Aa

Thanh Hóa: Tập trung tháo gỡ khó khăn hàng chục dự án trọng điểm

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 26/04/2023 - 06:51

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản giao các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ trì theo dõi, định kỳ báo cáo, tháo gỡ khó khăn về tiến độ 67 dự án lớn, trọng điểm cần phải thực hiện trong năm 2023.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản số 3414/UBND-THKH thống nhất danh mục 67 dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2023 và giao đầu mối, theo dõi thực hiện các dự án cho các sở, ban, ngành, UBND các địa phương.

Cụ thể, thực hiện 21 dự án sử dụng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư 16.288 tỷ đồng, bao gồm: 7 dự án phát triển hạ tầng giao thông; 5 dự án tu bổ, tôn tạo di tích; 3 dự án hạ tầng thủy lợi, nông nghiệp; 3 dự án đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị y tế; 2 dự án phát triển hạ tầng đô thị; 1 dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở giáo dục. Danh mục gồm các dự án điển hình như: Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa (2.242 tỷ đồng); Đường Vạn Thiện đi Bến En (1.181 tỷ đồng); Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, vốn vay World Bank (1.777 tỷ đồng)...

Có 3 dự án theo hình thức đối tác công tư PPP, đó là: Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch và nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP. Thanh Hóa và vùng phụ cận theo phương thức PPP (vốn dự kiến 2.712 tỷ đồng, chưa lựa chọn nhà đầu tư); Tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia, hợp đồng BOT (3.372 tỷ đồng); Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn (1.473 tỷ đồng).

Thanh Hóa  đôn đốc triển khai hàng chục dự án trọng điểm trong năm 2023
UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản thống nhất danh mục 67 dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2023.
(Ảnh: Đặng Trung)

Có 32 dự án đầu tư trực tiếp trong nước với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 103.571 tỷ đồng. Bao gồm danh mục gồm các dự án phát triển khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp quy mô lớn đang triển khai thực hiện hoặc đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư.

Điển hình như: Khu đô thị Đông Nam TP. Thanh Hóa (10.000 tỷ đồng); Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En (4.960 tỷ đồng); Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại của Công ty Cổ phần ORG (4.969 tỷ đồng); Khu du lịch Hoằng Phụ (4.830 tỷ đồng); Hạ tầng KCN số 17, KKT Nghi Sơn (6.432 tỷ đồng); Hạ tầng KCN Lam Sơn - Sao Vàng (3.255 tỷ đồng); Hạ tầng KCN Đồng Vàng (2.400 tỷ đồng); Cảng container Long Sơn (2.400 tỷ đồng); Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng); Nhà máy xi măng Đại Dương 2 (3.354 tỷ đồng); Tổ hợp sản xuất hóa chất Đức Giang (2.400 tỷ đồng); Dự án Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại huyện Nông Cống và Như Thanh (3.800 tỷ đồng); Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa (2.700 tỷ đồng).

Có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nhà máy điện khí và kho khí hóa lỏng LNG (tổng khoảng 138.000 tỷ đồng; do một số nhà đầu tư nước ngoài hiện đang khảo sát, đề xuất); Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial tại thị xã Bỉm Sơn của Công ty TNHH Lốp COPO Việt Nam (1.484 tỷ đồng).

Có 1 dự án lựa chọn nhà đầu tư: Trung tâm thương mại tại phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa (tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 170 triệu USD); Dự án hiện đang chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Có 9 dự án sử dụng đất lĩnh vực phát triển khu đô thị, khu dân cư với tổng mức đầu tư khoảng 33.258 tỷ đồng, đó là: Khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và Hoằng Long, TP. Thanh Hóa (12.891 tỷ đồng); Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (6.849 tỷ đồng); Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam Sông Mã (4.367 tỷ đồng); Khu dân cư đô thị và trung tâm thương mại Sầm Sơn, TP. Sầm Sơn (3.047 tỷ đồng); Khu dân cư và thương mại phường Quảng Phú, TP. Thanh Hoá (2.408 tỷ đồng); Khu đô thị Núi Long kết hợp khu tái định cư phục vụ GPMB đường vành đai Đông - Tây, TP. Thanh Hóa (1.127 tỷ đồng); Khu đô thị Đông đại lộ Bắc Nam, TP. Thanh Hóa (1.204 tỷ đồng); Khu đô thị sinh thái 2 bên bờ sông Đơ, TP. Sầm Sơn (804 tỷ đồng); Dự án số 2 - Khu đô thị mới Lam Sơn - Sao Vàng (561 tỷ đồng).

Thanh Hóa  đôn đốc triển khai hàng chục dự án trọng điểm trong năm 2023
UBND tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tìm giải pháp
tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ 6 dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: VH)

UBND tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ 6 dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang có nguy chậm tiến độ.

Đầu tiên, Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2). Hiện tại vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với 12 hộ gia đình cá nhân có nguồn gốc đất giao trái thẩm quyền, kinh phí hỗ trợ đối với 47 hộ gia đình, cá nhân có tài sản vật kiến trúc nằm trong hành lang đường, tài sản nằm trên đất lấn chiếm không được bồi thường về đất.

Thứ hai, Dự án Đường nối Khu di tích lịch sử Lam Kinh với đường Hồ Chí Minh, do tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc rất chậm, đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án để bàn giao mặt bằng sạch cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhà thầu thi công.

Thứ ba, Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc. Khó khăn, vướng mắc tại dự án này là sau khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi thì các nhà thầu tham dự thầu có kiến nghị, khiếu nại làm kéo dài thời gian, thủ tục thực hiện dự án.

Thứ tư, Dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa. Nguyên nhân là đối với đoạn qua địa bàn thị xã Bỉm Sơn, các công trình đường điện, hệ thống nước sạch chưa được di dời, 3 hộ chưa nhận tiền đền bù và 9 hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Đối với đoạn qua địa bàn huyện Nga Sơn, do diện tích trích đo so với bản đồ địa chính có sự sai khác nên phải điều chỉnh lại, hiện chưa trình Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa phê duyệt làm cơ sở thông báo thu hồi đất lúa.

Thứ năm, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT). Hiện này, còn 2 hộ chưa thống nhất phương án bồi thường và 1 hộ đang tổ chức công khai dự toán hỗ trợ thuộc xã Hoằng Châu. Đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhưng các hộ chưa tháo dỡ công trình, vật kiến trúc để bản giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Đơn vị giải quyết là UBND huyện Hoằng Hóa và UBND huyện Quảng  Xương.

Cuối cùng, Dự án đường Vạn Thiện đi Bến En, dự án này đang vướng phải những khó khăn, vướng mắc như công tác di dời các đường điện 220Kv, trung, hạ thế dẫn đến tiến độ dự án chậm so với kế hoạch./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top