Đã hơn 20 năm trôi qua, hàng trăm hộ dân trồng rừng tại thành phố Thanh Hóa không nhận được quyết định thu hồi, đền bù đất rừng. Điều này vô tình đẩy người dân tới tình trạng vi phạm pháp luật khi họ vào rừng đặc dụng khai thác sản phẩm do chính mình làm ra.
Một quyết định khiến dân trắng tay
Ngày 16/6/1999, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định số 1105/QĐ-UB về việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng (nay là Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, trực thuộc thành phố Thanh Hóa).
Căn cứ quyết định này, tất cả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã cấp trước đây cho các hộ gia đình, cá nhân hoặc các tổ chức, nếu nằm trong phạm vi giao đất cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng tại quyết định này đều không còn hiệu lực.
Quyết định cũng ghi rõ, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa có trách nhiệm ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã cấp cho các hộ, các tổ chức trong đợt giao đất trước đây. Chỉ đạo UBND các xã, phường bàn giao đất cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng...
Theo đó, tổng diện tích đất rừng được giao cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng là 219,5ha (trong đó đất lâm nghiệp là 206,5ha; Đất chưa sử dụng là 13ha) phân bố trên các địa phận hành chính gồm xã Đông Cương (nay là phường Đông Cương), phường Hàm Rồng, xã Thiệu Dương (nay thuộc thành phố Thanh Hóa).
Quyết định 1105 về việc giao rừng cho đơn vị trên quản lý nhưng không ban hành quyết định thu hồi, đề bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng đồng nghĩa với việc, hàng trăm hộ dân tại các xã, phường (Đông Cương, Hàm Rồng) sẽ rơi vào cảnh trắng tay, mất kế sinh nhai.
Đất, rừng là mồ hôi, nước mắt và máu của dân
Tài liệu của phóng viên có được cho thấy, trước thời điểm tỉnh Thanh Hóa có quyết định giao đất lâm nghiệp cho cho Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng quản lý (1999) thì khu vực này đã được người dân đã khai hoang, phục hóa đất đồi, núi từ những năm đầu thập kỷ 80, để trồng cây. Hay nói cách khác, trước đó, đây là loại rừng sản xuất được người dân khai hoang, trồng rừng và nhận giao khoán từ những năm đầu thập kỷ 80.
Đến sau năm 1982, theo chủ trương của nhà nước tại Quyết định số 184/HĐBT ngày 6/11/1982 về đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho tập thể, và nhân dân trồng cây gây rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nhiều hộ dân có đất đã tiên phong hưởng ứng. Một số hộ khác thì nhận khoán để làm vườn rừng.
Tuy nhiên, hàng trăm hộ dân sau hàng chục năm khai hoang canh tác, trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc bỗng dưng mất kế sinh nhai khi chính quyền lấy cả trăm héc-ta rừng chuyển cho đơn vị khác quản lý, mà không đền bù cho dân theo quyết định nói trên.
Bức xúc vì chính quyền lấy đất rừng, nhưng không đền bù cho dân, nhiều hộ dân đã gửi đơn khiếu nại tới các cấp chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết: “Những năm đầu thập kỷ 80 nhân dân hưởng ứng phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo dự án PAM 4304 và dự án 327… Thời điểm đó, mặt bằng chỉ là đồi núi trọc, đá sỏi khô cằn. Cây giống thì người dân phải bỏ tiền để mua.
Hơn 20 năm, trồng cây, cải tạo rừng xanh tốt, chúng tôi phấn khởi và chờ đợi thành quả lao động để ổn định đời sống và tăng thu nhập. Nhưng khi chính quyền lấy rừng thì không một lời thông báo, không một xu đền bù cho chúng tôi. Điều này xét về lý về tình đều không phù hợp”, ông L.H trú tại phố 7, Đông Cương, thành phố Thanh Hóa - hộ dân có 3ha đất rừng trong diện bị ảnh hưởng bởi quyết định 1105 bức xúc.
