Aa

Thanh Hóa: Thiếu chỉ tiêu sử dụng đất, nhiều doanh nghiệp kêu khó

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Ba, 27/06/2023 - 06:29

Thiếu chỉ tiêu hạn mức sử dụng đất đang là vấn đề gây khó khăn trong việc phát triển các khu công nghiệp, thu hút các dự án phát triển kinh tế xã hội tại Thanh Hóa.

Nguy cơ thiếu đất để phát triển các khu công nghiệp

Với mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, định hướng đưa phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp là trọng tâm nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, một trong những khó khăn nan giải hiện nay là quỹ đất dành cho công nghiệp đang hết sức thiếu thốn, trong khi đó hạn mức chuyển đổi đất trồng lúa của tỉnh còn lại khá eo hẹp.

Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ xét duyệt, phân bổ chỉ tiêu sử dụng các loại đất thời kỳ 2021 - 2030 so với hiện trạng sử dụng đất năm 2020, cụ thể như sau: Nhóm đất nông nghiệp giảm 22.142ha, trong đó đất trồng lúa giảm 17.498ha (đất chuyên trồng lúa nước giảm 4.875 ha); nhóm đất phi nông nghiệp tăng 31.645ha, trong đó đất khu công nghiệp tăng thêm 5.005ha lên 6.046ha so với hiện trạng sử dụng đất năm 2020.

Thanh Hóa: Thiếu chỉ tiêu sử dụng đất, nhiều doanh nghiệp kêu khó
Chỉ tiêu đất khu công nghiệp đến năm 2030 tại Thanh Hóa sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển đối với 41 khu công nghiệp theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. (Ảnh: HP Vietnam)

Thực hiện Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã và đang bộc lộ một số khó khăn mà một trong những nguyên nhân quan trọng xuất phát từ chỉ tiêu sử dụng của các loại đất thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong định hướng, lộ trình phát triển của tỉnh theo Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với chỉ tiêu đất công nghiệp, tính đến hết tháng 4/2023, tổng diện tích đất đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp nhận nhà đầu tư với diện tích là 4.406ha/6.046ha, đạt tỷ lệ 72,8%. Theo quy mô, diện tích các công trình, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và thực tế tiến độ triển khai các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông thì đến hết năm 2024, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện hết chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ.

Hiện nay, ngoài 25 phân khu khu công nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn với tổng diện tích gần 9.058ha, trên địa bàn tỉnh còn có 8 khu công nghiệp theo quy hoạch đã được duyệt với tổng diện tích 1.424,2ha. Ngoài ra, theo định hướng phát triển và quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ phát triển mới thêm 11 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.153,5ha. Ngoài ra, giai đoạn sau năm 2030 cũng sẽ phát triển Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thành Khu Kinh tế cửa khẩu Na Mèo.

Như vậy, chỉ tiêu đất khu công nghiệp đến năm 2030 sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển đối với 41 khu công nghiệp theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Doanh nghiệp gặp khó khi tìm quỹ đất thực hiện dự án

Theo kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (tính từ ngày 31/12/2020 đến ngày 30/4/2023) cho thấy: Nhóm đất nông nghiệp giảm 4.211ha (trong đó đất chuyên trồng lúa giảm 1.825,73ha); nhóm đất phi nông nghiệp tăng 4.751ha (trong đó đất khu công nghiệp tăng 585ha); nhóm đất chưa sử dụng giảm 540ha.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số chỉ tiêu sử dụng của các loại đất còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa được phân bổ chưa đảm bảo nhu cầu tối thiểu phục vụ các dự án trọng điểm, dự án đầu tư phát triển hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; dự án có tính chất đột phá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận địa điểm đầu tư nên rất khó khăn trong việc cân đối, giao chỉ tiêu sử dụng đất, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa: Thiếu chỉ tiêu sử dụng đất, nhiều doanh nghiệp kêu khó
Chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa hiện nay đang thiếu cục bộ tại một số địa phương là một trong những khó khăn trong thu hút đầu tư. (Ảnh: LH)

Do vậy, nếu theo quy mô, diện tích các công trình, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và thực tế tiến độ triển khai các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông thì đến hết năm 2024, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện hết chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ (4.875ha); chưa kể chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa hiện nay đang thiếu cục bộ tại một số địa phương như: Thị xã Nghi Sơn, TP. Thanh Hóa, huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa mà Thanh Hóa chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết.

Ông Trịnh Văn Tráng, Giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội đang có nhu cầu tìm quỹ đất để thực hiện dự án đô thị mới tại Thanh Hóa cho biết: “Hơn 9 tháng qua, công ty chúng tôi đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm quỹ đất để thực hiện dự án đô thị mới. Nguyên nhân là khi tìm được vị trí phù hợp thì chỉ tiêu chuyển đổi từ đất lúa sang đất đô thị (đất ở) lại không còn. Ngược lại, đối với những khu vực có chỉ tiêu chuyển đổi từ đất phi nông nghiệp sang đất khác rất lớn nhưng lại không phù hợp để phát triển các dự án đô thị hay các dự án khu công nghiệp”.

Còn đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoằng Hóa cho rằng: “Theo chỉ tiêu sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay nói chung và đối với huyện Hoằng Hóa nói riêng, đến năm 2024, quỹ đất chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất khác để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hầu như chưa thể đáp ứng. Do đó, việc tìm quỹ đất, trong đó có chuyển đổi đất lúa sang đất khác để thực hiện các dự án đô thị, khu công nghiệp đang gặp không ít khó khăn không những cho địa phương mà cho cả chính doanh nghiệp”.

Nắm bắt được những khó khăn trước mắt, vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 6886/UBND-NN báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022.

Cụ thể: Đến năm 2030: Diện tích đất nông nghiệp giảm thêm 31.494ha (trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm thêm 19.870ha); diện tích đất phi nông nghiệp tăng thêm 32.364ha (trong đó đất khu công nghiệp tăng thêm 6.173ha); diện tích đất chưa sử dụng giảm thêm 870ha.

Kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025: Diện tích đất nông nghiệp giảm 27.498ha (trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm thêm 9.706ha); diện tích đất phi nông nghiệp tăng 27.498ha (trong đó đất khu công nghiệp tăng thêm 4.728ha); diện tích đất chưa sử dụng giữ nguyên.

Nếu những đề xuất này được tháo gỡ kịp thời, tỉnh Thanh Hóa sẽ có cơ hội giải quyết những khó khăn trong cân đối, giao chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương, từ đó đẩy nhanh tiến độ các dự án có tính chất đột phá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các dự án công nghiệp theo lĩnh vực quy hoạch tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top