khởi công mới của một số cơ quan chuyên môn còn chậm.

Tỉnh Thanh Hóa xác định, công tác triển khai, thi công các dự án đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, bởi các dự án này khi đi vào hoàn thành và sử dụng đúng tiến độ sẽ có tác động thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và lan tỏa sức hút đầu tư.

Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai những giải pháp quyết liệt để giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Trong tháng 09/2022, tỉnh sẽ rà soát, kiên quyết điều chỉnh vốn đối với các dự án tiến độ thực hiện chậm, giải ngân thấp cho dự án có nhu cầu bổ sung vốn để nâng cao tỷ lệ giải ngân của tỉnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top