Việc tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định 1105 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống các hộ dân vốn quen sống nhờ rừng: “Từ thế hệ này qua thế hệ khác, đời sống người dân chủ yếu gắn với rừng, nhưng nay bị chính quyền lấy mất rừng, không đền bù thì người dân chúng tôi biết lấy gì sinh sống?
Nhiều năm nay chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu nhiều lần nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng", ông L.Đ (phường Đông Cương), hộ dân có hơn 16ha đất rừng trong diện bị thu hồi bởi quyết định 1105 chia sẻ.
Nhiều hộ dân đề nghị chính quyền trả lại rừng cho dân quản lý, đảm bảo kế sinh nhai: “Nếu chính quyền không bồi thường thì xin trả lại toàn quyền chủ rừng để các hộ gia đình chúng tôi tiếp tục đầu tư, bảo vệ khai thác giá trị của rừng", ông L.H, hộ dân có hơn 1ha đất rừng vừa bị thu hồi cho hay.
Đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt rừng đặc dụng tại khu vực nói trên. Thời điểm này các địa phương có rừng (huyện Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa) cũng không tiến hành thu hồi, bồi thường cho người dân theo quy định.
Cam kết đền bù theo lộ trình
Như vậy, trên tổng số hơn 200ha đất rừng tồn tại một lúc 2 chủ rừng (người dân và Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng).
Việc tỉnh Thanh Hóa quyết định thu hồi hàng trăm ha đất rừng sản xuất không có quyết định thu hồi "quên" đền bù, đã vô tình đẩy người dân tới tình trạng vi phạm pháp luật khi họ vào rừng đặc dụng khai thác sản phẩm do chính mình làm ra. Đến nay tài sản (cây) của người dân đã quá thời hạn khai thác nhưng cũng không được hưởng thành quả.
Người dân muốn đầu tư phát triển rừng cũng không nhận được sự đồng ý của chính quyền. Trong khi đó, Ban quản lý dự án Vườn thực vật Hàm Rồng cũng không thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ mặc dù rừng đã giao cho họ quản lý.
Trước những đòi hỏi cấp thiết của người dân, ngày 9/10/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 9572/UBND-KTTC; Công văn số 6010/UBND-TD ngày 23/6/2015, về việc giải quyết bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.
Nội dung các công văn trên nói rõ: Giao Ủy ban nhân dân thành phố Thanh hóa chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan lập, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ theo quy định; xác định nguồn kinh phí và thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ngày 29/9/2015, Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa có tờ trình số 788/TTr-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thu hồi đất rừng đặc dụng Hàm Rồng. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện bồi thường kinh phí khi thu hồi đất là 180 tỷ đồng cho 325 hộ dân có đất, rừng.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, quyết định 1105 chưa được triển khai thực hiện (đền bù, giải phóng mặt bằng) với lý do chưa bố trí được nguồn ngân sách nên việc thu hồi đất giao đất cho ban quản lý, thu hồi giấy chứng nhận, lâm bạ và bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng tài sản đất đai của các hội dân chưa thực hiện được.
Như vậy, việc cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa lấy đất lâm nghiệp đã cấp cho các hộ, các tổ chức trong các đợt giao đất giao rừng trước đây, chuyển cho đơn vị khác quản lý, nhưng không đền bù có có dấu thiếu sót.
Cùng với đó, việc tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định 1105 về việc giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý Dự án vườn thực vật Hàm Rồng, nhưng không đền bù, khiến nhiều hộ dân bỗng nhiên rơi vào cảnh tay trắng sau hàng chục năm gắn bó với rừng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho hay, hiện nay, thành phố Thanh Hóa đã trình phương án đền bù đất rừng cho các hộ dân theo lộ trình.
"Việc đề bù cho các hộ dân sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm. Thành phố sẽ bố trí đủ kinh phí để chi trả cho các hộ dân theo lộ trình kế hoạch đề ra. Việc đền bù sẽ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, ông Xuân cho biết.