Bóng dáng đầu cơ sau những cuộc đấu giá đất
Tại Thanh Hóa, từ sau Tết Nguyên đán cơn "sốt đất" kéo từ thành thị cho đến nông thôn khiến nhà nhà, người người đua nhau ôm đất và làm "cò đất". Thậm chí, đấu giá đất tại một xã nông thôn của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), đầu tháng 4/2021, chính quyền tổ chức đấu giá 23 lô đất, mỗi lô từ 125 đến 150m2 nhưng có đến hơn 1.000 bộ hồ sơ tham gia. Chưa bao giờ cuộc đấu giá đất ở một vùng quê mà thu hút hàng nghìn người dân địa phương và nhiều cá nhân, tổ chức môi giới và kinh doanh bất động sản từ khắp nơi đổ về tham dự như vậy.
Đặc biệt, có hơn 1.000 hồ sơ tham gia đấu giá 23 lô đất nhưng chỉ có 4 người trúng đấu giá. Nhiều người tham dự đã sửng sốt khi nghe đơn vị đấu giá công bố kết quả trúng đấu giá của 23 lô đất này. Tuy nhiên, sau cơn sốt ảo, những tay đầu cơ đã sang tay kiếm lợi, còn những người mua cuối đành ngậm ngùi ôm hàng, muốn bán ra thu tiền vốn về cũng khó.
Ở một số địa phương khác, tình trạng "sốt đất" cũng đang dần hạ nhiệt. Đơn cử như tại huyện miền núi Như Thanh là một trong những địa phương bùng lên cơn "sốt" đất được cho là khủng khiếp nhất từ trước đến nay tại Thanh Hóa nhưng đến giờ gần như không còn giao dịch nào. Được biết, giá đất tại địa phương này tăng mạnh nhất từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4/2021.
Tuy nhiên, hiện tại, các đối tượng "cò" đất cũng không còn xuất hiện ở khu vực này, mọi giao dịch gần như mất hút. Tại xã Xuân Thái - nơi cơn "sốt đất" khủng khiếp nhất diễn ra sau Tết Nguyên đán cũng trong tình cảnh "vắng như chùa bà đanh".
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Như Thanh cho biết, xuất hiện tình trạng "sốt đất" này là do tâm lý đón đầu dự án để tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư. Đặc biệt, có hoạt động can thiệp các đối tượng xấu ngoài xã hội và "cò đất" vào các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất để thổi giá kiếm lời. Nhiều đối tượng đã đưa ra các thông tin quy hoạch, thông tin triển khai dự án không chính xác để đánh vào tâm lý người mua nhằm đẩy giá đất lên cao.
Bài học nhãn tiền, “cò đất” bỏ cọc vì giá đẩy lên quá cao
Hồi giữa tháng 4/2021, tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh này. Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thời gian vừa qua, tại một số địa phương, tập trung chủ yếu tại thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh... đã và đang xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc triển khai các dự án lớn... để bán đất.
Họ tung tin đồn, mua đi bán lại, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông... bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi.
Ở nhiều cuộc đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã xuất hiện cò đất tạo thị trường và các nhóm đầu cơ, thậm chí thao túng đấu giá. Trong bối cảnh thị trường giảm nhiệt đồng loạt, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, xu hướng này sẽ khó tái diễn.
Theo các chuyên gia, đặc thù của đất đấu giá ở nhiều địa phương là hướng đến phục vụ nhu cầu ở thực của người dân. Điểm cần lưu ý là tập quán sinh hoạt của người dân ở làng xã nào sẽ có xu hướng mua đất ở ngay làng xã đó. Do vậy, với những khu vực không phát triển về khu công nghiệp hay thương mại dịch vụ thì nhu cầu đất ở khá ổn định, giá đất rất khó biến động tăng trong thời gian ngắn. Nếu không có nhu cầu ở mà mua thì khả năng chôn vốn rất cao, thị trường nhỏ lẻ, cục bộ nên khó bán lại.
Ở một so sánh khác, anh Bin, một nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm ở thành phố Thanh Hóa cho rằng, mức giá khởi điểm ở một số khu đất hiện đang ở mức rất cao. Đơn cử như 1 khu đất sắp đấu giá ở huyện Hoằng Hóa có giá khởi điểm trên dưới 10 triệu/m2. Mức giá này tương đương với dự án Paris Elysor, dự án được quy hoạch hạ tầng bài bản, tiện ích đầy đủ, ở ngay phía Bắc thành phố Thanh Hóa. Việc bất động sản ở huyện đẩy giá lên ngang thành phố là điều cần xem xét vì mua với mức giá như vậy thì không biết 3 năm sau bán lại có thu hồi được vốn hay không, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, kinh tế vẫn khó khăn.
Thực tế ở một số địa phương, sau đấu giá, nhiều "cò đất" không tìm được khách để bán lại lô đất mà mình đã trúng đấu giá, nên đành chấp nhận mất trắng tiền cọc... mà nguyên nhân chỉ vì giá đất đã bị cò thổi lên cao ngất ngưỡng. Đây là bài học nhãn tiền cho những người có tâm lý lướt sóng, trục lợi từ đấu giá đất