Aa

Đề nghị sửa đổi luật để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 17/05/2023 - 07:15

UBND tỉnh Thanh Hóa đôn đốc các đơn vị có liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Thanh Hóa còn chậm

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao chi tiết cho 9 đơn vị, chủ đầu tư thuộc địa bàn, lĩnh vực kiểm tra của Tổ công tác số 1 gồm: các huyện Quảng Xương, Ngọc Lặc, Yên Định và TP. Thanh Hóa là 3.157,357 tỷ đồng cho 34 dự án, nhiệm vụ. Trong đó, 2.223,097 tỷ đồng vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương; 934,261 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương.

Tính đến hết ngày 5/5/2023, tổng số vốn đã giải ngân của 9 chủ đầu tư, địa phương là: 698,318 tỷ đồng, đạt 22,1% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao đầu năm, cao hơn 6,4% so với số liệu giải ngân bình quân cả tỉnh (15,7%).

Trong đó có 6 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả tỉnh gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa (85,2%); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (41,5%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (18,6%); TP. Thanh Hóa (34,8%); huyện Quảng Xương (33%) và huyện Yên Định (18,2%). Ba chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả tỉnh gồm: Sở Y tế; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa và huyện Ngọc Lặc.

Ngoài ra, có 10 dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; trong đó khó khăn chủ yếu là về quy định tại các luật khác liên quan đến hoạt động đầu tư công; về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và quy trình triển khai dự án...

Đề nghị sửa đổi luật để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng Tổ công tác thăm dự án giao thông trên địa bàn huyện Quảng Xương. (Ảnh: XN)

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên toàn tỉnh hiện nay thấp so với cùng kỳ năm 2022 và so với mục tiêu đặt ra. Vì vậy, cùng với các đơn vị, địa phương khác trong tỉnh; các đơn vị, địa phương thuộc địa bàn, lĩnh vực kiểm tra của Tổ công tác số 1 cần phải tập trung nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Trong thời gian tới, yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về mục tiêu, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Đồng thời lưu ý, kết quả giải ngân vốn đầu tư công được xem là tiêu chí xem xét, đánh mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với từng tổ chức, cá nhân.

Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền. Đối với những nhà thầu thi công không bảo đảm tiến độ, phải kiên quyết chấm dứt hợp đồng theo thẩm quyền.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động nắm bắt tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn các huyện trong toàn tỉnh, sớm có kế hoạch điều chuyển vốn hợp lý trên cơ sở khả năng giải ngân vốn của từng đơn vị. 4 tổ công tác còn lại của UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra, nắm bắt tình hình tiến độ thực hiện, giải ngân một số dự án đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công 100% đúng theo tiến độ.

Kiến nghị sửa đổi một số điều của Luật đầu tư công năm 2019

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm trong giai đoạn vừa qua có nhiều nguyên nhân, khách quan, chủ quan, trong đó có quy định về việc giải ngân kế hoạch đầu tư công 2 năm quy định tại Điều 76 Luật Đầu tư công năm 2014.

Vì vậy, khi ban hành Luật Đầu tư công năm 2019, Quốc hội đã quy định thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là 1 năm và thẩm quyền quyết định việc kéo dài kế hoạch vốn đầu tư công là Thủ tướng Chính phủ đối với vốn ngân sách trung ương và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với vốn ngân sách địa phương.

Quy định này nhằm tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm việc giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao hằng năm, hạn chế tình trạng kéo dài kế hoạch. Song song với việc quy định giải ngân vốn 1 năm và hạn chế tình trạng kéo dài kế hoạch năm, Luật Đầu tư công năm 2019 đã phân cấp rất mạnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc phân bổ, điều chuyển kế hoạch vốn hằng năm giữa các dự án trong nội bộ đơn vị mình, tạo sự linh hoạt trong việc sử dụng vốn được giao.

Đề nghị sửa đổi luật để tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm trong giai đoạn vừa qua có nhiều nguyên nhân trong đó có quy định về việc giải ngân kế hoạch đầu tư công 2 năm quy định tại Điều 76 Luật Đầu tư công năm 2014. Ảnh: VH

Vừa qua, Cử tri tỉnh Thanh Hóa (nội dung số 12 tại văn bản số 1418/BDN) đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 cụ thể:

Thứ nhất: Đề nghị sửa đổi khoản 5, Điều 40 Luật Đầu tư công năm 2019 theo hướng giao thêm cho chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư.

Thứ hai: Đề nghị phân cấp hơn nữa trong việc giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh được điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư công; cho phép Hội đồng nhân dân cùng cấp được quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý sang năm sau năm kế hoạch quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư công.

Thứ ba: Đề nghị phân cấp hơn nữa quy định liên quan đến quản lý đầu tư xây dựng công trình theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A, B trên địa bàn, dự án thực hiện trên địa bàn 2 địa phương trở lên.

Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trả lời số 7503/BKHĐT-TH gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư công.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời và ý kiến cho rằng: Đối với dự án đầu tư công có cấu phần xây dựng, thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 62/2020/QH14 và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Đối với dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 40 Luật Đầu tư công.

Theo quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân có thẩm quyền Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

Khoản 2 Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước quy định: "Hội đồng nhân dân các cấp quyết định phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên của từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình theo từng lĩnh vực". Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 83 Luật Đầu tư công, Hội đồng nhân dân “Quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm toàn bộ danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương”.

Do Hội đồng nhân dân các cấp quyết định kế hoạch đầu tư công hằng năm của các cơ quan, đơn vị nên quy định thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị tại khoản 7 Điều 67 Luật Đầu tư công là phù hợp.

Đề nghị tỉnh thực hiện theo đúng quy định tại khoản 7 Điều 67 Luật Đầu tư công. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương giữa các đơn vị đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức kỳ họp bất thường.

Luật đầu tư công 2019 đã thực hiện phân cấp cho các địa phương trong công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm A, B trên địa bàn. Đối với việc thực hiện trên địa bàn 2 địa phương trở lên chưa được pháp luật quy định cụ thể, việc này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, nhất là với Bộ Giao thông Vận tải để báo cáo cấp có thẩm quyền phân cấp quản lý cho địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện các dự án đi qua hai địa phương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top