Aa

Thanh Hóa: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong nước và quốc tế

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Hai, 05/06/2023 - 10:57

5 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 25 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký thực hiện hàng chục nghìn tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư tiếp tục được tỉnh Thanh Hoá thực hiện hiệu quả, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trên thế giới như: Tổng công ty LH (Hàn Quốc); Tập đoàn WHA Thái Lan; Đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam; Đoàn công tác Hội đồng TP. Seongnam (Hàn Quốc); Công ty cổ phần Tập đoàn TH…

Tính riêng trong quý I, toàn tỉnh đã thu hút được 14 Dự án đầu tư trực tiếp (01 dự án FDI) với tổng số vốn khoảng 7.738,2 tỷ đồng và 1 triệu USD. Lũy kế đến thời điểm tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh có 142 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,416 triệu USD.

Tiêu biểu cho dự án có tổng số vốn đăng ký lớn như: Dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp số 4 (Nghi Sơn) với vốn đăng ký 5.500 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương tại Nghi Sơn có vốn đăng ký 1.098,5 tỷ đồng; Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng (Bá Thước) có vốn đăng ký 322,1 tỷ đồng…

Thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư của Thanh Hóa những tháng đầu năm
UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và tạo điều kiện cao nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến đầu tư tại địa phương. (Ảnh: HV)

Hiện toàn tỉnh có 25 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, có 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 8.799 tỷ đồng và 42,8 triệu USD.

Cũng trong tháng 5 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của tỉnh Thanh Hóa trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản.

Ông Đỗ Minh Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và tạo điều kiện cao nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khách du lịch Nhật Bản đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và trải nghiệm dịch vụ trên địa bàn tỉnh, sẵn sàng lắng nghe mọi đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các hoạt động hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa và các đối tác Nhật Bản luôn đạt kết quả cao nhất, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa phát triển mạnh, toàn diện. Đáng chú ý, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tham gia “câu lạc bộ” có số thu ngân sách hơn 50.000 tỷ đồng. Với lợi thế là một trong những địa phương lớn cả về diện tích và dân số của Việt Nam, có vị trí địa lý chiến lược, kết nối khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ của đất nước, tỉnh Thanh Hóa đang quyết tâm trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của đất nước.

Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án: Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025; Đề án thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Thực hiện thu hút đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung thu hút đầu tư vào 03 trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp. 4 Trung tâm kinh tế động lực: TP. Thanh Hóa - TP. Sầm Sơn; Khu kinh tế Nghi Sơn; Thạch Thành - Bỉm Sơn; Lam Sơn - Sao Vàng. 5 vùng liên huyện gồm: Vùng liên huyện trung tâm, vùng đồng bằng trung tâm, vùng liên huyện phía Bắc, vùng liên huyện phía Nam gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn, vùng liên huyện khu vực miền núi. 6 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hàng lang kinh tế Đông Bắc, hành lang kinh tế trung tâm, hành lang kinh tế Quốc tế.

Tiếp tục công khai 87 dự án thuộc danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 để giới thiệu, vận động, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng…

Tỉnh Thanh Hoá luôn tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường chỉ đạo giải phóng mặt bằng; giải quyết vướng mắc về quy hoạch tại các cụm công nghiệp; làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết khó khăn cho các dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn và một số dự án trọng điểm, tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án và tạo lực hút đầu tư. Nhờ đó, đưa Thanh Hoá trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top